Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mổ ruột thừa không phải là một phẫu thuật quá khó khăn, tuy nhiên nó cũng là một cuộc đại phẫu nên sau khi mổ ruột thừa người bệnh cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt. “Sau mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm?” là câu hỏi mà hầu hết bác sĩ đều nhận được khi tư vấn cho bệnh nhân.
Phẫu thuật ruột thừa tức là loại bỏ đi đoạn ruột thừa trong cơ thể đã bị viêm mà không ảnh hưởng gì tới quá trình tiêu hóa cũng như việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy, trong ruột thừa có chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi cho sự hoạt động của sự tiêu hóa. Chính vì vậy, chế độ ăn uống sau mổ ruột thừa cũng rất được quan tâm. Để giải đáp thắc mắc sau mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài sau đây.
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Nó có thể gây đau đột ngột, dữ dội ở vùng hố chậu phải. Ruột thừa là một túi nhỏ hình ống, có kích thước bằng ngón tay. Phân di chuyển qua ruột già có thể gây tắc nghẽn ruột thừa dẫn đến viêm. Tình trạng viêm khiến ruột thừa sưng lên và có thể vỡ ra bất kỳ lúc nào.
Viêm ruột thừa là một trường hợp cấp cứu y tế vì nếu ruột thừa vỡ mủ có thể gây viêm phúc mạc sau đó có thể lan vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết. Vì nguy cơ này, phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm ruột thừa là cắt bỏ ruột thừa. Ruột thừa là phần không quan trọng, không có chức năng trong cơ thể nên việc cắt bỏ ruột thừa không ảnh hưởng gì lớn đến cơ thể.
Mổ ruột thừa là một phẫu thuật lành tính và thực hiện dễ dàng. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm càng sớm càng tốt. Viêm ruột thừa cần được chỉ định điều trị sớm nếu không sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng khác. Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu đau bụng hố chậu phải cần đến bệnh viện để khám ngay. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ viêm cũng như biến chứng của viêm ruột thừa, tiền sử bệnh, thể trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ hở hoặc nội soi.
Với kỹ thuật hiện đại như hiện nay, tính thẩm mỹ cũng như kỹ năng chuyên môn cao của y bác sĩ thì phương pháp mổ nội soi luôn là lựa chọn ưu tiên. Trừ một số trường hợp như ruột thừa viêm vỡ mủ, hay có biến chứng thì phương pháp mổ hở sẽ được lựa chọn. Sau mổ ruột thừa, bệnh nhân cần được theo dõi các biểu hiện sau phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được theo dõi tri giác, huyết động, tính chất dịch tại vết mổ, tình trạng đau bụng, cũng như tính chất bụng của bệnh nhân để đánh giá kịp thời các biến chứng. Khi gặp bất kỳ dấu hiện khác thường nào sau mổ cần báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Sau khi mổ ruột thừa, do hệ tiêu hóa chưa ổn định, người bệnh vừa trải qua cuộc đại phẫu nên sức khỏe cũng suy giảm, bệnh nhân chỉ nên ăn những thức ăn dạng nước, thức ăn mềm dễ tiêu hóa, tránh cho hệ tiêu hóa hoạt động mạnh, gây ảnh hưởng tới vị trí tổn thương sau mổ. Theo lời khuyên của bác sĩ ngoại khoa, người bệnh chỉ nên ăn cơm sau khi đã trung tiện (xì hơi). Trong 1 - 2 ngày đầu bệnh nhân chỉ nên ăn cháo, súp, các thức ăn lỏng. Từ ngày thứ 3, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng và sau khi đã đại tiện thì người bệnh có thể ăn cơm và thức ăn, lưu ý chỉ nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu. Sau đó 1 tuần người bệnh có thể ăn uống lại bình thường.
Tuy nhiên, tùy từng thể trạng bệnh nhân mà khả năng phục hồi cũng như tiêu hóa khác nhau. Nếu bệnh nhân cảm thấy ăn uống khó tiêu, chướng bụng thì không nên ăn cơm bình thường quá sớm. Nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để tránh táo bón khiến cho việc đi ngoài ảnh hưởng đến vết thương.
Sau mổ ruột thừa, chính vì sự ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa nên chế độ dinh dưỡng của người bệnh cũng cần được quan tâm. Giai đoạn này người bệnh còn khá yếu, chưa hồi phục nên để giúp người bệnh mau chóng hồi phục thì việc bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết.
Tóm lại, sau khi mổ ruột thừa bệnh nhân có thể ăn cháo, súp, thức ăn lỏng mềm khi đã trung tiện và ăn cơm lại khi đã có đi đại tiện. Tích cực tăng cường dinh dưỡng, chú ý về hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Hy vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc “Mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm?” cũng như cung cấp một số lưu ý để quá trình phục hồi sau phẫu thuật diễn ra nhanh hơn.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.