Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy tuyến sinh dục nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Là một trong những bệnh nội tiết phổ biến, suy tuyến sinh dục là tình trạng các tuyến sinh dục không sản sinh hoặc sản sinh quá ít hormone giới tính. Trong đó, suy tuyến sinh dục nữ là hội chứng gây ra các vấn đề về giảm ham muốn, khô âm đạo, khó đạt khoái cảm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người bệnh. Đồng thời có thể gây rối loạn rụng trứng, khó thụ thai hoặc vô sinh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tương tự suy sinh dục nam, suy tuyến sinh dục nữ là một hội chứng phức tạp, liên quan đến nhiều nội tiết tố sinh dục. Trong đó, sự suy giảm hormone Estrogen là yếu tố mang tính chất quyết định. Thông thường, tình trạng này xuất hiện rõ nhất vào giai đoạn tiền mãn kinhmãn kinh.

Suy tuyến sinh dục nữ là gì?

Suy tuyến sinh dục nữ là hiện tượng suy giảm hoạt động của các tuyến sản xuất hormone trong cơ thể nữ giới. Hội chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh và cũng có thể xảy ra ở một số phụ nữ trẻ kèm theo tình trạng bệnh lý. Sự suy giảm này thường phản ánh qua việc buồng trứng giảm sản xuất noãn và không sản xuất đủ hormone sinh dục như: Estrogen và progesterone. Suy tuyến sinh dục nữ được phân loại thành hai nhóm chính gồm:

  • Suy tuyến sinh dục ngoại biên (nguyên phát): Trong trường hợp này, buồng trứng vẫn nhận được tín hiệu từ não bộ nhưng không sản xuất đủ hormone sinh dục cần thiết.
  • Suy tuyến sinh dục trung ương (thứ phát): Vấn đề gây suy tuyến sinh dục nữ lúc này nằm ở não bộ, khi các khu vực như: Tuyến yên và vùng dưới đồi không đạt hiệu quả trong việc chi phối hoạt động của buồng trứng.
Suy tuyến sinh dục nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị -1
Suy tuyến sinh dục nữ là hiện tượng suy giảm hoạt động của các tuyến sản xuất hormone ở phái nữ

Nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục nữ

Có nhiều yếu tố được nhận định là nguyên nhân suy tuyến sinh dục nữ, bao gồm:

Yếu tố vật lý

Các vấn đề về sức khỏe thể chất như: Viêm khớp, bệnh tiết niệu hoặc ruột, từng phẫu thuật vùng chậu và các rối loạn thần kinh như: Bệnh đa xơ cứng đều có thể dẫn đến suy tuyến sinh dục nữ. Bên cạnh đó, việc phải sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc kháng histamin và thuốc hóa trị liệu cũng có thể gây ra hiện tượng này ở các chị em.

Nội tiết tố

Sự suy giảm hormone Estrogen thời kỳ tiền mãn kinh, thời kỳ mãn kinh, sau khi sinh và trong thời gian cho con bú có thể gây ra các vấn đề như: Khô âm đạo và ảnh hưởng đến ham muốn và khả năng đáp ứng tình dục ở nữ giới. 

Sự biến đổi hormone cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong các mô sinh dục, làm cho nếp gấp của da bao phủ khu vực môi lớn trở nên mỏng hơn, khiến niêm mạc âm đạo mỏng và kém đàn hồi. Từ đó làm tăng độ nhảy cảm của âm vật, gây cảm giác ngứa ran hoặc khó chịu, dẫn đến đau khi giao hợp.

Suy tuyến sinh dục nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 2
Chứng trầm cảm, lo âu có thể là nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục nữ

Tâm lý và xã hội

Chứng trầm cảm, lo âu có thể góp phần gây rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ. Những căng thẳng lâu dài liên quan đến việc mang thai, sinh con hoặc xung đột trong mối quan hệ với bạn tình hay chồng cùng các yếu tố xã hội khác cũng có khả năng khiến các chị em giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa, tôn giáo và các vấn đề hình thể cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tuyến sinh dục nữ.

Bên cạnh đó, những nhóm phụ nữ mang các yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ cao bị suy giảm tuyến sinh dục hơn các nhóm còn lại, bao gồm:

  • Người mắc bệnh tim mạch, gan, thận.
  • Người mắc các bệnh về thần kinh hoặc tổn thương tủy sống.
  • Nữ giới từng bị lạm dụng tình dục.

Triệu chứng suy tuyến sinh dục nữ

Triệu chứng của suy tuyến sinh dục nữ thường xuất hiện do sự thiếu hụt hormone sinh dục nữ Estrogen trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau. Cụ thể:

Triệu chứng toàn thân

  • Da chảy xệ, đặc biệt là ở vùng mặt, cổ, ngực, mông và đùi. Da trở nên khô, dễ xuất hiện nếp nhăn và chậm lành vết thương.
  • Thay đổi trong tâm sinh lý, bao gồm cảm giác: Giận dữ, cáu gắt, lo âu và tính cách thất thường.
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng về hệ thần kinh như: Mất ngủ, trầm cảm, hay quên và phản xạ thần kinh chậm, không chính xác.
  • Hệ thần kinh thực vật thường bị rối loạn, dẫn đến các triệu chứng như: Bốc hỏa, cảm giác mệt lả người và toát nhiều mồ hôi.
  • Bị loãng xương, viêm khớp và đau nhức xương xảy ra thường xuyên.
  • Rối loạn hệ tim mạch bao gồm: Tình trạng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng ở phần phụ cũng có thể xuất hiện.
Suy tuyến sinh dục nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 3
Suy tuyến sinh dục nữ có thể kéo theo tình trạng viêm khớp và đau nhức xương

Triệu chứng rối loạn tình dục và sinh sản

  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Giảm tiết dịch nhầy âm đạo, làm khô âm đạo và gây đau đớn, gây mất hứng thú khi quan hệ.
  • Rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt, không rụng trứng, giảm hoặc mất khả năng có thai.

Phương pháp điều trị suy tuyến sinh dục nữ

Để chẩn đoán hội chứng suy tuyến sinh dục nữ, việc thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra phụ khoa là cần thiết để đánh giá các tổn thương có thể ảnh hưởng đến khả năng tình dục như: Sự tổn thương của các mô sinh dục, tính đàn hồi của da giảm hoặc sẹo… Các phương pháp điều trị suy tuyến sinh dục nữ bao gồm:

Sử dụng thuốc có chứa Estrogen

  • Sử dụng Estrogen: Hóa liệu pháp Estrogen có thể được sử dụng dưới dạng kem bôi âm đạo, sử dụng thuốc viên hoặc đặt vòng nhằm cải thiện chức năng sinh dục, tăng lưu lượng máu âm đạo, cải thiện độ đàn hồi, tăng cường sự bôi trơn trong quá trình quan hệ.
  • Androgen: Androgen bao gồm kích thích tố nam testosterone giữ vai trò quan trọng trong chức năng sinh dục ở phái nữ. Bổ sung testosterone ngoài da hoặc dùng thuốc uống kết hợp Estrogen là phương pháp hỗ trợ điều trị suy tuyến sinh dục nữ thường được áp dụng. Tuy nhiên người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ như: Rậm lông, mụn trứng cá, tính cách thay đổi… do ảnh hưởng lâu dài của liệu pháp testosterone. Do đó, cần được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh bởi bác sĩ điều trị thường xuyên.

Lưu ý: Các liệu pháp nội tiết không thể giải quyết vấn đề tình dục xuất phát từ những nguyên nhân không liên quan đến hormone.

Suy tuyến sinh dục nữ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 4
Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị suy tuyến sinh dục nữ thích hợp cho từng bệnh nhân

Điều trị không sử dụng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, phương pháp trị liệu hành vi cũng có thể được áp dụng để điều trị suy tuyến sinh dục nữ. Các cặp vợ chồng cần quản lý căng thẳng trong mối quan hệ và tăng cường giao tiếp với đối tác, cởi mở và trung thực để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng tình dục. Từ đó tạo nên sự hòa hợp và cải thiện sức khỏe tình dục.

Bên cạnh đó, hãy tạo thói quen lối sống lành mạnh như: Tránh uống quá nhiều rượu, ngừng hút thuốc lá, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tập thể dục thường xuyên để cải thiện vóc dáng, tăng sức chịu đựng và cải thiện tâm trạng. Việc thực hiện một số động tác tập luyện giúp tăng cường khí huyết ở vùng bụng dưới, đi thẳng mông, nằm ngửa tay chân, khoanh tay ngồi dậy… cũng có thể hỗ trợ trong việc cải thiện chức năng sinh dục.

Suy tuyến sinh dục nữ có thể gây ra nhiều vấn đề như: Giảm ham muốn, khô âm đạo, rối loạn rụng trứng và vô sinh. Do đó, để phòng tránh và điều trị tình trạng này, việc tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia về vấn đề tình dục và mối quan hệ là rất quan trọng. Điều này có thể giúp người bệnh đạt được hiểu biết tốt hơn về bản sắc tính dục, thái độ và niềm tin, cũng như phong cách đối phó và sức khỏe tình cảm tổng thể.

Trên đây là những thông tin cơ bản về hội chứng suy tuyến sinh dục nữ. Khi nhận thấy cơ thể có các triệu chứng kể trên các chị em cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán, kết luận và có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời, bạn có thể chủ động bổ sung Estrogen cho cơ thể nhằm duy trì lượng hormone này ở mức ổn định, hỗ trợ phòng bệnh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin