Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có rất nhiều căn bệnh ở đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người lớn và trẻ em. Một trong số đó là SIBO. Vậy SIBO là bệnh gì và gây ra những triệu chứng khó chịu nào? Nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này ra sao?

Rối loạn tiêu hóa có nhiều dạng, trong đó có những dạng rối loạn phổ biến mà chúng ta đã rất quen tên như: Hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét đại tràng… Những bệnh ít gặp hơn như bệnh Celiac, bệnh Crohn hay hội chứng SIBO. Muốn biết SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách chữa trị ra sao? Bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!

SIBO là gì?

Bên trong đường ruột của chúng ta đều có một hệ vi sinh bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Chúng có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn, duy trì sức khỏe đường tiêu hóa và cân bằng hệ miễn dịch cho cơ thể. Nhiệm vụ chính của hệ vi sinh đường ruột là tham gia vào quá trình phân giải thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.

SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị 1
SIBO xảy ra khi xuất hiện tình trạng loạn khuẩn ở ruột non

Cơ thể chúng ta có nhiều cơ chế khác nhau để giúp kiểm soát lượng vi sinh đường ruột như: Nhu động ruột, acid dạ dày, dịch mật, globulin miễn dịch, van hồi tràng… Ở trạng thái cân bằng, hệ vi sinh đường ruột này sẽ có tỷ lệ 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Nếu tỷ lệ này mất cân bằng sẽ dẫn đến các rối loạn ở hệ tiêu hóa, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Trong trường hợp vi khuẩn ở ruột non (nhất là các loại vi khuẩn thường không có sẵn trong đường tiêu hóa) phát triển quá mức sẽ gây ra hội chứng loạn khuẩn đường ruột ở ruột non hay hội chứng SIBO (viết tắt của từ Small Intestinal Bacterial Overgrowth).

Nguyên nhân gây hội chứng SIBO

Ruột non là đoạn ruột dài nhất trong đường tiêu hóa của con người và có chiều dài khoảng 6,1m. Tại ruột non, thức ăn được trộn với dịch tiêu hóa và dưỡng chất sẽ được hấp thụ từ ruột non vào máu. Ruột non khác với ruột già ở chỗ bình thường có rất ít vi khuẩn nhờ dòng chảy nhanh và sự tác động của dịch mật. Nhưng ở những người mắc hội chứng SIBO, thức ăn ứ đọng ở ruột non sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi phát triển và gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu. Sự tăng sinh bất thường của vi khuẩn xảy ra do:

  • Bệnh nhân phải cắt bỏ dạ dày trong điều trị ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày, giảm cân…
  • Các cấu trúc trong và quanh ruột non có khiếm khuyết như dính ruột, túi thừa ruột, có lỗ rò hay lối đi bất thường giữa 2 đoạn ruột.
  • Ruột non bị tổn thương vì một lý do nào đó.
  • Các bệnh lý sẵn có khác dẫn đến hội chứng SIBO như: Viêm ruột bức xạ, xơ cứng bì, bệnh Crohn, bệnh Celiac, u lympho…
  • Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc SIBO như: Người có tiền sử xạ trị vùng bụng, bệnh nhân tiểu đường, xơ gan…
SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị 2
SIBO xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các triệu chứng thường gặp trong hội chứng SIBO

SIBO có một loạt các triệu chứng không đặc trưng nhưng lại khá thường gặp. Điều này lý giải cho việc hội chứng thường bị nhầm lẫn với các vấn đề về tiêu hóa khác và dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng này có thể xuất hiện đơn lẻ không cùng thời điểm nên không quá đáng lo. Nhưng khi người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng cùng lúc có thể cần đến gặp bác sĩ. Có thể kể đến một số triệu chứng thường gặp nhất trong SIBO như:

  • Người bệnh cảm thấy đau bụng không rõ nguyên nhân.
  • Triệu chứng khó tiêu hóa thức ăn như đầy hơi, chướng bụng, đầy bụng sau khi ăn.
  • Các rối loạn trong đại tiện như táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Một số bệnh nhân do ruột không hấp thụ được chất béo từ đồ ăn nên gặp tình trạng tiêu chảy phân mỡ, phân có mùi hôi khó chịu có thể dẫn đến mất tự chủ đại tiện.
  • Những trường hợp bệnh nặng có thể bị tiêu chảy mãn tính dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng.
SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị 3
Một số triệu chứng SIBO giống với rối loạn tiêu hóa thông thường

Biến chứng có thể gặp phải sau khi bị SIBO

Sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như:

  • Giảm khả năng hấp thụ đạm, chất béo, chất bột đường của đường ruột dẫn đến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Lý do là muối mật rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa các chất này, nhất là chất béo, nhưng lại bị các vi khuẩn dư thừa phân hủy. Ngoài ra, các sản phẩm dư thừa do vi khuẩn tạo ra cũng làm ảnh hưởng đến niêm mạc ruột non, làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác của ruột non. Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ em dạng SIBO khiến trẻ chậm lớn hơn bạn bè cùng trang lứa.
  • Vi khuẩn dư thừa trong ruột non không chỉ làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất mà còn sử dụng nhiều loại vitamin quan trọng như vitamin B12. Khi đó, cơ thể bị thiếu hụt loại vitamin này dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, tê bì, ngứa ran… Trường hợp thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng còn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
  • Nếu cơ thể kém hấp thụ canxi có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh lý về xương. Hấp thụ canxi kém cũng có thể dẫn đến sỏi thận.
SIBO là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị 4
Hội chứng SIBO cần được phát hiện và điều trị sớm

Điều trị hội chứng SIBO như thế nào?

Nếu có thể, bác sĩ sẽ điều trị căn nguyên khiến vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non. Ví dụ như phẫu thuật để điều trị lỗ rò hay dính ruột. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng điều trị được tận gốc nguyên nhân gây hội chứng SIBO. Khi đó, việc điều trị sẽ tập trung vào mục đích làm giảm triệu chứng bằng cách kiểm soát sự tăng sinh của vi khuẩn và phòng tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Cụ thể là:

  • Bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để giảm số lượng vi khuẩn trong ruột non, cân bằng vi sinh đường ruột. Tuy nhiên, kháng sinh thường phải dùng kéo dài và điều đó có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc tiềm ẩn nguy cơ kháng kháng sinh nếu bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định.
  • Những bệnh nhân bị sụt cân nghiêm trọng cần được hỗ trợ dinh dưỡng bằng đường uống hoặc đường tiêm. Tiêm vitamin B12, uống canxi, sắt bổ sung là việc cần thiết với người mắc SIBO.
  • Duy trì một chế độ ăn không có lactose cũng tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh.

Tóm lại, hội chứng SIBO thường xảy ra sau khi mắc bệnh lý mãn tính ở đường tiêu hóa hay khi người bệnh vừa trải qua phẫu thuật, xạ trị vùng bụng. Vì vậy, nếu trong nhóm đối tượng này và xuất hiện các triệu chứng của SIBO, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để bệnh không diễn tiến nặng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm