Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? Kiểm soát bệnh như thế nào?

Ngày 07/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh suy thận ngày một phổ biến và có xu hướng trẻ hóa dần. Theo từng giai đoạn, bệnh sẽ nặng dần và kéo theo nhiều biến chứng. Bệnh nhân suy thận độ 1 có triệu chứng gì và nguy hiểm không? Bệnh có thể chữa được không?

Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc suy thận độ 1, người bệnh có thể kiểm soát và điều trị bệnh nếu tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn rất lo lắng không biết giai đoạn này có nguy hiểm không. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức về các dấu hiệu và cách điều trị bệnh suy thận cấp độ 1.

Triệu chứng khi bị suy thận độ 1

Có 5 cấp độ khi mắc bệnh suy thận, để chẩn đoán được bạn đang bị suy thận cấp độ nào, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả tính độ lọc cầu thận (eGFR). Đây là chỉ số dùng để ước tính mức độ hoạt động của thận.

Khi bị suy thận độ 1, tốc độ lọc cầu thận (eGFR) cho kết quả ở mức bình thường, rơi vào khoảng 90 ml/phút hoặc cao hơn. Vào giai đoạn đầu của suy thận mạn, thận vẫn còn hoạt động tốt nhưng đã bị tổn thương nhẹ. Hầu hết các trường hợp không biết bản thân bị suy thận. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thông qua kết quả kiểm tra của bệnh khác, ví dụ như kiểm tra cao huyết áp hoặc tiểu đường. Hai nguyên nhân này đều gây suy thận.

Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? Có chữa được không? Kiểm soát bệnh thế nào? 1
Triệu chứng suy thận độ 1 khá mờ nhạt

Dấu hiệu cảnh báo bạn bị suy thận ở giai đoạn 1 khá mờ nhạt. Tuy nhiên, bạn chỉ cần quan sát kỹ thì sẽ thấy một số triệu chứng như giảm cân, đi tiểu nhiều hơn bình thường, mệt mỏi, chán ăn, khó thở, hụt hơi, đau tức hai bên vùng ngang lưng, thiếu máu nhẹ. Để chẩn đoán bệnh suy thận, bệnh nhân sẽ cần trải qua một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu nhằm xác định tốc độ lọc của cầu thận (eGFR).
  • Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra sự xuất hiện của protein và máu.
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp CT< siêu âm, chụp MRI hoặc sinh thiết thận để kiểm tra mức độ tổn thương thận.

Đối tượng có nguy cơ cao bị suy thận

Tình trạng suy thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể mà chỉ được phát hiện một cách vô tình khi người bệnh làm xét nghiệm hoặc đi kiểm tra sức khỏe. Một số trường hợp có nguy cơ cao bị suy thận và cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể kể đến là:

  • Bệnh nhân cao huyết áp;
  • Bệnh nhân tiểu đường;
  • Người bị chấn thương thận cấp tính, tổn thương thận đột ngột sẽ làm chúng ngừng hoạt động bình thường;
  • Bệnh tim mạch bành, suy tim;
  • Người mắc sỏi thận, bệnh lupus, phì đại tuyến tiền liệt;
  • Người có tiền sử gia đình bị thận mãn tính tiến triển hoặc thận di truyền;
  • Bệnh nhân trong nước tiểu có chứa đạm hoặc máu mà không xác định rõ nguyên do;
  • Bên cạnh đó, những người thường dùng thuốc omeprazol, lithium, NSAIDs thời gian dài cũng cần được kiểm tra chức năng thận thường xuyên.
Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? Có chữa được không? Kiểm soát bệnh thế nào? 2
Người bị cao huyết áp có nguy cơ cao bị suy thận

Bệnh nhân suy thận cấp độ 1 có nguy hiểm không?

Khi bị suy thận độ 1, người bệnh vẫn có cảm giác khỏe mạnh, sức khỏe không ảnh hưởng quá nhiều. Nguyên nhân là do thận vẫn đảm bảo hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh. Mặc dù vậy, nếu không được điều trị ổn định và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành giai đoạn 2, 3, 4 và nguy hiểm nhất là cấp độ 5. Mức độ nguy hiểm tăng dần khiến việc điều trị càng thêm khó khăn. Chưa kể, trong giai đoạn từ 3b đến 5, bệnh nhân buộc phải can thiệp bằng những phương pháp thay thế như lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận giúp duy trì sự sống.

Vào giai đoạn đầu của suy thận, thận của bệnh nhân vẫn còn hoạt động tốt. Người bệnh có thể chung sống với bệnh trong khoảng thời gian vài năm. Những yếu tố mang tính quyết định đến tuổi thọ người bệnh bao gồm: Độ tuổi, giới tính, tiền sử mắc các bệnh liên quan và thói quen sinh hoạt. Bạn hãy phát hiện sớm bệnh để can thiệp kịp thời nhằm sống lâu và tốt hơn.

Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? Có chữa được không? Kiểm soát bệnh thế nào? 3
Suy thận giai đoạn đầu không nguy hiểm

Bị suy thận cấp độ 1 có chữa được không?

Cho đến nay, y học vẫn chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh suy thận cấp độ 1. Tuy nhiên, nếu suy thận độ 1 được phát hiện và điều trị đúng cách, kết hợp với khẩu phần ăn uống khoa học thì khả năng bệnh nhân hồi phục là rất cao.

Những phương pháp điều trị khác được áp dụng vào giai đoạn đầu của suy thận bao gồm:

  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ bao gồm thuốc làm giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc cải thiện tình trạng thiếu máu
  • Điều chỉnh thói quen, lối sống hàng ngày bằng cách xây dựng khẩu phần ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Bệnh nhân hãy hạn chế tiêu thụ chất béo, muối, chất đạm nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ mức năng lượng từ 35 đến 45 calo mỗi ngày.
  • Tập thể thao đều độ tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
  • Giữ cho chỉ số huyết áp luôn ổn định 125/75 mmHg đối với những bệnh nhân bị tiểu đường và 130/85 mmHg đối với người không mắc tiểu đường và không có protein niệu, 125/75 mmHg đối với người không bị tiểu đường nhưng có protein niệu.
Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? Có chữa được không? Kiểm soát bệnh thế nào? 4
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp bệnh suy thận giai đoạn đầu tiến triển tốt

Phương pháp kiểm soát suy thận độ 1

Như đã nói ở các phần trên, bệnh nhân bị suy thận độ 1 có thể chung sống hòa bình với bệnh và kiểm soát được sự tiến triển. Dưới đây là một số phương pháp mà bạn có thể tham khảo để kiểm soát bệnh:

  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao khiến các mạch máu ở thận bị ảnh hưởng kéo theo tổn thương thận. Do đó, bạn hãy duy trì mức huyết áp bình thường dưới 140/90 mmHg và kiểm tra bằng máy đo huyết áp tại nhà. Bên cạnh đó, bạn nên ăn ít natri, ít chất béo với các loại thịt nạc, chế biến các món ăn bằng cách hấp, luộc, nướng thay cho chiên xào.
  • Kiểm soát hàm lượng cholesterol máu: Nhằm tránh bị bệnh thận, tim mạch hoặc đột quỵ. Để ngăn ngừa hàm lượng lipid máu tăng gây suy thận, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số loại thuốc hạ mỡ máu nếu cần thiết.
  • Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ: Tái khám và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này có tác dụng hỗ trợ bác sĩ giám sát mức độ chức năng thận bị suy giảm và điều chỉnh các bước điều trị cho phù hợp với tình hình. Thêm vào đó, tùy thuộc vào mức độ bệnh tiến triển mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống nhằm giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tại nhà tốt nhất.
  • Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá gây tăng huyết áp, tăng lượng đường huyết, làm hủy hoại các mạch máu và khiến tình trạng suy thận độ 1 thêm trầm trọng. Việc bạn bỏ hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh.

Mong rằng những chia sẻ trên từ nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về căn bệnh suy thận độ 1. Người bệnh hãy theo dõi sức khỏe chặt chẽ, chăm sóc tốt bản thân theo khuyến cáo của bác sĩ. Dù bệnh chưa ảnh hưởng nhiều nhưng bạn vẫn không được chủ quan để tránh bệnh diễn tiến nặng gây khó khăn cho việc điều trị nhé!

Xem thêm:

 Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com, suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm