Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Răng xấu nguyên nhân là gì? Cách điều trị phục hồi tình trạng này

Ngày 05/01/2024
Kích thước chữ

Nụ cười là một biểu tượng của vẻ đẹp và sự tự tin, nhưng không phải ai cũng may mắn được sở hữu một hàm răng trắng sáng và đều đẹp tự nhiên. Với nhiều người, tình trạng răng xấu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể nói chung.

Răng xấu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến việc chăm sóc răng miệng không đúng cách và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là: Làm thế nào để khắc phục tình trạng răng xấu một cách hiệu quả? Cùng Long Châu tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Răng xấu là tình trạng răng như thế nào?

Các tình trạng răng dưới đây thường được coi là răng xấu:

Hàm răng thưa

Răng thưa là khi các răng không nằm gần nhau, tạo ra những khoảng trống lớn giữa chúng. Không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt, tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ăn nhai.

Răng xấu nguyên nhân là gì? Cách điều trị phục hồi tình trạng này? 1
Răng thưa là một trong những tình trạng răng xấu điển hình

Tình trạng răng hô, vẩu

Răng hô là một vấn đề thẩm mỹ phổ biến mà nhiều người phải đối mặt. Tình trạng này thường xảy ra khi cả hai hàm răng nhô ra phía trước, hoặc hàm trên chìa ra che phủ hàm dưới. Nó có thể làm thay đổi hình dạng của khuôn mặt, làm cho mũi trở nên thấp hơn, môi trở nên dày hơn và miệng có thể nhô ra một cách không đều, trong một số trường hợp có thể gây khó khăn trong việc đóng miệng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ tổng thể của khuôn mặt.

Răng bị móm

Răng móm là một tình trạng sai lệch tương quan giữa hai hàm, đặc biệt là khi hàm dưới chìa ra ngoài và che phủ hàm trên, tạo thành khớp cắn ngược gây ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai. Ngoài ra, người mắc phải tình trạng này thường có gương mặt hình lưỡi cày, khiến cho lúc cười trở nên thiếu tự nhiên và duyên dáng. Trong khi nói chuyện, họ có thể phát âm không chuẩn và tỷ lệ viêm khớp thái dương hàm thường cao.

Các răng mọc khấp khểnh, mọc lệch

Răng mọc lệch, không thẳng hàng, lồi lõm, chen lấn và đè lên răng khác đều là tình trạng hàm răng xấu cần phải được khắc phục. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nụ cười, mà còn tạo điều kiện cho thức ăn bám dính và khó vệ sinh giữa các kẽ răng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, hôi miệng và sâu răng nếu không được xử lý.

Răng cắn hở

Răng cắn hở là tình trạng khi hàm trên và hàm dưới không khít với nhau, mặc dù chúng đã đóng hoàn toàn. Tình trạng này có thể được chia thành hai trường hợp chính:

  • Cắn hở trước: Các răng cửa trên không chạm vào nhóm răng cửa dưới, tạo ra một khoảng hở rõ ràng. Khi nói chuyện người đối diện dễ dàng thấy được khoảng trống và lưỡi, gây cảm giác không duyên dáng.
  • Cắn hở sau: Trong trường hợp này, dù hàm đã đóng hoàn toàn hoặc đang trong trạng thái nghỉ, các răng hàm vẫn giữ khoảng và không thể chạm vào nhau. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và phát âm.

Răng ố màu

Răng ố vàng là tình trạng khi răng mất màu men trắng ngà tự nhiên và chuyển sang các gam màu như vàng, xám, nâu, thậm chí đen. Mặc dù không ảnh hưởng đến sự tương quan giữa hai hàm, nhưng răng ố vàng gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng, làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt và nụ cười.

Răng xấu nguyên nhân là gì? Cách điều trị phục hồi tình trạng này? 2
Răng ố vàng gây mất thẩm mỹ và giảm sự tự tin

Những vấn đề trên có thể được coi là tình trạng răng xấu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe nướu miệng.

Nguyên nhân gây tình trạng răng xấu

Tình trạng răng xấu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc ông bà có vấn đề về răng xấu, nguy cơ di truyền cho thế hệ sau là rất cao. Điều này có nghĩa là gen có thể đóng vai trò quan trong việc quyết định hình dạng của răng. Việc này là một phần giải thích cho sự tương đồng về hình dạng răng giữa các thành viên trong gia đình.
  • Thói quen xấu: Trong giai đoạn mọc và thay răng, nhiều trẻ phát triển thói quen như đẩy lưỡi, mút tay, nghiến răng, thậm chí là hút thuốc lá do sự khó chịu ở vùng răng miệng. Những thói quen này có thể gây xê dịch răng, làm cho chúng không mọc đúng vị trí chuẩn.
  • Răng sữa gãy rụng: Nếu răng sữa rụng quá sớm, có thể xảy ra tình trạng mọc răng mới chen lấn vào vị trí trống, dẫn đến sự chênh lệch và không đều đặn của hàm răng. Ngược lại, khi răng sữa rụng quá trễ, răng mới thường không có đủ khoảng trống để nhô lên mà thay vào đó, chúng có thể mọc lồi ra phần nướu xung quanh chân răng, có thể gây ra vấn đề hô hoặc móm.
  • Không thực hiện kiểm tra răng miệng định kỳ: Nếu bỏ qua quá trình kiểm tra răng miệng định kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn thay răng, sẽ không nhận biết và đối phó kịp thời với các vấn đề như răng mọc lệch, khớp cắn không đúng, để lại những tác động tiêu cực kéo dài đến suốt cuộc đời.
Răng xấu nguyên nhân là gì? Cách điều trị phục hồi tình trạng này? 3
Trong giai đoạn mọc răng trẻ hay có thói quen đẩy lưỡi hoặc mút tay dễ gây tình trạng răng mọc lệch

Việc thăm nha sĩ theo định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng và tránh tình trạng răng xấu.

Các phương pháp hỗ trợ điều trị răng xấu phổ biến hiện nay

Để cải thiện tình trạng hàm răng xấu, dưới đây là một số phương pháp bạn có thể xem xét:

Niềng răng

Sử dụng niềng răng là một phương pháp an toàn và hiệu quả để khắc phục tình trạng răng xấu, được nhiều người ưa chuộng. Niềng răng không chỉ áp dụng được cho nhiều tình trạng như khớp cắn sâu, khớp cắn chéo, khớp cắn ngược, khớp cắn hở mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Hiện nay, có hai phương pháp chính để thực hiện quá trình niềng răng:

  • Niềng răng mắc cài truyền thống: Bác sĩ sẽ sử dụng mắc cài gắn trên răng và tận dụng lực kéo từ dây cung để di chuyển răng về vị trí mong muốn trên cung hàm và khớp cắn. Tuy nhiên, quá trình chỉnh nha bằng cách gắn mắc cài không đảm bảo thẩm mỹ và có thể gây trầy xước cho má hoặc môi.
  • Niềng răng trong suốt Invisalign: Phương pháp này sử dụng các khay trong suốt ôm sát cung răng, tận dụng lực kéo để đưa răng về đúng vị trí của chúng trong khớp cắn. Đặc biệt, phương pháp này được biết đến với cái tên niềng răng "vô hình", do sự trong suốt của các khay khiến chúng khó nhận biết khi đeo, giúp người sử dụng tăng cường sự tự tin hơn trong giao tiếp.

Dán sứ Veneer

Dán sứ Veneer là quá trình mài mỏng một lớp (khoảng 0,3 - 0,5mm) trên bề mặt răng và sau đó dán miếng sứ Veneer lên, nhằm che đi các khiếm khuyết như nhiễm màu tetra, răng hàm bị ố, răng thưa nhẹ hoặc bị mẻ. Phương pháp này thích hợp cho những người mong muốn bảo tồn tối đa sự tự nhiên của răng, đồng thời đạt được tính thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, việc sử dụng dán sứ Veneer không phải là phương pháp hiệu quả cho trường hợp răng có khiếm khuyết nhiều, răng bị lệch khớp cắn hay người có thói quen nghiến răng khi ngủ.

Bọc răng sứ

Bọc sứ răng là quá trình mài nhỏ một phần của răng vĩnh viễn và sau đó bọc một lớp mão sứ lên răng để che đi các khiếm khuyết như nứt, mẻ hay không đều màu. Tuy nhiên, phương pháp này đôi khi có thể gây xâm lấn đáng kể vào cấu trúc răng thật, và về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng răng ê buốt hoặc thậm chí mất răng.

Răng xấu nguyên nhân là gì? Cách điều trị phục hồi tình trạng này? 4
Bọc răng sứ giúp che đi các khuyết điểm của răng

Phẫu thuật hàm

Phẫu thuật hàm là một phương pháp khắc phục tình trạng răng xấu do vấn đề xương hàm. Trong quá trình này, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thường thực hiện việc cắt bớt hoặc nối thêm xương (phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân) để tạo ra sự đồng đều và cân đối giữa hai hàm răng. Điều này giúp khắc phục triệt để các vấn đề như lệch khớp cắn, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ của gương mặt và khả năng ăn nhai.

Tuy nhiên, phương pháp này thường không được các chuyên gia chỉnh nha khuyến khích sử dụng, vì nó liên quan đến chi phí cao và đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật khó khăn. Hơn nữa, quá trình này mang theo mức độ rủi ro cao, do đó nên chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và thường chỉ được thực hiện khi bệnh nhân đã đạt đến độ tuổi 18, khi xương hàm đã phát triển hoàn thiện.

Nên thăm khám với nha sĩ tại các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán tình trạng răng và đề xuất kế hoạch điều trị thích hợp nhất cho mỗi trường hợp cụ thể.

Hy vọng rằng thông tin mà Long Châu cung cấp có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề răng xấu và các phương pháp khắc phục. Kết hợp giữa các phương pháp tiên tiến và sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các chuyên gia nha khoa, mọi người có thể không chỉ được cải thiện vẻ đẹp nụ cười mà còn đảm bảo sức khỏe toàn diện cho hệ thống răng miệng của bản thân.

Xem thêm;

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin