Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Protein phản ứng C là gì? Đánh giá kết quả xét nghiệm CRP

Ngày 11/03/2024
Kích thước chữ

Phản ứng viêm là cơ chế tự nhiên của cơ thể trước tình trạng tổn thương và nhiễm trùng. Xét nghiệm CRP (C-Reactive Protein) là một phương pháp định lượng protein phản ứng C trong máu. Nó thường được sử dụng để đánh giá mức độ viêm và theo dõi sự phản ứng của cơ thể đối với liệu pháp điều trị trong các trường hợp nhiễm trùng và các bệnh lý liên quan.

Xét nghiệm protein phản ứng C thường được yêu cầu thực hiện khi có biểu hiện của tình trạng viêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại phản ứng này và tầm quan trọng của nó trong việc chẩn đoán bệnh. Vậy mục đích của xét nghiệm CRP này là gì?

Protein phản ứng C là gì?

Protein phản ứng C (C - reactive protein hay CRP) là một loại protein chứa 224 acid amin, xuất hiện khi cơ thể xảy ra đợt viêm cấp hoặc viêm mạn tính. Khi cơ thể trải qua tình trạng viêm do các yếu tố như nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng hoặc tình trạng viêm không nhiễm khuẩn, thì các cytokine và interleukin sẽ kích thích cơ thể sản xuất CRP tại gan. Sau đó, CRP kích hoạt hệ thống bổ thể để thực bào vi sinh vật hoặc các tế bào chết.

Bình thường, không có sự xuất hiện của CRP trong máu. Tuy nhiên, khi có tình trạng phá hủy tế bào gây ra phản ứng viêm, CRP sẽ được sản xuất và tăng lên nhanh chóng trong máu. Khi quá trình viêm kết thúc, mức CRP trong máu cũng giảm nhanh chóng.

Protein phản ứng C 1
Protein phản ứng C là một loại protein xuất hiện khi cơ thể xảy ra tình trạng viêm

Do tính chất nhạy với phản ứng viêm, CRP được sử dụng để chẩn đoán tình trạng viêm và theo dõi đáp ứng của cơ thể đối với liệu pháp điều trị viêm. Trong máu, có hai loại CRP được định lượng là:

  • CRP chuẩn: Đánh giá tình trạng viêm tiến triển, thường được sử dụng để đánh giá nhiễm trùng nặng hoặc bệnh viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp.
  • CRP siêu nhạy (hs - CRP): Được sử dụng để đánh giá tình trạng viêm mạch cấp độ thấp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mặc dù CRP không đặc hiệu cho một bệnh lý cụ thể nhưng nó là một chỉ số dự báo cho tình trạng viêm.

Mục đích của xét nghiệm CRP

Để xác định có sự xuất hiện của tình trạng viêm, đo lường mức độ viêm và kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng khác để đưa ra chẩn đoán và quyết định điều trị, xét nghiệm CRP sẽ được thực hiện trong một số trường hợp như sau:

  • Xác định tình trạng viêm cấp tính: Trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nhiễm ký sinh trùng, viêm ruột thừa, viêm nhiễm vùng tiểu khung, viêm tụy cấp, nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Xác định tình trạng viêm mạn tính: Viêm ruột, u lympho, viêm khớp dạng thấp, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ.

Trong các trường hợp viêm mạn tính, xét nghiệm CRP dùng để đo lường mức độ đợt viêm cấp trong viêm mạn và đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị.

Protein phản ứng C 2
Xét nghiệm CRP dùng để đo lường mức độ viêm và đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị

Đánh giá kết quả xét nghiệm CRP

Kết quả xét nghiệm CRP sẽ được phân loại như sau:

Xét nghiệm protein phản ứng C chuẩn

Đối với loại xét nghiệm protein phản ứng C chuẩn, mức giá trị bình thường thường nằm trong khoảng 0 - 1 mg/dl với giới hạn đo từ 10 - 1000mg/L, kết quả được đánh giá như sau:

  • Khi giá trị CRP tăng so với mức bình thường, điều này cho thấy xuất hiện tình trạng viêm. Sự tăng nhẹ của CRP có thể chỉ ra một tình trạng viêm nhẹ hoặc không phải do viêm. Khi giá trị này tăng cao sẽ báo hiệu một tình trạng nhiễm khuẩn vừa đến nặng tùy thuộc vào mức tăng CRP.
  • Nếu có các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng của một nhiễm khuẩn nặng, mức CRP cao hơn 100mg/l là một yếu tố chẩn đoán xác định, cần đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
  • CRP tăng trong nhiều trường hợp như nhiễm khuẩn, chấn thương, bỏng, phẫu thuật, viêm ruột, viêm khớp dạng thấp và nhồi máu cơ tim,...
  • Khi theo dõi đáp ứng điều trị, nếu CRP giảm sau khi điều trị thì điều này cho thấy có đáp ứng với liệu pháp. Nếu CRP vẫn tăng hoặc không giảm, điều này giúp đánh giá liệu pháp chưa hiệu quả.

Xét nghiệm hs - CRP

Loại xét nghiệm này được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giới hạn đo từ 0,5 - 10mg/dl, kết quả được đánh giá như sau:

  • Nguy cơ thấp khi hs - CRP < 1mg/L, nguy cơ trung bình từ 1 - 3mg/L và nguy cơ cao khi >3mg/L.
  • Ở những người khỏe mạnh, mức tăng hs - CRP được dự đoán sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ, tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc bệnh lý về mạch máu ngoại biên.
  • Xét nghiệm hs - CRP có thể được chỉ định cho nam giới từ 50 tuổi trở xuống và phụ nữ từ 60 tuổi trở xuống có nguy cơ trung bình để đánh giá nguy cơ mắc phải bệnh lý tim mạch trong tương lai.

Ngoài ra, có một số trường hợp khi CRP tăng cao không phải là do tình trạng viêm gây ra, bao gồm:

  • Người hút thuốc lá;
  • Người ít vận động hoặc lười vận động;
  • Người thừa cân hoặc béo phì;
  • Giai đoạn cuối của thai kỳ;
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống;
  • Điều trị bằng hormone thay thế;
  • Vận động thể lực quá sức.
Protein phản ứng C 3
Người thừa cân hoặc béo phì không bị viêm cũng có thể có chỉ số CRP tăng cao

Protein phản ứng C là một chỉ số quan trọng trong việc chẩn đoán tình trạng viêm. Tuy nhiên, nó không được dùng để xác định nguyên nhân gây ra viêm. Do đó, cần phải có sự kết hợp giữa các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Xem thêm: 

Xét nghiệm hs-CRP là gì? Giá trị và ý nghĩa của hsCRP? 

Thiếu protein C và những điều cần biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin