Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn như thế nào?

Ngày 07/05/2022
Kích thước chữ

Hiện nay rắn độc cắn vẫn là một tai nạn thường gặp ở nước ta, đây là một cấp cứu khẩn cấp. Trong số các loại rắn độc, rắn hổ mang là loài có nọc độc rất mạnh, vô cùng nguy hiểm. Vì vậy biết cách sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn vô cùng cần thiết. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về loài rắn này và cách sơ cứu rắn hổ mang cắn ban đầu sao cho đúng bạn nhé!

Rắn hổ mang cắn là một cấp cứu thường gặp ở Việt Nam. Người bị rắn cắn cần được sơ cứu ngay tại chỗ và được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Biểu hiện lâm sàng có thể từ nhẹ chỉ có tổn thương tại chỗ, đến rất nặng đe dọa chức năng sống của bệnh nhân.

Đặc điểm rắn hổ mang

Theo thống kê tại Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, số trường hợp bị rắn hổ mang cắn chiếm tỉ lệ cao nhất là 31% trong tổng số các trường hợp bị rắn cắn. Nhìn đặc điểm bên ngoài, bạn có thể phân biệt được rắn hổ mang với loại rắn khác.

Rắn hổ mang thường có màu vàng nâu đến nâu đậm, chúng dài đến 2 mét thậm chí đến 3 mét, kích thước lớn, có hai răng nanh lớn ở miệng. Khi rắn hổ mang tấn công con mồi hoặc khi bị đe dọa cổ của nó sẽ bạnh rộng ra và phát ra âm thanh lớn. Chúng thường xuất hiện ở vùng trung du, vùng rừng núi, tuy nhiên gần đây tần suất chúng xuất hiện ở khu dân cư nhiều hơn, đặc biệt như khu chăn nuôi gia súc để tấn công gà, vịt, ăn trứng.

Ở Việt Nam có hai loại rắn hổ mang là hổ chúa và hổ thường. Hổ chúa thì cổ bạnh ra nhỏ hơn, nhưng kích thước lớn hơn nhiều, có thể dài đến 4 mét, nặng hơn chục cân. Chúng ta có thể nhận biết được rắn hổ mang cắn qua vết cắn của chúng. Với rắn hổ phì, vết cắn thường hoại tử, lan rộng xung quanh, phù nề, đau nhức nhiều. Còn rắn hổ chúa, chúng gây vết thương hoại tử ít nhưng phù nề lan rộng, thậm chí lan cả ngực bụng chi thể cùng bên với vết cắn, gây đau nhức rất nhiều do tình trạng tiêu cơ.

Sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn như thế nào? 1 Sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn ban đầu thật tốt sẽ góp phần cứu sống bệnh nhân

Rắn hổ mang cắn nguy hiểm như thế nào?

Rắn hổ mang được coi là loài chúa của các loài rắn. Bởi với một nhát cắn, chúng phóng ra chỉ 200 - 500mg nọc độc nhưng cũng đủ gây chết một người trưởng thành sau 30 phút.

Nọc rắn hổ mang chứa rất nhiều chất độc, chúng tấn công vào màng tế bào thần kinh, làm ngừng quá trình dẫn truyền thần kinh qua cơ chế làm ức chế giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, ngăn cản các chất qua lại màng tế bào thần kinh làm mất xung động thần kinh gây liệt toàn thân. Không chỉ vậy, nọc rắn hổ còn chứa chất cardiotoxin, ngăn không cho tế bào dẫn truyền điện của cơ tim hoạt động, làm rối loạn nhịp tim, ngừng tim.

Sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn như thế nào 2 Vết cắn do rắn hổ mang

Ở giai đoạn đầu sau khi bị cắn, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác với biểu hiện tê lưỡi, tăng tiết nước bọt, đau họng, khó nuốt (do tổn thương dây thần kinh vùng hầu họng). Tiếp theo đau bụng, đau cơ toàn thân, xuất hiện tình trạng khó mở mắt (do liệt cơ nâng mi), khó há miệng (liệt cơ vùng miệng ), nhìn mờ (liệt các cơ vận nhãn, cơ thể mi),…

Khi độc tính lan đi tất cả các cơ quan, bệnh nhân dần dần liệt toàn bộ cơ, với biểu hiện liệt tứ chi. Nọc rắn hổ mang còn làm tiêu cơ, gây suy thận cấp. Hơn nữa, rắn hổ mang cắn còn gây suy hô hấp do gây liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim,… gây tử vong.

Mức độ nặng của rắn hổ mang cắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Thời điểm cắn: Nạn nhân sẽ bị ít độc hơn nếu trước khi rắn cắn, rắn đã tiêm nọc độc vào con mồi như gà chuột.
  • Vị trí cắn: Nặng nếu rắn cắn vào chỗ hiểm như vùng cổ, mặt.
  • Đặc điểm cắn: Rắn cắn sượt qua nhẹ hơn rắn cắn nghiến.
  • Kích thước rắn: Căng to, căng nhiều độc.

Các bước sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn

Bạn có thể thấy, rắn hổ mang vô cùng nguy hiểm, do nọc độc chúng tác động lên tất cả các cơ quan, gây tỉ lệ tử vong cao. Chỉ mất 30 phút là đủ thời gian để nọc độc đi khắp cơ thể theo hệ bạch huyết. Vì vậy, sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn là vô cùng quan trọng, cần được tiến hành ngay lập tức.

Việc sơ cứu khi bị rắn cắn đã giúp làm hạn chế tối đa sự hấp thụ của nọc độc rắn về hệ tuần hoàn hệ thống qua các mạch bạch huyết. Nhờ vậy, có thể bảo vệ tính mạng của bệnh nhân thông qua kiểm soát các triệu chứng xuất hiện sớm nguy hiểm cho tính mạng và ngăn cản phòng tránh các biến chứng do rắn cắn trước khi bệnh nhân được vận chuyển đến được cơ sở y tế.

Nếu bị rắn hổ mang cắn, bạn cần ngay lập tức liên hệ số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất có điều trị giải độc bằng huyết thanh đặc hiệu kháng nọc rắn đã được dự trữ sẵn, ví dụ ở miền Bắc có bệnh viện Bạch Mai.

Vết cắn do rắn rắn hổ mang 3 Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai chuyên điều trị rắn hổ mang cắn

Trong thời gian chờ nhân viên y tế đến, bạn nên thực hiện các biện pháp sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn như sau để hạn chế nọc độc rắn xâm nhập sâu vào cơ thể:

  • Di chuyển nạn nhân tránh ra xa khỏi tầm rắn hoạt động.
  • Giữ bình tĩnh không lo lắng hoảng sợ thái quá chỉ làm bạn căng thẳng không thể tự sơ cứu cho mình được.
  • Hạn chế vận động, không đi lại nếu có thể tốt nhất là bất động chi bị rắn hổ mang cắn bằng nẹp. Vì chỉ cần một cử động nhỏ hoặc sự co cơ đều làm cho sự vận chuyển nọc rắn về tuần hoàn cơ thể nhanh hơn.
  • Tiến hành cởi bỏ các đồ trang sức và cắt bỏ quần áo chật tránh gây chèn ép cho chi thể khiến cho vết thương sưng nề hơn.
  • Điều chỉnh tư thế để cho vùng bị rắn cắn ở thấp hơn mức tim.
  • Sau đó bình tĩnh làm sạch vết thương với nước muối sinh lý và xà phòng.
  • Tiếp đến dùng một miếng gạc sạch, khô tiến hành băng kín vùng bị rắn cắn.

Nếu ban đầu tiếp cận bệnh nhân ở tình trạng nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, cần ngay lập tức ép tim, hà hơi thổi ngạt để cứu sống bệnh nhân.

Việc sơ cứu khi bị rắn hổ mang cắn cơ bản gồm các bước đơn giản trên, tuy nhiên có một số quan điểm cách làm sai lầm chỉ khiến tình trạng vết thương nặng hơn và nọc rắn đi sâu hơn vào cơ thể.

Để cứu sống bản thân và những người thân khi bị rắn cắn, bạn tuyệt đối không được dùng miệng hay vật dụng hút máu từ vết thương ra, cũng như không rạch rộng vết cắn, nó không những không hút được nọc độc ra mà chỉ làm vết cắn phù nề hoại tử nặng nề hơn. Không garo buộc chặt vùng chi thể bị rắn cắn vì nọc độc rắn không đi theo đường mạch máu mà đi theo đường mạch bạch huyết, hơn nữa garo lâu làm cản trở máu lưu thông còn gây tình trạng hoại tử chi.

Trên đây là các bước sơ cứu rắn hổ mang cắn, sau khi đã sơ cứu xong, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế được điều trị giải độc tố của nọc độc rắn, như vậy bạn mới bảo vệ được tính mạng cho nạn nhân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin