Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Quản lý stress: 7 cách làm hiệu quả nhất

Ngày 19/09/2024
Kích thước chữ

Tình trạng stress không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán nản, chất lượng cuộc sống giảm,… Vậy nên làm gì để quản lý stress hiệu quả? Bài viết sau từ Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng stress tốt hơn.

Quản lý stress là kỹ năng rất cần thiết, đặc biệt khi xã hội ngày một phát triển, con người ngày càng có nhiều áp lực như hiện nay. Nếu bạn đang gặp rắc rối do stress, bạn hãy tham khảo ngay những cách kiểm soát stress dưới đây để cải thiện tinh thần tốt hơn.

Tìm hiểu chung về stress

Trước khi tìm hiểu làm thế nào quản lý stress, bạn cũng cần hiểu về tình trạng này. Stress là một trạng thái tâm lý và sinh lý của cơ thể, xuất hiện khi đối mặt với áp lực, căng thẳng hoặc những tình huống mang tính thách thức. Kèm theo stress là sự gia tăng hormone stress như cortisol và adrenaline. Việc stress là phản ứng sinh lý hoàn toàn tự nhiên của cơ thể khi cảm thấy sự đe dọa hoặc áp lực từ môi trường bên ngoài.

Stress do đâu? Một số nguyên nhân thường gặp gây stress có thể kể đến như:

  • Áp lực công việc;
  • Xung đột, căng thẳng trong mối quan hệ với bạn bè, người thân, đối tác,…
  • Gặp vấn đề về tài chính;
  • Sự thay đổi trong cuộc sống như thất nghiệp, đổi công việc,…
  • Môi trường kém an toàn, ô nhiễm, ồn ào,… làm gia tăng nguy cơ stress.
Quản lý stress: 7 cách làm hiệu quả nhất 1
Stress có thể đến từ nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, khủng hoảng tài chính,...

Mức độ ảnh hưởng của stress với cuộc sống

Stress khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn về tinh thần và cả thể chất, ảnh hưởng đến các hoạt động, công việc hàng ngày như giảm tập trung, suy giảm trí nhớ, đau đầu,… Tình trạng stress kéo dài không có phương án quản lý stress hiệu quả có gây nhiều hậu quả về cả thể chất và tinh thần, cụ thể như:

  • Tâm trạng luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn, khó chịu;
  • Trầm cảm;
  • Thường xuyên hoảng loạn;
  • Cảm thấy buồn bã và tiêu cực;
  • Đau và nhức mỏi cơ thể;
  • Cảm giác tim đập nhanh, đau tức ngực;
  • Kiệt sức;
  • Khó ngủ, mất ngủ;
  • Run rẩy, nhức đầu hoặc chóng mặt;
  • Tăng huyết áp;
  • Nghiến răng và làm căng cơ hàm;
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm;
  • Gặp khó khăn trong đời sống tình dục.

Vì stress gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của người bệnh nên bất cứ ai cũng cần có kỹ năng quản lý stress, điều chỉnh tâm trạng bản thân trước các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

Quản lý stress: 7 cách làm hiệu quả nhất 2
Tình trạng stress kéo dài gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ,...

7 cách quản lý stress ai cũng nên biết

Để có sức khỏe tinh thần lành mạnh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và hiệu quả làm việc, bạn cần biết cách quản lý stress. Dưới đây là một số biện pháp quản lý stress bạn có thể áp dụng khi cần.

Kiểm soát cảm xúc

Điều đầu tiên bạn cần làm để quản lý stress hiệu quả là hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân. Việc kiểm soát tốt cảm xúc sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống, tránh được những áp lực không mong muốn. Nếu mất kiểm soát cảm xúc bạn sẽ dễ bị stress, mệt mỏi hơn nên trong công việc và cuộc sống, bạn hãy giữ bình tĩnh, hạn chế nóng giận,… bằng cách giữ im lặng, ghi nhận điều tích cực và tạm tránh đi chỗ khác khi cảm xúc đang dâng trào.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Một số thói quen ăn uống kém lành mạnh như uống nhiều bia rượu, ăn nhiều dầu mỡ,… là nguyên nhân dẫn đến stress nên để quản lý stress tốt hơn, bạn cần thay đổi thực đơn, thói quen ăn uống hàng ngày. Bạn cũng không nên cố gắng quản lý stress bằng cách sử dụng chất kích thích như caffeine, rượu, bia,…, thay vào đó bạn nên ưu tiên chế độ ăn nhiều rau xanh, đủ các nhóm chất với lượng đường, muối phù hợp.

Quản lý stress: 7 cách làm hiệu quả nhất 3
Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh hỗ trợ quản lý stress hiệu quả hơn

Tập thể dục

Tập thể dục là một trong những cách rất hay để quản lý stress. Thói quen tập luyện không chỉ giúp bạn sở hữu cơ thể khỏe mạnh, săn chắc mà còn hỗ trợ kiểm soát cảm xúc, kiểm soát tình trạng stress rất tốt. Do đó, người bệnh đang bị stress cần vận động, luyện tập đều đặn mỗi ngày 30 phút với bộ môn mình yêu thích như tập yoga, tập gym, bơi lội, chạy bộ,… Việc tập luyện sẽ kích thích não bộ sản sinh hormone hạnh phúc giúp bạn nghĩ tích cực hơn, thấy dễ chịu, thoải mái hơn.

Ngừng hút thuốc lá

Nicotin được tìm thấy trong thuốc lá được nhiều người xem là phương pháp quản lý stress tạm thời nhưng thực tế chất này có thể tạo cảm giác hưng phấn, giảm lưu lượng máu gây ảnh hưởng đến hơi thở và tinh thần dễ rơi vào trạng thái stress hơn.

Bên cạnh đó, thuốc lá nói riêng và nicotin nói chung còn gây ra những cơn đau mạn tính, làm tình trạng đau đầu, chóng mặt,… khi bị stress thêm nặng hơn. Vì vậy, nếu bạn đang bị stress và đau nhức cơ thể, bạn nên hạn chế tối đa việc hút thuốc hoặc tốt nhất nên cai thuốc lá càng sớm càng tốt.

Kiểm soát các tác nhân gây stress

Để quản lý stress, người bệnh nên tránh việc dành nhiều thời gian hơn để theo dõi những áp lực, điều tiêu cực trong cuộc sống, tin tức trên mạng xã hội hoặc truyền hình,… vì có thể làm tình trạng stress thêm nặng nề hơn. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng tách biệt công việc và cuộc sống, hạn chế suy nghĩ tiêu cực, dành nhiều thời gian hơn để ở bên người thân, bạn bè hoặc tập trung vào những sở thích của bản thân.

Kết nối với mọi người

Kết nối với mọi người xung quanh là cách để bạn quản lý stress một cách hiệu quả. Biện pháp này sẽ giúp người bệnh cảm nhận được sự thân thuộc, đồng thời nhận ra giá trị bản thân và trân trọng cuộc sống hơn. Bạn có thể trò chuyện, chia sẻ cảm xúc và những trải nghiệm tích cực với người thân, bạn bè xung quanh. Bên cạnh đó bạn cũng có thể lắng nghe lời khuyên, lời động viên, hỗ trợ từ mọi người để quản lý stress và sớm quay lại cuộc sống thường ngày. Một số cách bạn có thể thực hiện để kết nối với mọi người xung quanh như:

  • Dành thời gian trò chuyện, ăn uống cùng gia đình;
  • Sắp xếp thời gian đi chơi với bạn bè;
  • Dành thời gian trò chuyện với mọi người thay vì chơi điện thoại, máy tính;
  • Tham gia hoạt động thiện nguyện;
  • Tận dụng mạng xã hội, công nghệ để giữ liên lạc với mọi người.
Quản lý stress: 7 cách làm hiệu quả nhất 4
Người bị stress nên mở lòng và kết nối, trò chuyện với mọi người nhiều hơn nhằm tìm ra giải pháp và giải tỏa phần nào căng thẳng

Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ có thể gây đau đầu, chóng mặt và tình trạng stress thêm nghiêm trọng nên nếu muốn quản lý stress, bạn cần ngủ đủ giấc và đi ngủ sớm hàng ngày. Bạn có thể áp dụng những cách dưới đây để có giấc ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.

  • Lên lịch đi ngủ và thức dậy cụ thể mỗi ngày và tuân thủ theo lịch trình này.
  • Đảm bảo giường, gối, chăn,… luôn sạch sẽ và tạo cảm giác thoải mái tối đa khi nằm ngủ.
  • Giữ phòng ngủ đủ tối và yên tĩnh.
  • Nghe nhạc thư giãn trước khi ngủ.
  • Hạn chế sử dụng những thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính bảng,…
  • Không lạm dụng thuốc ngủ.
  • Tránh ăn quá no vào bữa tối, không ăn trước khi ngủ và hạn chế dùng caffeine, đồ uống có cồn.

Mong rằng những cách quản lý stress nêu trên đã giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và năng suất, sự tập trung trong công việc. Nếu nhận thấy tình trạng stress của bản thân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bạn cần cân nhắc đến gặp bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:StressTâm lý