Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Nguyên nhân và cách phòng bệnh

Ngày 29/03/2023
Kích thước chữ

Rối loạn tiền đình là căn bệnh hay gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, 90% trên tổng số người bị bệnh tiền đình là mắc hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên. Vậy hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên là gì? Nguyên nhân và cách phòng bệnh ra sao?

Rối loạn tiền đình ngoại biên là một hội chứng của căn bệnh rối loạn tiền đình. Bệnh khiến cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Do đó, việc tìm hiểu về nguyên nhân của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì?

So với rối loạn tiền đình trung ương thì rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp nhiều hơn. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là khi thay đổi tư thế sẽ bị chóng mặt. Bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển. Mọi vật xung quanh xoay tròn. Hoặc chính bản thân người bệnh xoay tròn so với những vật xung quanh ấy.

Đây là căn bệnh lành tính. Nếu mắc bệnh nhẹ, sẽ bị chóng mặt thoáng qua, trong thời gian ngắn. Thế nhưng, khi trở nặng, bệnh nhân sẽ bị chóng mặt dữ dội và kéo dài. Đồng thời, sẽ có một số triệu chứng khác kèm theo, cụ thể:

  • Thính lực bị suy giảm, biểu hiện rõ rệt nhất là ù tai, điếc đặc, đầy tai.
  • Xuất hiện ói mửa, buồn nôn và kéo dài.
  • Khi chóng mặt, có thể bị té ngã. Và lúc này khi té ngã, bệnh nhân có thể không đứng lên được hoặc không thay đổi được tư thế từ nằm sang ngồi.
  • Xuất hiện triệu chứng ngón tay chỉ lệch hoặc rung giật nhãn cầu.
  • Xảy ra rối loạn vận mạch như giảm nhịp tim, da tái xanh, vã mồ hôi…
Rối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp tỉ lệ caoRối loạn tiền đình ngoại biên thường gặp tỉ lệ cao

 

Nguyên nhân của bệnh

Rối loạn tiền đình ngoại biên thường xuất hiện khi dây thần kinh tiền đình hoặc tai trong bị tổn thương.

Cụ thể bởi một số nguyên nhân sau:

  • Uống rượu bia, các thức uống kích thích, có cồn.
  • Bị viêm mê nhĩ, viêm tai xương chũm mạn tính.
  • Bị chấn thương (vỡ xương đá) hoặc u góc cầu tiểu não (u dây VIII).
  • Sử dụng các thuốc gây tổn thương cho tiền đình như:
    • Một số loại thuốc lợi tiểu như acid ethacrynic, furosemid rất dễ gây ù tai, điếc tai, chóng mặt. Những rối loạn đó thường tự hồi phục nhưng có một số trường hợp, dùng thuốc với liều quá cao thì không thể hồi phục được.
    • Nhóm thuốc kháng sinh aminosid, nhất là gentamycin, kanamycin, streptomycin. Nếu dùng khoảng 2 - 4 tuần, có khả năng bị mất thính giác không hồi phục được hoặc gây tổn thương vĩnh viễn 2 bên mê đạo. Vì thế, các loại thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn và cần hết sức cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng.
    • Thuốc Salicylate và Quinine liều cao, sẽ gây chóng mặt kèm ù tai.

Bệnh Meniere: Nguyên nhân gây ra bệnh là bởi thể tích trong hệ thống nội dịch tăng, sự hấp thu hoặc tắc nghẽn trong ống dẫn giảm. Triệu chứng đặc trưng nhất của căn bệnh này là giảm thính lực, ù tai, chóng mặt. Bệnh thường gặp ở nam và nữ trong lứa tuổi 30 - 50.

Bị viêm dây tiền đình do virus. Một số bệnh do virus gây ra như zona, thủy đậu, cảm cúm… có thể gây biến chứng viêm dây thần kinh tiền đình. Tuy nhiên, những cơn chóng mặt chỉ xuất hiện một đợt duy nhất hoặc có thể tái đi tái lại nhiều lần đều được tiên lượng tốt, không ảnh hưởng đến ốc tai.

Ngoài ra, chúng ta còn hay gặp một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình ngoại biên. Đó là thời tiết thay đổi đột ngột, ít vận động, mắc bệnh lý thoái hóa cột sống cổ, gây cản trở sự lưu thông mạch máu ở hệ đốt sống thân nền, thường xuyên sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài…

Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình ngoại biênNhiều nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên

Khi mắc bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên, cần làm gì?

Để phòng bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên, các bạn cần tuân thủ những vấn đề như sau:

  • Vận động mỗi ngày: Điều này cực kỳ quan trọng. Nhất là đối với những ai làm việc 8 tiếng tại văn phòng. Bởi quỹ thời gian vận động của nhóm người này rất ít. Vì vậy, họ cần phân bổ thời gian một cách hợp lý để luôn có khoảng thời gian luyện tập thể dục mỗi ngày. Gợi ý, một số bài tập thể dục cho hiệu quả tốt trong việc phòng và điều trị bệnh đó là đi bộ, đạp xe, chạy bộ…
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bạn cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Không được để cơ thể mình trong tình trạng thiếu chất. Nhớ đừng nhịn ăn, bỏ bữa. Tốt nhất, bạn nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước. Nói không với rượu bia và các chất kích thích khác. Cũng như hạn chế ăn đồ ăn vặt chứa nhiều dầu mỡ.
  • Cần giảm thiểu những áp lực, stress, căng thẳng thường gặp trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy để tinh thần của mình luôn vui vẻ, thoải mái. Cũng không nên làm việc quá sức hay các công việc nặng nhọc. Bởi điều đó sẽ gây tổn hại nhiều đến sức khỏe, làm dễ mắc phải hội chứng rối loạn tiền đình.
  • Trường hợp dùng thuốc điều trị các bệnh khác mà gặp phải tác dụng phụ, gây ra dấu hiệu của hội chứng tiền đình thì cần thông báo cho bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời.
Giảm thiểu áp lực, để tâm trạng luôn vui vẻGiảm thiểu áp lực, để tâm trạng luôn vui vẻ

Bài viết trên đây là những thông tin chia sẻ chi tiết về căn bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên. Mong rằng, từ đó các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức mới mẻ và hữu ích để biết cách chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân rối loạn chức năng tiền đình

Phiến Trần

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin