Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp vào mùa mưa vì đây là thời điểm muỗi phát triển mạnh mẽ nhất. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nhưng sốt xuất huyết không phát ban lại rất dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vậy làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được căn bệnh sốt xuất huyết không phát ban?

Nhiều bạn bị nhầm lẫn bệnh sốt xuất huyết sẽ gây ra triệu chứng xuất hiện phát ban trên da. Đây là một sai lầm rất nguy hiểm, vì vẫn có chứng sốt xuất huyết không phát ban. Vậy làm sao để phân biệt được nó với những bệnh cảm cúm thông thường khác? Hãy cùng theo dõi bài viết để có thể hiểu hơn về bệnh và cách phòng ngừa nhé.

Sốt xuất huyết là gì và có những triệu chứng nào?

Trước khi tìm hiểu về sốt xuất huyết không phát ban, hãy cùng làm rõ về căn bệnh sốt xuất huyết nhé. 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chúng lây từ người sang người thông qua đường trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn mang mầm bệnh virus Dengue. Loại muỗi này thường hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới có thể đốt và truyền mầm bệnh.

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng 1
Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra rất phức tạp và bệnh nhân cần chú ý đến các biến chứng có thể xảy ra. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể trải qua nhiều giai đoạn với những triệu chứng, cấp độ khác nhau và các dấu hiệu riêng biệt.

Sốt xuất huyết nhẹ

Sốt xuất huyết nhẹ thường gặp ở các bệnh nhân bị sốt xuất huyết lần đầu vì trong cơ thể họ không có miễn dịch với virus Dengue. Đối với sốt xuất huyết nhẹ, có các triệu chứng điển hình và không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày tính từ ngày bị truyền nhiễm bởi muỗi.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác ở người bị sốt xuất huyết nhẹ như sốt cao lên đến 40.5 độ C kèm theo đau đầu nghiêm trọng. Người bệnh còn có thể bị đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, cùng với các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, phát ban đỏ…

Sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết nặng bao gồm tất cả các triệu chứng của sốt xuất huyết nhẹ và có thêm một số triệu chứng khác. Điển hình như mạch máu và bạch huyết bị tổn thương, chảy máu cam, chảy máu nướu hoặc xuất huyết dưới da kèm theo các vết bầm tím. Nghiêm trọng hơn bệnh nhân có biểu hiện ho khạc ra máu, thở nhanh hoặc bị khó thở và mệt mỏi, vật vã. 

Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí gây tử vong, cần được điều trị gấp.

Hội chứng sốc sốt xuất huyết

Sốc sốt xuất huyết là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, nó bao gồm tất cả các triệu trứng trên cộng với các triệu chứng lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, chảy máu và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, huyết áp thấp hay không đo được huyết áp.

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng 2
Sốc sốt xuất huyết là cấp độ nghiêm trọng nhất của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh thường biểu hiện trở nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày, ở giai đoạn hạ sốt. Hội chứng này khá phổ biến ở trẻ em và tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên do có sức đề kháng yếu.

Đa phần các trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết thường có dấu hiệu nhận biết chính là phát ban trên da. Tuy nhiên, vẫn có ca sốt xuất huyết không phát ban khiến nhiều người lầm tưởng đó chỉ là bệnh cảm cúm thông thường. Từ đó, bệnh nhân có tâm lý chủ quan và xem nhẹ bệnh tình của mình.

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết không đồng nghĩa với việc chắc chắn bị phát ban vì đây không phải là một triệu chứng bắt buộc. Vẫn có bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt xuất huyết không phát ban. Sốt xuất huyết không phát ban hay phát ban đều có tiến triển gây ra sốc, đây là biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan xem nhẹ hội chứng này.

Như chúng ta đã biết, sốc sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột sau giai đoạn hạ sốt. Tuy nhiên, sốc khi bị sốt xuất huyết không phải nguy hiểm do phát ban mà là do tình trạng giảm tiểu cầu gây xuất huyết, cô đặc máu, gây rối loạn đông máu và dẫn đến nguy cơ xuất huyết ở nhiều nơi.

Việc mất máu quá nhiều sẽ gây mất một lượng huyết tương nhất định trong lòng mạch, từ đó bệnh nhân rơi vào tình trạng bị sốc xuất huyết. Đa số các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là do bị sốc nặng với các biểu hiện như nhiệt độ cơ thể thấp, giảm tri giác, tinh thần kém lanh lợi...

Vì vậy, người bệnh không được chủ quan xem nhẹ bệnh tình của mình mà phải chủ động thăm khám tại cơ sở y tế ngay khi phát hiện những triệu chứng khác của bệnh. Đặc biệt ở giai đoạn hạ sốt, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm và người bệnh cần được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại các cơ sở y tế để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng 3
Nhiều người thắc mắc sốt xuất huyết không phát ban có sao không

Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết không phát ban

Sau khi được các bác sĩ chẩn đoán và xác định bệnh nhân sốt xuất huyết không phát ban cấp 1 có thể điều trị tại nhà, bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn và lịch hẹn khám lại của bác sĩ.

Đối với trường hợp sốt xuất huyết chuyển sang cấp 2, bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà dưới sự theo dõi chặt chẽ của người nhà hoặc nhập viện nếu cần thiết. Người bệnh cần được theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên bằng cách cặp nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn hay bên khóe miệng mỗi vài giờ một lần.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên vận động quá sức nhiều, tránh sử dụng các loại quần áo dày hay ủ quá kín. Nếu nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân cao trên 38.5 độ C có thể cho bệnh nhân uống thuốc hạ nhiệt loại Paracetamol đơn chất và thêm 1 liều sau 6 giờ/lần nếu bệnh nhân vẫn còn sốt cao, kiểm tra thân nhiệt của bệnh nhân khoảng 1 giờ sau khi uống thuốc hạ sốt.

Các trường hợp bệnh nhân có nhiệt độ cơ thể từ 37 độ đến dưới 38.5 độ thì vẫn có thể cho uống thuốc hạ sốt, hoặc dùng khăn nhúng nước ấm lau mát. Hãy lưu ý nhiệt độ nước dùng để lau mát cho bệnh nhân thấp hơn nhiệt độ cơ thể bệnh nhân 2 - 3 độ.

Đặc biệt không dùng thuốc Aspirin để hạ sốt cho bệnh nhân. Vì Aspirin gây ra tình trạng ngăn tập kết tiểu cầu, chống đông máu, gây thoát huyết tương kéo dài dễ gây nguy hiểm. Cũng như Aspirin, Ibuprofen là thuốc chống chỉ định dùng cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết, tuy không gây tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin, nhưng Ibuprofen vẫn gây ra tình trạng xuất huyết khó cầm được.

Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng
Tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin để hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Khi bệnh nhân bị sốt cao kéo dài cần phải bổ sung nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt. Nước pha từ gói Oresol chuyên điều trị cho bệnh nhân bị mất nước thì càng tốt. Hoặc có thể uống nước gạo rang hoặc nước muối pha theo tỷ lệ 2 thìa muối và 8 thìa đường pha chung với 1 lít nước sôi để nguội, hoặc nước cam, bưởi, chanh tươi để bổ sung vitamin C tăng cường đề kháng.

Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng nôn, miệng nhạt hoặc lười ăn sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân không đủ dinh dưỡng cần thiết và dễ gây hạ đường huyết. Cần đảm bảo người bệnh ăn uống đầy đủ với các thức ăn dễ tiêu hóa, ăn uống chia ra nhiều buổi, tránh ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ. Có thể uống thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho người bệnh.

Ngoài ra, không tự ý truyền dịch cho bệnh nhân tại nhà vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Cũng không nên cạo gió hay dùng các loại kháng sinh vì bệnh sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng điều trị.

Phòng chống lây nhiễm sốt xuất huyết cho những người xung quanh

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh, người bệnh và người xung quanh có thể phòng tránh bằng các cách sau:

  • Dùng màn chống muỗi khi ngủ để phòng tránh muỗi đốt.
  • Không cho trẻ chơi ở những nơi tối vì muỗi thường ẩn nấp ở những chỗ tối, ẩm ướt.
  • Sử dụng điều hòa nếu có.
  • Sử dụng kem chống muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc nhang muỗi để phòng tránh muỗi vằn xuất hiện.
  • Đậy nắp thùng nước, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để tránh xuất hiện muỗi.
  • Diệt muỗi và loăng quăng.
Sốt xuất huyết không phát ban có nguy hiểm không? Cách nhận biết các triệu chứng 5
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để phòng chống lây nhiễm sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết không phát ban thường bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Nhưng nó có thể dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như sốc sốt xuất huyết, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi chúng ta nghi ngờ hoặc phát hiện các triệu chứng như bài viết cung cấp ở trên thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin