Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn tiêu hóa khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ

Rối loạn tiêu hóa khi mang thai là nỗi ám ảnh của nhiều bà bầu. Do vậy, nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ và cách để đối phó với tình trạng này. Bài viết sau đây sẽ giúp các mẹ giải đáp vấn đề này, hãy cùng theo dõi nhé!

Rối loạn tiêu hóa khi mang thai là nỗi ám ảnh của nhiều bà bầu. Do vậy, nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ và cách để đối phó với tình trạng này. Bài viết sau đây sẽ giúp các mẹ giải đáp vấn đề này, hãy cùng theo dõi nhé! 

Tại sao bà bầu thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa? 

Theo kết quả thống kê từ một nghiên cứu đã cho thấy trung bình có đến 72% bà bầu bị rối loạn tiêu hóa trong suốt thời gian mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ (với hơn 61%). Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cho bà bầu dễ bị rối loạn tiêu hóa: 

Thay đổi nội tiết tố - Đây là nguyên nhân chủ yếu 

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai chủ yếu là do nồng độ hormone trong cơ thể mẹ thay đổi trong thai kỳ. Cụ thể là nồng độ hormone progesterone tăng cao làm giãn cơ hệ tiêu hóa, giảm nhu động ruột và từ đó, hậu quả là mẹ bầu dễ bị táo bón. 

Táo bón không chỉ cản trở khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn mà còn làm cho cơ thể mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu. Hơn thế nữa, nếu táo bón kéo dài còn có nguy cơ tích tụ độc tố trong hệ tiêu hóa, gây nên các bệnh mãn tính khác. 

Song song đó, cũng chính vì giãn cơ tiêu hóa mà van nối giữa thực quản và dạ dày trở nên lỏng lẻo, khiến cho mẹ bầu thường xuyên bị trào ngược axit, ợ chua và ợ khan. 

Thai nhi phát triển làm thay đổi thể chất bên trong cơ thể 

Theo thời gian, tử cung sẽ dần tăng kích thước để có thể bao bọc thai nhi đang ngày càng phát triển lớn hơn. Khi đó, tử cung sẽ chèn ép lên nhiều cơ quan khác ở vùng chậu mà trong đó có cả ruột già (trực tràng). Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều bà bầu mắc phải các vấn đề về tiêu hóa phổ biến hơn vào 3 tháng cuối thai kỳ. 

rối loạn tiêu hóa khi mang thai 1

Kích thích tử cung tăng lên ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa khi mang thai

Cơ thể người mẹ nhạy cảm hơn trong thai kỳ 

Khi có bầu, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi kể cả hormone và thể chất. Lúc này, cơ thể người mẹ trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố bên ngoài mà phổ biến là nhạy cảm với thức ăn, nhất là các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn. Đây cũng chính là nguyên nhân gây tiêu chảy cho nhiều bà bầu.

Do sử dụng các thực phẩm bổ sung 

Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu thường được chỉ định một số viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ và bé. Tuy nhiên, viên uống bổ sung sắt và các loại vitamin cũng có thể gây ra tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, khiến các mẹ bị khó tiêu và táo bón. 

Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, rối loạn tiêu hóa khi mang thai cũng do nhiều nguyên nhân khách quan khác, chủ yếu do thói quen sinh hoạt bị đảo lộn, chẳng hạn như:

  • Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh: Ăn thức ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ, ít rau xanh và trái cây;
  • Ốm nghén thường xuyên dẫn đến chán ăn và mất nước;
  • Ít vận động, hay ngồi nhiều - thường gặp ở các mẹ bầu làm việc văn phòng.

rối loạn tiêu hóa khi mang thai 2

Rối loạn tiêu hóa thường xảy ra ở những mẹ làm việc văn phòng do ngồi lâu, ít vận động

Các dấu hiệu và triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai 

Các bà bầu thường thay đổi khẩu vị và thèm ăn nhiều món khác nhau nhưng rối loạn tiêu hóa sẽ khiến mẹ bầu mất khẩu vị, chán ăn và lười ăn. Các triệu chứng biểu hiện cho rối loạn tiêu hóa ở bà bầu có thể bao gồm: 

  • Buồn nôn, nôn mửa tương tự như ốm nghén. Đây là các triệu chứng thường xuyên xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Ợ nóng, ợ khan.
  • Chậm tiêu, táo bón là triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình nhất ở phụ nữ mang thai.
  • Thường xuyên đi ngoài và tiêu phân lỏng.
  • Cảm giác mệt mỏi, thiếu nước và ăn không ngon, chán ăn. 

rối loạn tiêu hóa 3

Buồn nôn, nôn mửa có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa khi mang thai

Những phương pháp cải thiện rối loạn tiêu hóa ở bà bầu hiệu quả 

Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy để cải thiện và phòng ngừa tình trạng này, các mẹ bầu có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau đây: 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Rối loạn tiêu hóa nên ăn uống gì? Chế độ dinh dưỡng có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng vấn đề tiêu hóa cụ thể mà các mẹ mắc phải. Chẳng hạn như:

  • Tích cực bổ sung chất xơ và uống nhiều nước nếu mẹ đang bị táo bón; 
  • Hạn chế uống cà phê, trà và nước ngọt nếu đang bị rối loạn tiêu hóa nói chung; 
  • Các mẹ bầu đang bị tiêu chảy thì chỉ nên ăn các thực phẩm thanh đạm lành tính như cơm, súp, cháo,.... 
  • Với các mẹ đang bị đầy bụng, chậm tiêu thì nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày;
  • Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào khi đang bị đầy bụng, ợ hơi.

rối loạn tiêu hóa khi mang thai 4

Chế độ ăn uống cân đối sẽ giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở bà bầu

Thường xuyên vận động với các bài tập phù hợp cho bà bầu 

Theo khuyến cáo từ chuyên gia, các mẹ bầu nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ. Điều này không chỉ giúp cho giảm táo bón và các vấn đề tiêu hóa mà còn giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, phòng ngừa tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật. 

Các mẹ có thể chọn cho mình những bài tập yoga nhẹ nhàng tại nhà hoặc đi dạo xung quanh nhà cũng là một cách để bà bầu tập thể dục. 

Sử dụng một số loại thuốc và viên uống hỗ trợ tiêu hóa 

Bên cạnh các phương pháp cải thiện rối loạn tiêu hóa khi mang thai kể trên, các mẹ bầu có thể sử dụng một số loại thuốc hoặc viên uống hỗ trợ tiêu hóa để làm giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, không nên tự ý mua và dùng thuốc mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tránh mắc phải các tác dụng phụ của thuốc. 

Trên đây là các thông tin về nguyên nhân và cách cải thiện rối loạn tiêu hóa khi mang thai, hy vọng chúng hữu ích cho bạn nhé! 

Xem thêm:

Vi Quỳnh 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin