Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không? Những điều nên và không nên làm

Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ

Việt Nam là nước được xếp vào phân loại dịch tễ sốt xuất huyết với tỷ lệ cao. Sốt xuất huyết là một bệnh lý cấp tính thường gặp, có những biến chứng nguy hiểm, bệnh thường hay gặp vào mùa hè. Mọi dấu hiệu bất thường trong mùa dịch đều khiến mọi người lo lắng. Nhiều người thường thắc mắc sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không?

Với khả năng bùng phát nhanh và mạnh tạo thành dịch và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ra mồ hôi nhiều cũng là triệu chứng rất hay gặp trên một bệnh nhân sốt xuất huyết. Để giải đáp thắc mắc “Sốt xuất huyết ra mồ hồi nhiều có sao không?” chúng ta cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.

Tổng quan sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có tác nhân gây bệnh là virus Dengue. Vật chủ trung gian là muỗi vằn, chúng có khả năng truyền bệnh từ người bệnh qua người lành. Sốt xuất huyết thường gặp ở những vùng có khí hậu nhiệt đới với thời tiết mưa nhiều và nóng ẩm. Việt Nam là nơi có bệnh lưu hành rất phổ biến, bệnh rải đều ở tất cả các vùng kể cả ở thành thị và vùng nông thôn và tháng 7 - 10 là khoảng thời gian thường bùng phát mạnh thành các đợt dịch.

Sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không? 1
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm với khả năng lây lan cao

Virus Dengue gây bệnh có 4 type huyết thanh. Những người bệnh bị nhiễm virus sốt xuất huyết lần đầu tiên thường có các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, nếu người đó bị tái nhiễm sốt xuất huyết Dengue type khác thì tình trạng nghiêm trọng hơn như chảy máu hoặc sốc, viêm cơ tim thậm chí có thể tử vong. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng tần suất cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Quá trình lây truyền: Aedes aegypti là vector truyền bệnh từ người sang người. Khi một con A. aegypti cái đốt phải người bị nhiễm virus sốt xuất huyết, tại đây virus sẽ nhân lên và tồn tại ở đó trong suốt thời gian tồn tại của muỗi thường khoảng 1 - 2 tháng. Sau đó, khi muỗi mang virus cắn người lành thì virus được truyền sang người đó và gây bệnh.

Triệu chứng của sốt xuất huyết

Có đến 80 - 90% những người nhiễm virus Dengue lần đầu không có triệu chứng. Trong một số trường hợp, có thể phát hiện thấy sốt nhẹ, đau cơ và khớp, nhức đầu, và các nốt xuất huyết dưới da. Tuy nhiên, ở những lần tái nhiễm khác với một virus sốt xuất huyết type khác sẽ gây ra các tình trạng nghiêm trọng hơn, có thể chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sốt: Bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có thể gây sốt co giật ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng khác là chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn. Mặt đỏ bừng và xuất hiện các nốt xuất huyết trên cơ thể, cánh tay và chân. Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 - 7 ngày.
  • Giai đoạn sốc: Khi bước vào giai đoạn này thông thường người bệnh sẽ giảm sốt. Người bệnh cảm thấy buồn ngủ, tay chân lạnh, vã mồ hôi nhiều, mạch yếu nhưng nhanh, đau tức hạ sườn phải, lượng nước tiểu giảm, nôn ra máu và phân có máu, dễ chảy máu như chảy máu mũi. Trong trường hợp nghiêm trọng, tụt huyết áp, mạnh nhanh dẫn đến sốc và có thể dẫn đến tử vong. Giai đoạn này diễn ra trong 24 - 48 giờ.
  • Giai đoạn hồi phục: Tình trạng của bệnh nhân được cải thiện rõ ràng thông qua các biểu hiện như huyết áp bình thường, mạch mạnh và chậm, ăn ngon hơn, lượng nước tiểu bình thường, chấm xuất huyết giảm. Một số trường hợp vẫn còn xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da trên cơ thể.

Bị sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không?

Ra mồ hôi nhiều khi bị sốt xuất huyết có thể là dấu hiệu của mất nước và giảm áp lực máu, dẫn đến nguy cơ cao về suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy gan, và suy thận. Điều trị kịp thời là cần thiết để tránh biến chứng nghiêm trọng. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất trong diễn tiến bệnh sốt xuất huyết. Ở giai đoạn này, cơ thể bị tăng tính thấm thành mạch, huyết tương bị thoát ra khỏi lòng mạch nhiều hơn gây các triệu chứng như tay chân lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng....

Sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không? 2
Người bệnh sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không?

Vì vậy, khi thấy một bệnh nhân sốt xuất huyết đỡ sốt nhưng lại vã mồ hôi nhiều, người chăm bệnh cũng như nhân viên y tế cần phải đặc biệt chú ý theo dõi bệnh nhân liên tục, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, các triệu chứng thoát huyết tương khác để hướng xử trí kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc.

Nên làm gì khi sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều?

Do đổ mồ hôi quá nhiều và sự thất thoát huyết tương diễn ra mạnh mẽ bên trong cơ thể khi bị sốt xuất huyết dẫn đến tình trạng mất nước trầm trọng. Vì thế, người bị sốt xuất huyết cần uống nước nhiều nước và các chất lỏng khác như nước dừa… nhiều hơn để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Đổ mồ hôi nhiều cũng chứng tỏ cơ thể đang có nguy cơ mất nước nhanh hơn, đặc biệt ở giai đoạn nghiêm trọng có thể làm cho người bệnh đau đầu dữ dội và chuột rút. Việc bù đủ nước cho cơ thể có thể giúp người bệnh đào thải các chất độc từ bên trong, giúp quá trình khỏi bệnh xảy ra nhanh hơn.

Bên cạnh nước lọc, nước sôi để nguội người bệnh cũng được khuyến cáo nên uống nước cam vì nó giàu chất oxy hóa và chứa hàm lượng vitamin cao, có thể giúp người bệnh cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và lợi tiểu, giúp đẩy chất độc ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Đồng thời trong nước cam chứa nhiều vitamin C giúp người bệnh thoải mái, dễ chịu hơn và tăng sức bền thành mạch và tăng cường khả năng chống lại sự gây hại của virus Dengue. Ngoài ra, các loại nước uống điện giải, nước dừa, nước ép trái cây cũng đem lại nhiều hiệu quả trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người bệnh bằng cách bổ sung nhiều đạm, khoáng chất, vitamin, protein và chất béo cần thiết, không nên sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn hay những đồ cay nóng và nhiều dầu mỡ vì có thể sẽ làm cho tình trạng xuất huyết và thoát huyết tương trở nên nặng nề hơn.

Nên cho người bệnh mặc đồ thoải mái, rộng rãi, thoáng mát, mặc các quần áo có chất liệu thấm hút mồ hôi tối ưu nhằm hạ nhiệt cho cơ thể, giảm tình trạng bết dính khó chịu cho người bệnh.

Vệ sinh môi trường chăm sóc bệnh nhân sạch sẽ và thoáng mát. Ngăn chặn mọi nguồn cơn chứa muỗi đốt và tránh để bị muỗi đốt cách sử dụng kem chống muỗi, ngủ màn, mặc quần áo tay dài.

Sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều có sao không? 3
Loại bỏ vecto truyền bệnh là cách tốt nhất phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nghỉ ngơi, ngủ nhiều nhất có thể giúp hạn chế tối đa sự hoạt động của tuyến mồ hôi từ đó giảm bớt tình trạng thoát dịch, giúp cơ thể mau chóng phục hồi.

Những điều không được làm khi bệnh nhân sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều

Khi thấy bệnh nhân sốt xuất huyết ra mồ hôi nhiều, không nên làm những điều sau:

  • Tuyệt đối không được cho bệnh nhân nằm quạt: Khi bị sốt xuất huyết, trong giai đoạn đầu cơ thể thường sốt cao với nhiệt độ có thể lên đến 39, 40 độ C và kèm các cơn rét run. Khi bước vào giai đoạn sốc, người bệnh giảm sốt nhưng thường vã mồ hôi nhiều. Khi đó, các mạch trong cơ thể đang bị giãn nên cần phải kiêng gió tuyệt đối nếu không sẽ gây co các mạch ngoài da, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tê liệt, ảnh hưởng các dây thần kinh ngoại vi, liệt thần kinh mặt, thậm chí gây tử vong.
  • Không xông lá: Khi bị sốt xuất huyết người bệnh thường đau nhức cơ, mệt mỏi, chán ăn,... Nhiều người sẽ lầm tưởng rằng người bệnh sốt xuất huyết đang bị cảm cúm và thường áp dụng theo phương pháp là xông lá để giải cảm của dân gian. Việc này đặc biệt nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trong giai đoạn sốc. Lúc này, tính thấm thành mạch tăng lên gây xuất huyết. Nếu để người bệnh xông lá sẽ gây mất nước nhiều hơn, dễ đi vào trạng thái sốc và tình trạng xuất huyết nặng nề hơn.

Tóm lại, sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm nếu xử trí đúng đắn và kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn sốc mà ra mồ hôi nhiều. Người nhà và nhân viên y tế cần theo dõi sát bệnh nhân để đưa đến nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo.

Xem thêm: Sốt xuất huyết có ho không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.