Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có sao không?

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ

Phụ nữ bị đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt không phải tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, có một số phụ nữ sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới. Hiện tượng này có nguy hiểm không và liệu có phải là dấu hiệu của một bệnh phụ khoa nào đó không?

Chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới đến đều đặn hàng tháng trong điều kiện sức khỏe sinh sản bình thường. Kinh nguyệt xuất hiện sẽ mang theo rất nhiều triệu chứng khó chịu như: Cơ thể mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, căng tức ngực, chướng bụng và đặc biệt là chứng đau bụng dưới. Có những người chỉ bị đau bụng trong những ngày có kinh. Nhưng cũng có phụ nữ sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới. Vậy tình trạng này có phải một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm không?

Phụ nữ đau bụng dưới khi có kinh nguyên nhân do đâu?

Đau bụng kinh là một triệu chứng thường gặp trong ngày đèn đỏ của hầu hết phụ nữ. Đau bụng kinh thường là những cơn đau nguyên phát, lặp lại theo chu kỳ hàng tháng. Cơn đau có thể bắt đầu trước khi chảy máu kinh 1 - 2 ngày, kéo dài trong 2 - 3 ngày rồi giảm dần và biến mất. Tùy cơ địa, mỗi phụ nữ lại bị đau bụng kinh theo một mức độ khác nhau. Có người đau bụng dưới âm ỉ, có người chỉ đau thoáng qua nhưng có người lại bị đau một cách dữ dội.

Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có sao không 1
Có đến 80% nữ giới bị đau bụng dưới trong ngày đèn đỏ

Nguyên nhân đau bụng kinh có thể là do:

  • Trong kỳ kinh, cơ thể người phụ nữ tiết ra nhiều hormone prostaglandin hơn để giúp tử cung co thắt, đẩy hết máu kinh ra ngoài. Chính những cơn co thắt này gây triệu chứng đau vùng bụng dưới kèm chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy
  • Ngoài ra, nguyên nhân gây đau bụng kinh ở dưới cũng là do thành tử cung co lại khiến mạch máu ở niêm mạc tử cung bị chèn ép. Khi đó, các mô trong tử cung bị thiếu oxy nên phóng ra các thành phần gây co thắt tử cung dẫn đến cảm giác đau.

Vì sao phụ nữ sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới?

Đau bụng dưới không phải tình trạng hiếm gặp trong ngày “đèn đỏ” của phụ nữ. Nhưng có những người sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới. Vậy nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân thông thường

Theo bác sĩ sản phụ khoa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là:

  • Tử cung chưa kịp phục hồi sau những ngày “đèn đỏ” nên vẫn gặp triệu chứng khó chịu như căng chướng, đau tức.
  • Máu kinh đã ngừng chảy nhưng bên trong tử cung chưa được làm sạch hoàn toàn. Vẫn có những mảnh vụn niêm mạc và dịch nhầy lẫn máu nên tử cung tiếp tục co bóp để đẩy hết chúng ra ngoài. Khi tử cung co bóp mạnh, cảm giác đau bụng dưới vẫn tồn tại.

Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài ra, sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh phụ khoa như:

  • Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mảnh mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung và gây đau.
  • U nang buồng trứng ngoài gây triệu chứng đau bụng dưới còn khiến phụ nữ thường xuyên bị chuột rút.
  • U xơ tử cung cũng khiến phụ nữ bị đau bụng dưới sau khi đã hết kinh.
  • Hẹp cổ tử cung vừa gây đau bụng dưới vừa gây đau lưng.
  • Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng có thể gây đau bụng dưới, đau lưng, đau nhói ở dưới dạ dày.
Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có sao không 2
Một số bệnh phụ khoa khiến phụ nữ đau bụng dưới kéo dài kèm các triệu chứng khác

Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt

Hội chứng này bao gồm các triệu chứng phát khó chịu xuất hiện sau khi máu kinh nguyệt đã ngừng chảy. Các triệu chứng này có thể bao gồm: Đau bụng dưới, đau đầu, đau dạ dày, đau lưng và cổ, khô hạn hoặc ngứa rát âm đạo, rối loạn cảm xúc… Các triệu chứng rối loạn cảm xúc như dễ cáu gắt, nhạy cảm quá mức, căng thẳng quá mức… của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt được đánh giá là dữ dội hơn trong hội chứng tiền kinh nguyệt.

Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới cần làm gì?

Như vậy, sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có thể đến từ những nguyên nhân thông thường hoặc nguyên nhân bệnh lý. Với những nguyên nhân thông thường, nữ giới có thể áp dụng những cách dưới đây để giảm cảm giác đau bụng dưới khó chịu:

  • Chườm ấm vùng bụng dưới sẽ giúp giảm cảm giác đau chướng bụng khó chịu.
  • Uống một số loại nước có tính ấm như nước ngải cứu, nước trà gừng ấm cũng tốt cho phụ nữ bị đau bụng. Bạn nên uống nước ấm để kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giúp tử cung co bóp nhẹ nhàng hơn.
  • Nếu thấy bụng dưới căng tức khó chịu, bạn có thể massage bụng nhẹ nhàng theo vòng xoáy ốc từ trong ra ngoài. Massage cũng là cách làm ấm bụng và tăng lưu thông máu đến tử cung.
  • Một số bài tập thư giãn như yoga, thiền, tập hít thở sâu vừa có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi về thể chất, vừa có tác dụng thư giãn tinh thần. Khi tập luyện, cơ thể tăng cường giải phóng endorphin – chất giảm đau tự nhiên nên sẽ giúp phụ nữ dễ chịu hơn.
  • Tăng cường ăn thực phẩm giàu kẽm, sắt, magie, vitamin B1, B6, vitamin E,… tốt cho quá trình tái tạo máu sau kỳ kinh. Ngoài ra, phụ nữ đang bị đau bụng dưới nên tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, có gia vị cay nóng, tránh các chất kích thích… vì chúng có thể làm tăng cơn đau.
  • Nếu đau bụng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng loại thuốc giảm đau bụng kinh phù hợp.
Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có sao không 3
Uống thuốc đau bụng kinh cần tham khảo ý kiến bác sĩ

Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới khi nào cần đi khám?

Trong trường hợp sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới kéo dài hơn 1 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà thì sao? Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh phụ khoa và phụ nên khám chuyên khoa sản phụ khoa càng sớm càng tốt. Bạn nên gặp bác sĩ ngay khi ngoài đau bụng còn xuất hiện các triệu chứng như: Rong kinh, buồn nôn hoặc nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội, đau bụng kèm sốt,...

Qua thăm khám lâm sàng tình trạng đau bụng dưới ở phụ nữ và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chính xác. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị bệnh phù hợp. Chỉ khi những căn bệnh phụ khoa được điều trị triệt để, triệu chứng đau bụng mới được kiểm soát hoàn toàn.

Sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới có sao không 4
Phụ nữ nên đi khám sớm nếu đau bụng dưới kéo dài

Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đã hiểu hơn về tình trạng sau khi hết kinh vẫn đau bụng dưới. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên theo dõi trong một tuần và đi khám sớm để phát hiện kịp thời các bệnh phụ khoa nếu có. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin