Cổ chân là vùng tập trung nhiều tĩnh mạch nông lớn do đó khi bị chấn thương thường gây hiện tượng sưng phù, đôi khi là chảy máu. Người bệnh thường ít có cảm giác đau, nhưng do tính chất vận động liên tục nên triệu chứng sưng tấy ở cổ chân thường kéo dài hơn vị trí khác. Bên cạnh những vết thương mạch máu thì bong gân cũng là tổn thương hay gặp ở vị trí này.
Nguyên nhân gây vết thương ở cổ chân
Có nhiều nguyên nhân gây ra vết thương ở cổ chân, dưới đây chúng tôi tổng hợp một số nguyên nhân phổ biến thường gặp trong cuộc sống:
-
Bong gân: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên vết thương ở cổ chân. Theo thống kê cho thấy có tới 85% các trường hợp vết thương ở cổ chân có nguyên nhân đến từ bong gân. Hiện tượng bong gân cổ chân xảy ra khi các dây chằng nằm xung quanh khớp cổ chân bị kéo giãn hơn so với mức bình thường do tai nạn. Tình trạng nghiêm trọng hơn, khi dây chằng khớp cổ chân bị giãn quá mức có thể dẫn tới bị rách. Tùy vào mức độ chấn thương, một phần hoặc toàn bộ dây chằng có thể bị tổn thương.
-
Trật khớp cổ chân: Do có sự di lệch giữa các mặt khớp với nhau hoặc giữa các đầu xương ra khỏi ổ khớp. Tình trạng di lệch có thể là không hoàn toàn hoặc hoàn toàn tùy vào mức độ nghiêm trọng.
-
Loét mắt cá chân: Tình trạng loét hoặc vết thương hở tại mắt cá chân lâu lành hoặc liên tục tái phát. Loét là kết quả của sự phân hủy mô da và gây đau đớn. Có ba nguyên nhân gây ra loét mắt cá là: Ứ tĩnh mạch, bệnh tiểu đường, bệnh lý động mạch. Trong đó loét mắt cá chân do ứ tĩnh mạch mà phổ biến nhất, chiếm từ 80 đến 90% các trường hợp loét liên quan tới chi dưới.
-
Sưng tấy, bầm tím: Nguyên nhân thường có thể do va đập mạnh vào những nơi thô cứng. Thường những vết thương này khá nhẹ hoàn toàn có thể tự khỏi nếu được sơ cứu vết thương ở cổ chân đúng cách.
Bong gân, trật khớp là chấn thương hay gặp ở vùng cổ chân
Đối tượng nào hay gặp chấn thương cổ chân?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chấn thương ở cổ chân bao gồm:
-
Tuổi tác: Các tổ chức tại cổ chân sẽ bị thoái hóa dần theo thời gian, các khớp không còn linh hoạt như trước, dây chằng cũng bớt đi sự dẻo dai. Điều này sẽ khiến khả năng vận động cũng như chịu lực của cổ chân tệ đi, tuổi càng cao nguy cơ chấn thương cổ chân cũng càng cao.
-
Công việc: Những người có công việc đặc trưng phải di chuyển, mang vác nhiều như vận động viên, công nhân… cũng dễ gặp các vết thương ở cổ chân hơn so với các ngành nghề văn phòng, tài chính,...
-
Một số bệnh lý nền: Viêm khớp, tiểu đường, loãng xương, tiền sử nhiều lần bong gân, trật khớp cổ chân,…
Sơ cứu vết thương ở cổ chân đúng cách
Sơ cứu bong gân, trật khớp cổ chân
Chúng ta tiến hành sơ cứu vết thương ở cổ chân trong trường hợp bong gân, trật khớp cổ chân theo nguyên tắc R-I-C-E:
-
R (rest - nghỉ ngơi): Hạn chế để bệnh nhân vận động, tạo áp lực tì đè lên cổ chân. Người bệnh nên được nghỉ ngơi trong những ngày đầu có vết thương ở cổ chân.
-
I (Ice - chườm đá): Chườm túi đá vào cổ chân tối thiểu 20 phút mỗi lần và cách nhau mỗi 90 phút. Lặp lại việc này 3 tới 5 lần mỗi ngày trong 3 ngày đầu sau khi bị chấn thương nhằm giảm tình trạng sưng tấy và cảm giác đau.
-
C (Compression - nén): Quấn cổ chân bằng băng thun nhằm hạn chế sự sưng tấy, phù nề do ứ trệ tĩnh mạch tại vùng chấn thương. Chú ý không băng quá chặt bởi nó có thể khiến tê chân và bầm tím ngón chân.
-
E (Elevation - kê cao): Cố gắng kê chân bệnh nhân cao hơn so với mức tim. Điều này giúp giảm áp lực máu xuống vùng vết thương ở cổ chân nhằm giảm tình trạng sưng tấy và phù nề.
Lưu ý khi sơ cứu vết thương ở cổ chân:
- Không nên chườm ấm hoặc chườm nóng vì việc đó có thể làm cho tình trạng vết thương tệ hơn.
-
Trong trường hợp vết thương ở cổ chân lâu lành, tình trạng sưng và phù không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy tới các cơ sở y tế để có cách điều trị sớm nhất nhằm rút ngắn thời gian phục hồi đồng thời hạn chế các biến chứng xấu.
Có thể chườm đá hoặc sử dụng thuốc xịt giảm đau trong sơ cứu vết thương ở cổ chân
Cách băng bó vết thương ở cổ chân
Hướng dẫn băng bó vết thương cổ chân đúng cách như sau:
-
Bước 1: Đầu tiên, quấn quanh bàn chân. Mức độ lỏng và chặt tùy thuộc và sự thoải mái của người bệnh.
-
Bước 2: Quấn chéo lên phía trên theo hướng về phía gót chân.
-
Bước 3: Quấn 2 vòng quanh cổ chân phía trên mắt cá chân nhằm tạo ra một điểm neo cố định.
-
Bước 4: Quấn băng theo đường chéo hướng xuống dưới bàn chân.
-
Bước 5: Quấn xung quanh lòng bàn chân trước rồi băng chéo lên như hình số 8.
-
Bước 6: Quấn lên qua cổ chân thì cắt băng. Cố định băng bằng băng dính hoặc miếng dán có sẵn.
Chú ý khi băng bó vết thương ở cổ chân:
-
Khi thực hiện kĩ thuật băng bó đúng, gót chân của người bệnh vẫn sẽ lộ ra, ngược lại các vùng bàn chân, mắt cá và cổ chân được băng kín.
-
Theo dõi sự lưu thông máu vùng băng bó, nếu có tình trạng tím, tê tái thì lập tức tháo ra và băng lại.
-
Kỹ thuật băng bó trên ngoài sử dụng trong trường hợp sơ cứu có thể sử dụng để bảo vệ chân trong các hoạt động thể chất.
Hướng dẫn cách băng bó khi sơ cứu vết thương ở cổ chân
Phòng ngừa vết thương ở cổ chân
Do cổ chân có liên quan mật thiết tới khả năng đi lại trong sinh hoạt và công việc, nếu tổn thương sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống - công việc của người bệnh, do đó chúng ta nên chủ động phòng tránh gây tổn thương ở vị trí này. Dưới đây là các cách phòng tránh vết thương ở cổ chân mà bạn có tham khảo:
-
Khởi động kĩ các khớp trước khi bước vào bất kì hoạt động thể dục nào.
-
Chú ý cẩn thận khi di chuyển hoặc làm việc ở những bề mặt không bằng phẳng.
-
Mang giày vừa vặn và phù hợp với mục đích sử dụng, hạn chế đi giày cao gót.
-
Hạn chế đi giày cao gót để tránh vết thương ở cổ chân.
-
Nghỉ ngơi đầy đủ không nên hoạt động nặng trong thời gian dài.
-
Áp dụng các biện pháp bảo hộ an toàn lao động quy chuẩn khi làm công việc tay chân.
Trên đây là những kiến thức về sơ cứu vết thương ở cổ chân cơ bản nhất mà ai cũng nên biết. Nhà Thuốc Long Châu hi vọng đã mang thông tin hữu ích tới quý đọc giả. Kính chúc quý đọc giả nhiều sức khỏe!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp