Tim là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta. Những bệnh lý về tim sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày và dẫn tới nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Trong đó, suy tim sung huyết được coi là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tim mạch, rất khó điều trị. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này nhé.
Suy tim sung huyết là một tình trạng nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và chức năng tuần hoàn của cơ thể. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này nhé!
Suy tim sung huyết là gì?
Đây là một tình trạng diễn ra khi tâm thất ở tim không thể bơm đủ lưu lượng máu cho các cơ quan. Từ đó, không đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ thể, gây ra tình trạng ứ đọng máu tại tim và một số cơ quan khác trong cơ thể.
Suy tim trái: Xảy ra khi tim thất trái hoạt động quá yếu, không co bóp được như bình thường khiến lượng máu bị ứ lại và không bơm đủ máu ra ngoài.
Suy tim phải: Đây là tình trạng mà tâm thất phải hoạt động kém, khiến giảm lượng máu bơm lên phổi. Từ đó gây ra việc tích tụ máu lại ở trong các mạch máu, cản trở lưu thông máu trở về lại tim.
Suy tim toàn bộ: Đôi khi trong một số trường hợp, người bệnh vừa bị suy tim trái và vừa mắc suy tim phải cùng lúc.
Các giai đoạn của suy tim sung huyết
Bạn có tham khảo thông tin về một số cấp độ của suy tim sung huyết như sau:
Độ 1: Ở giai đoạn này, thường không gây ra triệu chứng gì khi chúng ta hoạt động thể chất bình thường. Có thể cải thiện tình trạng bệnh và kiểm soát bằng cách tạo thói quen sống lành mạnh, theo dõi sát dấu hiệu và sử dụng thuốc hỗ trợ.
Độ 2: Ở giai đoạn này, khi nghỉ ngơi sẽ không xảy ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu hoạt động mạnh hoặc tập thể dục thể thao thì có thể bị tim đập nhanh, khó thở và mệt mỏi. Giai đoạn này vẫn có thể kiểm soát được bệnh bằng cách thay đổi các thói quen và lối sống hằng ngày. Đồng thời, vẫn cần theo dõi kỹ lưỡng kết hợp sử dụng theo theo chỉ định của bác sĩ.
Độ 3: Ở mức độ này, khi hoạt động thể chất, bạn sẽ cảm thấy rõ rệt sự mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh. Việc tập luyện thể thao hoặc hoạt động mạnh thường ngày sẽ bị hạn chế rất nhiều. Quá trình điều trị cũng diễn ra phức tạp hơn, cần thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện phác đồ điều trị từ bác sĩ.
Độ 4: Khi đã vào giai đoạn này, thông thường, bệnh nhân rất khó có thể thực hiện các hoạt động mạnh ngày thường hoặc kể cả tập luyện thể chất. Các triệu chứng xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi, không hoạt động. Bước vào mức độ 4, người bị bệnh nên thăm khám và lắng nghe bác sĩ tư vấn đề có hướng cải thiện tốt nhất.
Triệu chứng của suy tim sung huyết
Triệu chứng suy tim sung huyết sẽ khác nhau ở mỗi người, bởi còn tùy thuộc vào cấp độ và giai đoạn của bệnh. Từ đó sẽ có những dấu hiệu nặng, nhẹ khác nhau. Thường thì một số dấu hiệu phổ biến nhất đó là:
Người bệnh luôn cảm thấy khó thở khi vận động, lâu dần khi tiến đến giai đoạn nặng thì sẽ thấy khó thở kể cả khi nghỉ ngơi.
Người bị suy tim sung huyết có thể bị thở khò khè, đặc biệt là khi ngủ. Đồng thời còn bị ho khan kéo dài, điều này diễn ra do ứ huyết ở phổi, từ đó gây ra cả triệu chứng ho ra máu.
Bệnh nhân bị phù trong suy tim, đặc biệt rõ rệt nhất là phù ở bàn chân, mắt cá chân. Có thể lan dần ra phù ở nhiều cơ quan khác.
Người bệnh hay mệt mỏi khi vận động, khi nặng hơn thì mệt mỏi cả khi không làm gì. Bởi lượng máu ứ lại không lưu thông đủ tới các cơ quan để cung cấp oxy.
Ngoài ra, khi suy tim trái, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như phù phổi cấp. Lúc này, người mắc bệnh sẽ cảm thấy rất khó thở, toát nhiều mồ hôi, chân tay lạnh, tim đập nhanh,... Khi gặp những dấu hiệu này, bệnh nhân nên thăm khám để có hướng điều trị kịp thời nhé.
Suy tim sung huyết có nguy hiểm không?
Suy tim sung huyết nếu không được điều dị đúng cách, kiểm soát và theo dõi sát sao thì có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hại tới nhiều bộ phận trong cơ thể. Có thể kể đến như:
Nhịp tim bất thường: Khi hoạt động bơm máu của tim diễn ra không hiệu quả thì có thể gây ra loạn nhịp tim. Khi nhịp tim bị rối loạn sẽ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu giàu oxy của tim đến các cơ quan khác. Đồng thời, còn có thể khiến máu bị ứ lại, làm tăng nguy cơ tích tụ máu đông. Khi cục máu đông này di chuyển đến não thì sẽ có khả năng dẫn tới đột quỵ.
Tổn thương một số cơ quan như gan, thận: Khi máu lưu thông không tốt thì gan và thận cũng gặp ảnh hưởng trực tiếp. Chức năng của hai bộ phận này sẽ bị hạn chế theo, khiến hoạt động của quá trình đào thải và thanh lọc độc tố diễn ra kém hiệu quả. Lâu dần, nếu lượng máu không cung cấp đủ tới các bộ phận này thì chúng sẽ bị tổn thương nặng nề.
Chức năng của phổi bị suy giảm: Khi bị suy tim sung huyết, máu không thể được lưu thông nhanh chóng vào và ra khỏi phổi. Từ đó, gây áp lực lên mạch máu trong cơ quan này, theo thời gian sẽ khiến phổi bị tổn thương, phù phổi.
Cơ thể bị mệt mỏi: Khi tim hoạt động kém, lượng máu không lưu thông kịp thời đến các cơ quan để cung cấp oxy đầy đủ. Vì vậy, khiến cơ thể bị mệt mỏi, mất sức, không thể vận động mạnh.
Trên đây là những giải đáp cho thắc mắc “Suy tim sung huyết có nguy hiểm không?” và các thông tin liên quan tới tình trạng này. Đây là một biến chứng nguy hiểm, vì vậy, khi mắc phải thì chúng ta nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn hướng cải thiện kịp thời nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.