Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền?

Ngày 17/07/2024
Kích thước chữ

Vấn đề sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền được nhiều mẹ bầu thắc mắc khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Thực tế dịch vụ sinh thường có rất nhiều mức giá. Tùy theo các dịch vụ mà mẹ bầu chọn khi sinh mà mẹ bầu có thể tính được tổng chi phí cần thanh toán.

Việc mẹ bầu sinh thường không có bảo hiểm khá phổ biến hiện nay. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu xem sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền để từ đó mẹ có kế hoạch chuẩn bị.

Sinh thường là gì?

Sinh thường hay còn gọi là sinh tự nhiên, sinh ngả âm đạo là hình thức sinh con qua đường ống sinh của mẹ mà không có dụng cụ giúp sinh hỗ trợ. Một cuộc “vượt cạn” sinh thường của mẹ bầu bắt đầu từ những dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng, ra huyết hồng, bị vỡ ối, mở cổ tử cung cho đến khi bác sĩ đưa em bé ra ngoài.

Con người có thể chịu được tối đa 45 đơn vị đau. Nhưng mẹ bầu sinh con phải chịu đựng lên đến 57 đơn vị đau nên phần lớn mẹ bầu thường e ngại sinh thường vì sợ đau.

Mẹ bầu được cân nhắc chỉ định dùng thuốc để giảm bớt cơn đau khi sinh thường, phổ biến nhất là gây tê ngoài màng cứng. Thông thường, đối với mẹ bầu sinh lần đầu, tổng thời gian của một ca sinh thường kéo dài khoảng 12 - 14 giờ. Ở những lần sinh kế tiếp, khoảng thời gian này sẽ ngắn hơn.

Sinh thường là gì? Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền? 1
Sinh thường là sinh con qua đường ống sinh của mẹ mà không có sự hỗ trợ của dụng cụ giúp sinh

Những lợi ích khi sinh thường

Việc sinh thường hay sinh mổ là do chỉ định của bác sĩ sản khoa dựa theo tình huống thai kỳ cụ thể, không xuất phát từ ý muốn chủ quan của mẹ bầu và gia đình do mẹ sợ đau, chọn tuổi con hợp với tuổi cha mẹ, chọn ngày lành tháng tốt,… 

So với sinh mổ, sinh thường có nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé, giảm thiểu những rủi ro bị biến chứng do quá trình phẫu thuật. Cụ thể là:

Đối với mẹ

  • Sau sinh, thời gian hồi phục nhanh (khoảng 1 giờ).
  • Hạn chế được tình trạng mất máu.
  • Sinh thường không gặp các biến chứng nghiêm trọng do sẹo mổ lấy thai ở những lần mang thai kế tiếp như vỡ tử cung, nhau cài răng lược vào sẹo mổ lấy thai, thai bám sẹo mổ lấy thai,…
  • So với mẹ sinh mổ, mẹ sinh thường nhanh tiết sữa hơn.
  • Khi sinh thường, mẹ bầu sẽ cảm nhận được toàn bộ cuộc “vượt cạn”, nghe thấy con cất tiếng khóc chào đời.
  • Thời gian nằm viện ngắn, chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày.
  • Mẹ không bị dị ứng từ thuốc gây tê, gây mê do phẫu thuật và các loại thuốc kháng sinh.
  • Có thể sớm mang thai trở lại.
Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền? 2
Sinh thường giảm thiểu những rủi ro bị biến chứng do quá trình phẫu thuật

Đối với bé

  • Khi sinh thường, áp lực co thắt của tử cung và ống âm đạo giúp tống xuất dịch mũi, các chất tiết hầu họng của bé ra ngoài tốt hơn, vì thế bé không mắc các bệnh lý về đường hô hấp, giảm nguy cơ viêm phổi sau sinh, phổi hoạt động tốt hơn.
  • Bé có sức đề kháng tốt hơn do được tiếp xúc với hệ vi sinh có lợi sẵn có trong âm đạo của mẹ.
  • Bé được bú mẹ sớm hơn khi sinh thường nên tận dụng được nguồn sữa non có lợi. Ngoài ra, sữa mẹ không bị ảnh hưởng của thuốc gây mê hay gây tê.
  • Bé được tiếp xúc với da của mẹ sớm hơn, giúp gắn kết tình mẫu tử cũng như phát triển thể chất và cảm xúc của bé tốt hơn.

Nhược điểm của sinh thường

Bên cạnh những lợi ích kể trên, sinh thường có một vài nhược điểm như sau:

  • Mẹ bầu sinh thường phải chịu đựng cơn đau đẻ và mất nhiều sức lực khi đang sinh, có thể bị mất máu trong và sau sinh.
  • Một vài trường hợp sinh thường có nguy cơ bị rạch tầng sinh môn.
  • Mẹ gặp các bệnh lý vùng chậu sau sinh như tiểu không tự chủ hay bí tiểu do quá trình sinh thường tác động đến vùng chậu.

Mẹ bầu nên sinh thường khi nào?

Khi mẹ bầu đáp ứng được các tiêu chí như sau thì bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định sinh thường: 

  • Mẹ bầu có sức khỏe tốt, đủ sức rặn để đảm bảo quá trình “vượt cạn” suôn sẻ.
  • Mẹ bầu không mắc các bệnh lý làm cản trở đường ra của thai nhi như u xơ tử cung khi mang thai, nhau tiền đạo,…
  • Mẹ bầu không bị viêm nhiễm phụ khoa như lậu, giang mai, sùi mào gà,…
  • Thai nhi đủ sức khỏe để vượt qua ống sinh sản của mẹ, không bị suy thai hay sa dây rốn.
  • Riêng trường hợp mẹ bầu có tiền sử mổ lấy thai, bác sĩ sản khoa chỉ định sinh thường sau khi thăm khám kỹ càng, đảm bảo sức khỏe và các yếu tố thuận lợi của mẹ cho cuộc sinh tự nhiên.
Sinh thường là gì? Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền? 3
Sinh thường dành cho mẹ bầu có sức khỏe tốt để đảm bảo quá trình “vượt cạn” thành công

Những trường hợp nào không nên sinh thường?

Không phải tất cả trường hợp mang thai đều được chỉ định sinh thường. Khi mẹ bầu sinh ngả âm đạo gặp nhiều khó khăn, bác sĩ sản khoa bắt buộc chỉ định sinh mổ lấy thai nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng cả mẹ và thai nhi.

Các tình huống được chỉ định sinh mổ chủ động gồm:

  • Mẹ bầu không đủ sức để rặn do sức khỏe mẹ bầu yếu hoặc mẹ bầu có các bệnh lý kèm theo có thể đe dọa tính mạng của mẹ trong khi sinh.
  • Khung chậu của mẹ bất thường.
  • Mẹ bầu có bệnh lý như nhau tiền đạo, u xơ tử cung khiến đường ra của thai nhi bị cản trở hoặc các bệnh lý lây nhiễm đường sinh dục như sùi mào gà, lậu, giang mai, HIV,… có thể truyền từ mẹ bầu sang em bé trong khi sinh.
  • Thai quá to (nặng từ 3,7kg trở lên) hay mang đa thai.
  • Ngôi thai bất thường như thai ngôi mông, ngôi ngang, ngôi ngược,… gây bất lợi cho cuộc sinh.
  • Có tiền sử bóc u xơ tử cung hoặc sinh mổ.
  • Tử cung không co bóp hoặc lực co bóp yếu dù mẹ bầu đã chuyển dạ, dẫn đến cuộc sinh không thuận lợi.
  • Thai nhi có dấu hiệu suy thai.

Giải đáp: Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền?

Tùy thuộc vào quy định và bảng giá dịch vụ của mỗi bệnh viện mà mẹ bầu có thể biết được sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền.

Khi mẹ bầu vào giai đoạn cuối thai kỳ và đã được bác sĩ chỉ định sinh thường, mẹ bầu và gia đình sẽ tìm hiểu các dịch vụ sinh thường tại các cơ sở y tế để dự trù và chuẩn bị ngân sách cho quá trình sinh nở. Nhờ đó, các cặp vợ chồng có thể lựa chọn được nơi sinh phù hợp với điều kiện tài chính của mình.

Bạn có thể tham khảo các mức chi phí như sau:

  • Tại các bệnh viện công hiện nay, mức phí sinh thường không có bảo hiểm sẽ dao động từ 5 - 10 triệu đồng. Chi phí này chưa gồm chi phí tiền công và chi phí nằm phòng dịch vụ.
  • Tại các bệnh viện quốc tế, chi phí sinh thường không bảo hiểm trung bình từ 50 - 200 triệu đồng. 
Sinh thường là gì? Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền? 4
Sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền tùy thuộc vào bảng giá dịch vụ của mỗi bệnh viện

Để chủ động xử lý mọi tình huống có thể xảy ra, mỗi cặp vợ chồng nên chuẩn bị thêm khoảng 10 triệu đồng để ứng biến kịp thời khi có phát sinh chi phí trong quá trình sinh nở. Việc chuẩn bị chu đáo còn giúp mẹ bầu yên tâm hơn trước khi “vượt cạn”.

Tóm lại, nếu mẹ bầu dự định sinh thường, hãy liên hệ trực tiếp đến bệnh viện mà mẹ chọn sinh để được báo giá chính xác sinh thường không có bảo hiểm hết bao nhiêu tiền cũng như mức phí của các dịch vụ đi kèm. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin