Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các giai đoạn của viêm ruột thừa? Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?

Ngày 11/09/2023
Kích thước chữ

Viêm ruột thừa là bệnh lý ngoại khoa phổ biến nhất hiện nay với tỉ lệ mắc bệnh khá cao. Các câu hỏi về viêm ruột thừa cũng được đặt ra nhiều hơn, trong đó nhiều người thắc mắc về các giai đoạn của viêm ruột thừa cũng như làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh.

Thấu hiểu những thắc mắc về viêm ruột thừa của nhiều bạn đọc, Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp các thông tin về các giai đoạn của viêm ruột thừa cũng như những điều có thể làm chẩn đoán nhầm viêm ruột thừa thông qua bài viết sau đây.

Các giai đoạn của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể được chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn sớm

Trong giai đoạn sớm của viêm ruột thừa, với sự tắc nghẽn lòng ruột thừa dẫn đến tình trạng phù nề niêm mạc, loét niêm mạc, nhiễm trùng do vi khuẩn, ruột thừa căng do ứ dịch và tăng áp lực trong lòng ruột thừa. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ ở vùng quanh rốn hoặc vùng thượng vị, thường triệu chứng này sẽ kéo dài từ 4 đến 6 giờ.

Các giai đoạn của viêm ruột thừa 1
Các giai đoạn của viêm ruột thừa khá phức tạp 

Giai đoạn viêm ruột thừa mủ

Áp lực trong lòng ruột tăng dần và cao hơn áp lực tưới máu mao mạch làm tắc nghẽn hệ thống dẫn lưu bạch huyết và tĩnh mạch từ đó các vi khuẩn và dịch viêm xâm nhập vào thành ruột thừa. Sự lây lan này gây viêm ruột thừa mủ cấp tính. Khi thanh mạc của đoạn ruột thừa bị viêm tiếp xúc với phúc mạc thành, lúc này cảm giác đau chuyển từ quanh rốn sang một phần tư bụng dưới bên phải, đau liên tục và tăng dần.

Giai đoạn viêm ruột thừa hoại tử

Lúc này sự tắc nghẽn do huyết khối tĩnh mạch và động mạch dẫn đến viêm ruột thừa hoại tử.

Giai đoạn viêm ruột thừa thủng

Thiếu máu cục bộ mô dai dẳng dẫn đến nhồi máu và thủng ruột thừa. Khi ruột thừa thủng có thể gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể. Đây là một biến chứng nguy hiểm nên cần chẩn đoán và điều trị sớm để viêm ruột thừa không tiến triển tới giai đoạn này.

Giai đoạn áp xe ruột thừa

Ruột thừa bị viêm hoặc thủng có thể bị tắc nghẽn bởi mạc nối lớn hoặc quai ruột non liền kề, dẫn đến áp xe ruột thừa.

Giai đoạn viêm ruột thừa tự khỏi

Nếu tình trạng tắc nghẽn lòng ruột thừa được giải quyết, viêm ruột thừa cấp tính có thể tự khỏi. Điều này chỉ xảy ra nếu nguyên nhân của viêm ruột thừa là do tăng sản bạch huyết hoặc khi sỏi phân đã bị tống ra khỏi lòng ruột thừa.

Giai đoạn viêm ruột thừa tái phát

Tỷ lệ viêm ruột thừa tái phát là 10%. Nếu bệnh nhân trải qua những cơn đau có tính chất ruột thừa viêm tương tự vào những thời điểm khác nhau sau khi đã cắt ruột thừa và kết quả mô bệnh học trả lời kết quả là ruột thừa viêm thì mới chấp nhận chẩn đoán viêm ruột thừa tái phát.

Giai đoạn viêm ruột thừa mãn tính

Viêm ruột thừa mãn tính xảy ra với tỷ lệ là 1% và được chẩn đoán khi:

  • Bệnh nhân có tiền sử đau ruột thừa viêm kéo dài ít nhất 3 tuần mà không có chẩn đoán thay thế.
  • Sau khi cắt ruột thừa, các triệu chứng giảm hoàn toàn.
  • Về mặt mô bệnh học, các triệu chứng là biểu hiện kết quả của tình trạng viêm mãn tính ở thành ruột thừa hoặc xơ hóa ruột thừa.

Cần phân biệt viêm ruột thừa với những bệnh lý nào?

Viêm ruột thừa trải qua nhiều giai đoạn như vậy thì việc chẩn đoán bệnh có dễ dàng hay không? Và cần phân biệt được với những bệnh lý nào để tránh chẩn đoán sai. 

Các giai đoạn của viêm ruột thừa 2
Tỷ lệ chẩn đoán sai viêm ruột thừa vẫn còn khá cao

Độ chính xác của chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính là khoảng 80%, tương ứng với tỷ lệ cắt ruột thừa âm tính giả trung bình là 20%. Độ chính xác thay đổi tùy theo giới tính, dao động từ 78% đến 92% ở bệnh nhân nam và 58% đến 85% ở bệnh nhân nữ.

Đối với những bệnh nhân có tiền sử chán ăn và đau quanh rốn, sau đó là buồn nôn, đau hạ sườn phải và nôn (chỉ xảy ra ở 50% trường hợp). Nếu bệnh nhân nôn trước khi đau gợi ý tắc ruột chứ không thể nghĩ nhiều đến viêm ruột thừa.

Chẩn đoán phân biệt của viêm ruột thừa thường là một thách thức lâm sàng vì viêm ruột thừa có thể giống biểu hiện lâm sàng một số bệnh tiêu hóa khác như:

  • Bệnh viêm vùng chậu (PID) hoặc áp xe vòi - buồng trứng;
  • Lạc nội mạc tử cung;
  • U nang hoặc xoắn buồng trứng;
  • Sỏi niệu quản và đau bụng;
  • Thoái hóa cơ trơn tử cung;
  • Viêm túi thừa;
  • Bệnh Crohn;
  • Ung thư đại tràng;
  • Tụ máu bao trực tràng;
  • Viêm túi mật;
  • Viêm ruột do vi khuẩn;
  • Viêm hạch mạc treo và thiếu máu cục bộ;
  • Xoắn mạc nối;
  • Cơn đau quặn mật;
  • Cơn đau quặn thận;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI);
  • Viêm dạ dày ruột;
  • Viêm ruột;
  • Viêm tụy;
  • Thủng loét tá tràng.

Ngoài ra còn có một số vấn đề khác cần được phân biệt ở bệnh nhân nghi ngờ viêm ruột thừa bao gồm viêm ruột thừa gốc ruột thừa, viêm manh tràng, viêm túi thừa mạc nối, áp xe cơ thắt lưng - chậu và bệnh viêm hạch bạch huyết.

Viêm ruột thừa bị chẩn đoán sai ở 33% phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh đẻ. Các chẩn đoán sai thường gặp nhất là viêm vùng chậu, tiếp theo là viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng đường tiết niệu. Để phân biệt đau ruột thừa với bệnh viêm vùng chậu, trong viêm ruột thừa chán ăn và thời điểm khởi phát cơn đau sau 14 ngày của kỳ kinh. Trong khi viêm vùng chậu thường có tiền sử trước đó, có tiết dịch âm đạo hoặc các triệu chứng tiết niệu, khi khám thực thể chỉ đau khi cử động cổ tử cung và xét nghiệm nước tiểu dương tính cũng giúp củng cố chẩn đoán viêm vùng chậu.

Bên cạnh đó, mặc dù việc cắt bỏ ruột thừa âm tính dường như không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi nhưng việc chẩn đoán chậm trễ cũng sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh của thai nhi và bà mẹ. Vì vậy, việc đánh giá ruột thừa là cần thiết ở phụ nữ mang thai. Nồng độ beta-hCG trong nước tiểu là dấu hiệu rất hữu ích trong việc phân biệt viêm ruột thừa với thai ngoài tử cung sớm.

Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?

Trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng, bác sĩ phẫu thuật thường sẽ cắt bỏ ruột thừa ngay sau khi chẩn đoán bệnh. Như đã biết tỷ lệ chẩn đoán sai viêm ruột thừa cũng khá cao vì các xét nghiệm dùng để chẩn đoán viêm ruột thừa không hoàn hảo nên đôi khi cuộc phẫu thuật chỉ thấy ruột thừa bình thường không bị viêm và trong trường hợp đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ vẫn cắt bỏ ruột thừa của bạn và tìm kiếm những nguyên nhân gây đau khác khi phẫu thuật.

Các giai đoạn của viêm ruột thừa  3
Phẫu thuật là cách tốt nhất điều trị viêm ruột thừa

Trường hợp áp xe do ruột thừa bị vỡ, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh điều trị nhiễm trùng trước khi cắt bỏ ruột thừa.

Như vậy viêm ruột thừa có thể trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và đưa đến những hướng điều trị khác nhau. Ở những giai đoạn trễ còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì vậy chẩn đoán và điều trị sớm là điều cấp thiết đối với viêm ruột thừa, điều trị viêm ruột thừa có thể xem là cấp cứu ngoại khoa.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.