Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì? Những lưu ý cho người bị rối loạn tiêu hoá

Ngày 15/05/2024
Kích thước chữ

Rối loạn tiêu hoá là những sự thay đổi bất thường xảy ra trong đường tiêu hoá. Điều này khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng như đau bụng, khó tiêu, buồn nôn… Vậy người bị rối loạn không nên ăn gì để phòng tránh tình trạng này?

Đối với người gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hoá, việc xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý là rất quan trọng và cần thiết. Vậy rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì? Các bạn có thể tham khảo các thông tin của Nhà thuốc Long Châu thông qua bài viết dưới đây nhé.

Khái quát về quá trình tiêu hóa thức ăn và rối loạn tiêu hoá

Tiêu hoá là một quá trình chuyển biến thức ăn thành các chất đơn giản được hấp thụ qua đường tiêu hoá để vào máu, nuôi dưỡng cơ thể. Quá trình này bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Trong quá trình tiêu hoá nếu gặp bất cứ tình trạng nào mà làm cản trở, làm thay đổi hoặc làm đảo lộn thức ăn trong hệ tiêu hoá thì được gọi là rối loạn tiêu hoá.

Rối loạn tiêu hoá là tên gọi chung xảy ra khi đường tiêu hoá xuất hiện các dấu hiệu bất thường về cấu trúc và chức năng hoạt động, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ đối tượng nào. Thực tế, hiện tượng này liên quan đến thói quen ăn uống không khoa học, không lành mạnh, sử dụng quá nhiều các loại đồ uống có cồn. Hơn nữa, rối loạn tiêu hoá còn có thể được coi là dấu hiệu nhận biết các bệnh về dạ dày hoặc đại tràng.

Các triệu chứng đặc trưng của tình trạng này gồm có: Biếng ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ nóng, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy… Đây đều là những triệu chứng ở mức độ nhẹ và ít xảy ra. Nhưng nếu trạng trạng của bệnh trở nên nặng hơn thì triệu chứng của chúng cũng trở nên nghiêm trọng hơn, cụ thể: Sụt cân nhanh, phân lỏng rắn xen kẽ hoặc xuất hiện máu khi đi ngoài… kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Khi đó, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nếu hiện tượng rối loạn tiêu hoá liên tục kéo dài và việc điều trị không đúng cách, sẽ gây ảnh hưởng tương đối lớn đến sức khoẻ, tâm lý,  có thể khiến người bệnh rơi vào các chứng bệnh về tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là ung thư đường ruột.

Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì? Những lưu ý cho người bị rối loạn tiêu hoá 1
Rối loạn tiêu hoá là loại bệnh lý thường gặp nhất, xảy ra ở mọi đối tượng

Người có chứng bệnh rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì?

Rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì? Khi bị mắc chứng rối loạn tiêu hoá, người bệnh nên chú ý tránh xa một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đó là:

Thực phẩm sống, tái hoặc bảo quản lâu ngày

Người bệnh nên tránh xa các món ăn tái, sống như món gỏi sống, tiết canh, đồ ăn tái… Bởi đây là những loại thực phẩm không được nấu chín hoặc chưa được nấu chín kỹ nên có thể chứa nhiều vi khuẩn độc hại. Bên cạnh đó các loại đồ ăn bảo quản lâu ngày hay thức ăn bị ôi thiu cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn có hại cho đường tiêu hoá. Vì vậy, mọi người nên tránh các loại thực phẩm này, nhất là những người bị rối loạn tiêu hoá.

Thực phẩm chứa nhiều axit

Hoa củ quả tươi nói chung đều tốt cho hệ tiêu hoá. Tuy nhiên, những loại trái cây có vị chua, chứa nhiều axit như cam, quýt, chanh… có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột. Bởi vì hàm lượng axit cao có thể khiến hiện tượng đầy hơi hoặc tiêu chảy trở nên nghiêm trọng, do đó người bệnh không nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit.

Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì? Những lưu ý cho người bị rối loạn tiêu hoá 2
Rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì? Không nên ăn thực phẩm chứa nhiều axit

Hoa quả khô

Các loại thực phẩm về hoa quả khô sấy thường có hàm lượng đường cao, điều này có thể khiến tình trạng tiêu chảy, táo bón hoặc đầy bụng khó tiêu càng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bị rối loạn tiêu hoá không nên ăn hoa quả sấy khô.

Rượu bia và chất kích thích

Rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì? Nên tránh các loại đồ uống có cồn và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đen, một số nước ngọt có gas… bởi nó có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hoá. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh xa việc hút thuốc lá, thuốc lào hay chất kích thích khác để mau lành bệnh.

Thực phẩm có gia vị cay nóng, nhiều dầu mỡ

Những loại thực phẩm chiên rán, món xào nhiều dầu mỡ hay có vị cay thường không có lợi cho hệ tiêu hoá, nhất là người bị rối loạn tiêu hoá. Bởi vì các loại thực phẩm này thường sẽ gây ra nhiều gánh nặng cho đường ruột, khiến hệ tiêu hoá phải hoạt động nhiều hơn, tình trạng rối loạn tiêu hoá càng thêm trầm trọng hơn.

Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì? Những lưu ý cho người bị rối loạn tiêu hoá 3
Người bị rối loạn tiêu hoá không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, vị cay nóng

Một số lưu ý cho người rối loạn tiêu hoá

Ngoài việc không nên ăn gì khi bị rối loạn tiêu hoá, người bệnh cũng nên chú ý một số điều như sau:

  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất là 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ điều hoà đường ruột, ngăn ngừa táo bón. Bạn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng, tập yoga, chạy bộ, đạp xe, bơi lội...
  • Tránh các vấn đề gây căng thẳng, stress trong cuộc sống cũng như công việc. Cố gắng dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Cần đảm bảo thức ăn vệ sinh sạch sẽ, nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi.
  • Ăn uống một cách khoa học, lành mạnh, bữa sáng và bữa trưa nên ăn nhiều còn bữa tối nên ăn nhẹ.
  • Người bị rối loạn tiêu hoá nên ăn nhiều hoa quả xanh tươi như chuối, quả bơ, táo, khoai lang, đu đủ, dứa… Các loại rau như súp lơ xanh, bí đỏ, cà rốt, củ cải, măng tây… nhưng nên ăn với lượng vừa đủ. Và một số loại thực phẩm khác như hạt chia, yến mạch, sữa chua, gừng, cá hồi…
  • Nên giảm bớt lượng thịt ăn hàng ngày.
  • Uống nhiều nước khoảng 2 - 3 lít nước/ngày. Ngoài ra có thể bổ sung thêm nước khoáng có nhiều magie và kali.
  • Người bệnh nên bổ sung thêm men vi sinh tốt cho đường ruột.

Ngoài ra, nếu thỉnh thoảng xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hoá, chướng bụng đầy hơi thì không nên quá lo lắng. Bạn nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện một cách hợp lý thì hiện tượng rối loạn tiêu hoá có thể tự biến mất mà không cần phải điều trị.

Rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì? Những lưu ý cho người bị rối loạn tiêu hoá 4
Nên tập thể thao thường xuyên để duy trì hoạt động cho hệ tiêu hoá, điều hoà đường ruột

Qua bài viết trên, chắc hẳn mọi người cũng đã có được câu trả lời cho vấn đề “rối loạn tiêu hoá không nên ăn gì”. Khi gặp phải trường hợp rối loạn tiêu hoá kéo dài trong nhiều ngày, không giảm bớt thì người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sao cho phù hợp với tình trạng của bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin