Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn tiền đình bao lâu thì khỏi?

Ngày 22/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn tiền đình bao lâu thì khỏi? Thời gian điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phân loại bệnh, mức độ bệnh, và khả năng phản ứng của cơ thể với các biện pháp điều trị. Có thể phục hồi nhanh chóng trong vài ngày hoặc kéo dài vài tháng. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, việc thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và bắt đầu điều trị là rất quan trọng.

Những cơn chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng, và buồn nôn là những triệu chứng phổ biến của rối loạn tiền đình, một vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Khi bị mắc phải rối loạn này, một trong những câu hỏi thường xuyên xuất hiện là: "Rối loạn tiền đình bao lâu thì khỏi?".

Dấu hiệu bạn bị rối loạn tiền đình?

Bệnh rối loạn tiền đình chia thành hai dạng với các biểu hiện khác nhau:

Rối loạn tiền đình ngoại biên: Rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp ở khoảng 90% - 95% trường hợp. Nguyên nhân gây ra rối loạn này đa dạng, dẫn đến các biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Biểu hiện có thể bao gồm cảm giác chóng mặt thoáng qua, thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, thường xảy ra khi thay đổi tư thế như lắc đầu hoặc từ tư thế nằm sang tư thế ngồi. Đôi khi, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng với cảm giác chóng mặt nặng và kéo dài, đến mức người bệnh không thể đi hoặc thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi được.

roi-loan-tien-dinh-bao-lau-thi-khoi.jpg
Rối loạn tiền đình gây cảm giác chóng mặt nặng và kéo dài

Trong trường hợp rối loạn tiền đình ngoại biên nặng, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng bổ sung như buồn nôn nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, cảm giác nặng đầu, khả năng tập trung kém, và rối loạn vận mạch có thể dẫn đến da mặt tái xanh, giảm nhịp tim, và mồ hôi nhiều. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể té ngã và gây chấn thương do không thể kiểm soát được thăng bằng cơ thể.

Rối loạn tiền đình trung ương: Rối loạn tiền đình trung ương thường xuất hiện khi hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Người bệnh thường gặp khó khăn khi đi bộ và có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi thay đổi tư thế. Các triệu chứng này thường do tổn thương các phần liên quan đến tiền đình ở thân não và tiểu não, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tai biến mạch máu não, viêm nhiễm, hoặc u não.

Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình

Các phương pháp điều trị giảm triệu chứng rối loạn tiền đình:

Điều trị triệu chứng chóng mặt và nôn mửa: Điều này có thể bao gồm việc sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn.

Phục hồi chức năng tiền đình: Bài tập rèn luyện não bộ và thực hiện các động tác kích thích hệ thống tiền đình có thể giúp phục hồi chức năng cho bộ phận đầu, cơ thể và thị giác.

Tập luyện thể thao: Tập luyện vận động thích hợp cho tình trạng sức khỏe của bạn có thể giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình một cách nhanh chóng.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình.

roi-loan-tien-dinh-bao-lau-thi-khoi-1.jpg
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm triệu chứng của rối loạn tiền đình

Sử dụng thuốc kê toa: Bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc và đưa ra chỉ định về thời gian và liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.

Nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (Epley maneuver): Đây là một phương pháp được bác sĩ thực hiện để tái định vị các tinh thể bị lạc chỗ trong tai, thường được sử dụng trong điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

Phẫu thuật: Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không đem lại kết quả, phẫu thuật có thể được xem xét, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình bao lâu thì khỏi?

Rối loạn tiền đình thường biểu hiện bằng các triệu chứng điển hình như cảm giác chóng mặt và thấy như có "hoa mắt" trước mắt. Trong nhiều trường hợp, nếu các triệu chứng tự giảm đi sau vài giờ hoặc vài ngày, thì bệnh thường không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất về sức khỏe, người bệnh nên tự chủ động trong việc thăm khám chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và điều trị từ sớm.

Rối loạn tiền đình kéo dài bao lâu? Thời gian kéo dài của triệu chứng rối loạn tiền đình phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, rối loạn tiền đình có thể tự giảm đi một cách nhanh chóng nếu không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào. Có trường hợp triệu chứng biến mất chỉ trong vòng một giờ. Tuy nhiên, cũng có những tình huống đòi hỏi nhiều thời gian hơn, có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mới hết.

roi-loan-tien-dinh-bao-lau-thi-khoi-2.jpg
Rối loạn tiền đình bao lâu thì khỏi?

Ngoài ra, rối loạn tiền đình có thể tái phát nhiều lần, đặc biệt nếu nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định và điều trị hiệu quả. Một số trường hợp rối loạn tiền đình có khả năng điều trị hoàn toàn, như rối loạn tiền đình do thạch nhĩ lạc chỗ sỏi tiền đình, trong khi những trường hợp khác nhất là khi có liên quan đến vấn đề bệnh lý não hoặc các nguyên nhân khác, có thể khó khăn để điều trị hoàn toàn.

Do đó, việc thăm khám và điều trị bệnh rối loạn tiền đình rất quan trọng. Người bệnh nên đi khám tại bác sĩ chuyên khoa thần kinh khi xuất hiện các triệu chứng, để có thể xác định nguyên nhân gây bệnh và nhận được hướng điều trị phù hợp. Điều này thường giúp giảm nguy cơ tái phát triệu chứng và giảm đi sự khó chịu khi cơn rối loạn tiền đình xuất hiện.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm