Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tắc tia sữa có bị sốt rét không? Cách xử lý và phòng ngừa

Ngày 28/08/2024
Kích thước chữ

Tắc tia sữa là tình trạng khá phổ biến và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Vậy tắc tia sữa có bị sốt rét không và cần làm gì để xử lý hiệu quả tình trạng này?

Tắc tia sữa là nỗi ám ảnh của các mẹ bỉm đang cho con bú bởi tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Nhiều mẹ còn băn khoăn không biết tắc tia sữa có bị sốt rét không và cách xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết chia sẻ dưới đây nhé!

Tắc tia sữa là gì? Tắc tia sữa có bị sốt rét không?

Tắc tia sữa là hiện tượng sữa mẹ bị ứ đọng trong ống dẫn sữa tại bầu ngực, khiến cho sữa không thể chảy ra ngoài, gây khó khăn cho việc cho con bú và hút sữa tích trữ. Tình trạng tắc tia sữa thường xảy ra sau sinh hoặc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt giai đoạn mẹ cho con bú.

Vậy tắc tia sữa có bị sốt rét không? Khi bị tắc tia sữa, bầu ngực mẹ sẽ trở nên căng tức do các mạch máu giãn nở, tăng cường lưu lượng máu đến bầu ngực. Hiện tượng tắc tia sữa có thể gây ra phản ứng viêm tại chỗ và làm tăng nhiệt độ cơ thể.

Tắc tia sữa có bị sốt rét không? Cách xử lý và phòng ngừa 1
Hiện tượng tắc tia sữa có thể gây ra phản ứng viêm tại chỗ và gây sốt

Ban đầu, nhiệt độ có thể chỉ tăng đến 37 độ C, nhưng nếu tình trạng tắc sữa kéo dài mà không được điều trị đúng cách sẽ khiến nhiệt độ tiếp tục tăng cao, thậm chí lên đến 38 độ C hoặc hơn. Tình trạng tắc sữa kèm theo sốt rét có thể xảy ra ngay từ những ngày đầu sau sinh khi mẹ bị cương sữa sinh lý.

Mẹ bị tắc tia sữa có nguy hiểm không?

Trong thực tế, tắc tia sữa kèm sốt là một hiện tượng phổ biến và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, mẹ không nên chủ quan và bỏ qua việc điều trị vì nếu bị tắc tia sữa kéo dài có thể gây ra đau đớn, mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Thêm vào đó, nếu không được điều trị đúng cách thì tình trạng sốt rét khi bị tắc tia sữa có thể dẫn đến nguy cơ viêm tuyến vú hoặc áp xe vú.

Trong khoảng 2 – 3 ngày đầu khi bị tắc tia sữa kèm sốt, mẹ có thể sử dụng các phương pháp hạ sốt tự nhiên như chườm nóng hoặc uống nhiều nước.

Trường hợp nếu mẹ bị sốt cao và kéo dài, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp. Không nên lạm dụng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Tuy nhiên, nếu sau khi sử dụng thuốc mà tình trạng sốt vẫn không thuyên giảm, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và can thiệp kịp thời.

Bị tắc tia sữa kèm sốt phải làm sao?

Tắc tia sữa có bị sốt rét không và làm thế nào khi bị sốt? Khi bị tắc tia sữa kèm theo triệu chứng sốt, mẹ cần hạ sốt trước khi thực hiện các biện pháp xử lý tình trạng tắc tia sữa. Cụ thể như sau:

Hạ sốt do tắc tia sữa

Tình trạng sốt rét kéo dài không chỉ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé. Do đó, mẹ cần ưu tiên các phương pháp hạ sốt. Đối với những trường hợp bị sốt dưới 38 độ C, mẹ có thể chườm ấm và uống nước điện giải để hạ nhiệt. Nếu cách này không hiệu quả, mẹ có thể cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt.

Tắc tia sữa có bị sốt rét không? Cách xử lý và phòng ngừa 4
Cần ưu tiên các biện pháp hạ sốt khi bị tắc sữa đi kèm sốt

Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn những loại ít bài tiết qua sữa vì sẽ có một số loại thuốc gây tác dụng phụ cho mẹ và bé qua sữa mẹ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến sữa và sức khỏe của bé.

Chườm nóng và massage bầu ngực

Chườm nóng và massage nhẹ nhàng bầu ngực cũng là biện pháp hiệu quả để làm tan cục sữa đông và thông dòng sữa. Mẹ có thể dùng khăn ấm hoặc chai nước ấm đặt lên vị trí cục cứng để giúp cục sữa tan nhanh hơn.

Sau khi chườm ấm, mẹ dùng một tay đỡ bầu ngực, tay còn lại nhẹ nhàng massage quanh cục cứng để tan cục sữa đông mà không làm ngực bị chảy xệ.

Cho bé bú thường xuyên

Việc cho bé bú trực tiếp và thường xuyên qua đầu vú sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng tắc tia sữa một cách nhanh chóng và hiệu quả. Khi bé bú mẹ, các dây thần kinh ở đầu vú sẽ kích thích não bộ sản sinh nhiều hormone prolactin và oxytocin - hai hormone quan trọng trong quá trình sản xuất và tiết sữa. Từ đó sẽ giúp thông tắc tia sữa hiệu quả hơn.

Hút sữa đều đặn

Ngoài việc cho bé bú sữa thường xuyên, mẹ cũng nên hút sữa đều đặn để giảm tắc tia sữa. Sau khi bé bú no, mẹ nên sử dụng máy hút sữa để hút hết lượng sữa còn dư, tránh tình trạng sữa ứ đọng làm tắc nghẽn ống dẫn sữa. Đồng thời, điều này còn hỗ trợ kích thích sản xuất sữa mới.

Tắc tia sữa có bị sốt rét không? Cách xử lý và phòng ngừa 3
Mẹ bầu nên cho bé bú và hút sữa thường xuyên để giảm nguy cơ bị tắc tia sữa

Vệ sinh sạch sẽ núm vú và bầu ngực

Mẹ cần sử dụng khăn bông mềm và nước ấm để làm sạch núm vú sau khi cho bé bú, ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm. Mẹ cũng nên tránh dùng sữa tắm hoặc xà phòng trực tiếp lên vùng ngực để giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Cần làm gì để tránh bị tắc tia sữa?

Để chủ động hơn trong việc ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa và các biến chứng nguy hiểm, mẹ cần lưu ý những điểm sau:

  • Thường xuyên massage bầu ngực sau khi sinh để giúp ngăn ngừa tắc tia sữa và kích thích sản xuất sữa hiệu quả.
  • Đảm bảo cho bé bú thường xuyên và hợp lý, tránh để quá nhiều thời gian giữa các cữ bú.
  • Hút sữa đều đặn sau khi bé bú no để ngăn chặn tình trạng sữa dư thừa bị ứ đọng trong bầu ngực.
  • Sử dụng khăn bông mềm và nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ đầu núm vú, giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn khi bé bú.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần lạc quan cũng sẽ góp phần giúp phòng ngừa tắc tia sữa và trầm cảm sau sinh hiệu quả.

Hy vọng những thông tin trên giúp mẹ giải đáp được cho thắc mắc tắc tia sữa có bị sốt rét không. Đồng thời hiểu rõ hơn về cách xử lý tình trạng tắc tia sữa kèm sốt và biết cách bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn đặc biệt này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin