Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt xuất huyết có đau họng không? Các biện pháp giảm đau họng do sốt xuất huyết

Ngày 26/08/2024
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết là căn bệnh xảy ra khá phổ biến ở nước ta. Theo thời gian, tỷ lệ người bệnh mắc phải căn bệnh này đang có xu hướng ngày một gia tăng song vẫn nhiều người đặt ra câu hỏi sốt xuất huyết có đau họng không? Theo dõi ngay bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về căn bệnh này và giải đáp thắc mắc nêu trên bạn nhé.

Sốt xuất huyết có đau họng không? Làm thế nào để cải thiện cảm giác khó chịu nếu bị đau họng khi mắc sốt xuất huyết? Đây vẫn là câu hỏi được nhiều độc giả đăng tải trên các diễn đàn sức khỏe. Trước khi giải đáp các câu hỏi này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về căn bệnh sốt xuất huyết bạn nhé.

Những thông tin cơ bản về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus Dengue với vật thể trung gian chính lây truyền virus từ người bệnh sang người lành là muỗi cái Aedes aegypti.

Thực tế cho thấy, bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh sốt xuất huyết song trẻ em dưới 12 tuổi và người có hệ miễn dịch kém là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuỳ thuộc vào mức độ cũng như giai đoạn bệnh mà các triệu chứng của sốt xuất huyết ở mỗi người sẽ có sự khác biệt.

Sốt xuất huyết có đau họng không? Các biện pháp giảm đau họng do sốt xuất huyết 1
Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh

Nhìn chung, diễn biến sốt xuất huyết ở người có thể được tóm tắt qua 3 giai đoạn chính, cụ thể:

Giai đoạn sốt

Đây là giai đoạn người bệnh liên tục bị sốt cao và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau thời gian ủ bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng người bệnh gặp phải lúc này lại khá giống với sốt virus hoặc cảm cúm thông thường do vậy mà rất dễ bị nhầm lẫn.

Các triệu chứng người bệnh sốt xuất huyết có thể gặp phải trong giai đoạn này bao gồm:

  • Sốt cao liên tục trong khoảng từ 2 - 7 ngày mà không có dấu hiệu hạ sốt mặc dù đã sử dụng thuốc hạ sốt;
  • Mệt mỏi, lừ đừ;
  • Đau nhức đầu, đau họng, đau cơ, đau hốc mắt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Viêm hô hấp trên, sổ mũi, viêm họng;
  • Tiêu chảy;
  • Phát ban hoặc xung huyết da.

Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn này được ghi nhận kể từ sau thời điểm đầu tiên bị sốt khoảng 3 ngày và thường diễn ra trong 4 ngày tiếp theo. Lúc này, sốt có thể được hạ hoặc không song người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng xuất huyết nặng, cụ thể:

  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da. Các vết xuất huyết dưới da có thể là các đốm nhỏ hoặc các mảng bầm tím ở mặt trong cánh tay, mặt trước cẳng chân, bụng, đùi…
  • Chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hoá, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, xuất huyết não.

Đây được đánh giá là giai đoạn vô cùng nguy hiểm, có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh do vậy mà cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện sớm dấu hiệu xuất huyết nhằm có các phương an xử trí kịp thời.

Giai đoạn hồi phục

Theo thời gian, nếu được điều trị kịp thời, sức khỏe người bệnh sẽ dần trở lại bình thường sau 1 - 2 ngày kể từ khi trải qua giai đoạn nguy hiểm. Để giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn, việc chăm sóc giảm nhẹ và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp là điều vô cùng cần thiết.

Sốt xuất huyết có đau họng không?

Sốt xuất huyết có đau họng không? Câu trả lời là có bạn nhé. Như đã trình bày phía trên, đa số các trường hợp được chẩn đoán là mắc bệnh sốt xuất huyết đều sẽ kèm theo tình trạng viêm họng, dẫn đến đau họng ở giai đoạn sốt. Trong tất cả các triệu chứng kể trên thì sốt và đau họng được xem là các triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết có đau họng không? Các biện pháp giảm đau họng do sốt xuất huyết 2
Sốt xuất huyết có đau họng không?

Làm thế nào để cải thiện tình trạng đau họng khi bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, được báo động trên phạm vi toàn cầu. Chính vì thế, nếu không may mắc phải căn bệnh này, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, nếu gặp phải tình trạng đau họng, người bệnh cũng có thể kết hợp một số phương pháp sau đây để cải thiện tình trạng đau họng tại nhà.

Uống nhiều nước

Nước là thành phần vô cùng quan trọng, không thể thiếu của cơ thể. Đối với người bệnh sốt xuất huyết bị đau họng, uống nhiều nước có thể giúp ngăn chặn tình trạng mất nước đồng thời cung cấp thêm độ ẩm từ đó làm dịu cảm giác đau họng.

Không những vậy, việc bổ sung đủ nước mỗi ngày còn là cách giúp ổn định khả năng điều hoà thân nhiệt của cơ thể, giúp người bệnh nhanh chóng hạ sốt từ đó cải thiện một số triệu chứng gây khó chịu khác của sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết có đau họng không? Các biện pháp giảm đau họng do sốt xuất huyết 3
Uống nhiều nước là một trong những cách giúp cải thiện tình trạng đau họng

Sử dụng các món ấm hoặc lạnh

Người bệnh bị viêm họng thường được các bác sĩ khuyên uống nhiều nước hoặc các loại trà thảo dược ấm để giảm bớt cảm giác đau rát vùng cổ họng. Tuy nhiên, đôi khi sử dụng thức uống lạnh cũng mang lại hiệu quả tương tự trong một số trường hợp bởi nước lạnh có khả năng gây tê cục bộ, giảm cảm giác đau tạm thời để cổ họng trở nên dễ chịu hơn.

Do vậy, bạn có thể thử cả 2 cách nóng và lạnh để tìm được biện pháp giảm đau họng phù hợp. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc này.

Súc họng bằng nước muối

Nhờ khả năng sát khuẩn nhẹ và làm dịu tình trạng kích ứng, dung dịch nước muối có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng đau bên trong cổ họng. Chính vì thế, súc miệng bằng nước muối loãng tự pha với tỷ lệ phù hợp hoặc nước muối sinh lý cũng là một trong những cách đơn giản mà bạn có thể cân nhắc sử dụng để cải thiện tình trạng đau họng gây ra bởi căn bệnh sốt xuất huyết.

Để đạt được hiệu quả tích cực, bạn nên duy trì việc súc họng nước muối 3 - 4 lần/ngày hoặc bất cứ khi nào cảm giác ngứa họng xảy đến.

Tắm nước nóng

Tương tự như việc bạn uống nhiều nước ấm, khi tắm bằng nước nóng, nhiệt độ nóng sẽ giúp cổ họng của bạn được làm ấm từ bên ngoài từ đó xoa dịu cảm giác đau họng. Ngoài ra, việc tắm nước nóng còn giúp thư giãn mạch máu trong cơ thể, tăng lưu thông tuần hoàn, giúp người bệnh sốt xuất huyết dễ đi vào và đi sâu vào giấc ngủ hơn.

Một lưu ý nhỏ đó là khi bị sốt xuất huyết, bạn không nên tắm quá lâu và nên tắm ở nơi kín gió. Nhất là trong giai đoạn nguy hiểm, bạn nên hạn chế việc tắm gội bởi việc làm này có thể khiến thành mạch giãn dẫn đến tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn.

Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn

Nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp tăng khả năng hồi phục sức khỏe là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là trong các giai đoạn cơ thể cần chiến đấu hết mình để có thể chống lại bệnh tật.

Bằng cách thư giãn đầu học và chăm sóc giấc ngủ mỗi ngày, sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch của người bệnh sốt xuất huyết kèm đau họng được tăng cường và điều này sẽ giúp cho người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe.

Sốt xuất huyết có đau họng không? Các biện pháp giảm đau họng do sốt xuất huyết 4
Bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị sốt xuất huyết kèm đau họng

Hạn chế sử dụng chất kích thích

Họng là cầu nối giữa miệng và thực quản. Đây là nơi tiếp xúc của hầu hết tất cả những thứ được đưa vào cơ thể thông qua đường miệng. Khi bị sốt xuất huyết kèm viêm họng, cổ họng của người bệnh thường bị sưng đau, thậm chí có thể bị trầy xước.

Sự xuất hiện của các chất kích thích niêm mạc cổ họng là yếu tố khiến cho tình trạng đau họng trở nên ngày càng trầm trọng hơn. Chính vì thế, người bệnh sốt xuất huyết cần hạn chế sử dụng chất kích thích và món ăn gây kích thích cổ họng, chẳng hạn như thuốc lá, bia rượu, thực phẩm cay nóng, thực phẩm có tính axit…

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh sốt xuất huyết và cách cải thiện tình trạng đau họng gây ra bởi căn bệnh sốt xuất huyết mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về chủ đề này đồng thời giải đáp được thắc mắc sốt xuất huyết có đau họng không. Cảm ơn bạn đọc đã luôn yêu thương và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong suốt chặng đường vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin