Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu và cách xử lý

Ngày 27/08/2024
Kích thước chữ

Tắc tia sữa nặn ra máu là hiện tượng khiến nhiều bà mẹ bỉm sữa lo ngại, nhất là trong những tuần đầu sau sinh. Khi gặp phải tình trạng này, không ít mẹ bối rối vì không biết nguyên nhân do đâu và cách xử lý như thế nào. Hiểu đúng về tắc tia sữa có lẫn máu sẽ giúp mẹ phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Tắc tia sữa nặn ra máu là một vấn đề khiến nhiều bà mẹ sau sinh lo lắng và bối rối. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn và khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý kịp thời khi tắc tia sữa có lẫn máu là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo quá trình nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra thuận lợi và an toàn. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng tắc tia sữa trong bài dưới đây.

Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa nặn ra máu còn được gọi là tắc tuyến sữa hay tắc ống dẫn sữa là tình trạng khi sữa mẹ bị ứ đọng trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không thể thoát ra ngoài, gây khó khăn trong việc cho con bú và gây đau đớn cho người mẹ. Tình trạng này thường xảy ra trong khoảng 6 - 8 tuần sau sinh hoặc có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Sữa mẹ được sản xuất từ các nang sữa và theo các ống dẫn sữa chảy về xoang chứa sữa nằm phía sau quầng vú. Khi trẻ bú, tác động từ việc bú mút sẽ kích thích sữa chảy ra ngoài. Tuy nhiên, khi lòng ống dẫn sữa bị hẹp hoặc tắc, sữa không thể chảy ra, dẫn đến việc sữa bị vón cục do đông kết. Trong khi đó, sữa mới vẫn tiếp tục được sản xuất, gây ra áp lực và làm cho tình trạng tắc sữa trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo máu.

Nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu và cách xử lý 1
Tắc tia sữa nặn ra máu còn được gọi là tắc tuyến sữa

Nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu sau sinh

Khi bị tắc tia sữa, nhiều mẹ thường cố gắng nặn và bóp mạnh để ép sữa ra cho bé bú. Tuy nhiên, hành động này có thể gây tổn thương cho bầu ngực, dẫn đến việc sữa mẹ có lẫn máu khi nặn. Dưới đây là một số nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu cụ thể:

Nứt hoặc tổn thương núm vú

Một nguyên nhân phổ biến khiến sữa mẹ có lẫn máu là do tổn thương ở núm vú khi mẹ nặn hoặc bóp quá mạnh để kích thích tiết sữa. Tình trạng này thường xảy ra trong vài ngày đầu sau sinh, khi bé chưa bú đúng tư thế hoặc khi mẹ bị tắc ống dẫn sữa khiến sữa không về nhiều.

Để tránh làm tổn thương núm vú hoặc gây ra vết thương hở, các mẹ nên nặn bóp nhẹ nhàng. Sử dụng máy hút sữa cũng là một biện pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ này.

Nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu và cách xử lý 3
Tình trạng tổn thương núm vú thường xảy ra trong vài ngày đầu sau sinh

Hội chứng căng phù mạch máu

Trong vài tuần đầu sau sinh, sữa thường về nhanh và nhiều. Dưới sự điều tiết của hormone, mạch máu trong bầu vú bị kích thích, làm tăng lưu lượng máu đến và thúc đẩy quá trình tạo sữa. Lúc này, các ống dẫn sữa cũng căng ra.

Đặc biệt, khi mẹ bị tắc tia sữa, áp lực trong bầu vú có thể khiến mạch máu bị vỡ, dẫn đến việc một chút máu rỉ vào ống dẫn sữa, làm sữa mẹ có lẫn một ít máu.

Vỡ, tổn thương mao mạch

Khi bị tắc tia sữa, nhiều mẹ thường nặn, bóp mạnh hoặc sử dụng các phương pháp như hút sữa, chườm nóng lên bầu ngực. Những hành động này dễ làm tổn thương các mao mạch ở vú, khiến máu rỉ ra và lẫn vào sữa trong ống dẫn. Áp lực quá lớn có thể làm nứt, vỡ mao mạch và mạch máu, dẫn đến tình trạng tắc tia sữa nặn ra máu.

Viêm tại bầu vú

Tắc tia sữa có thể dẫn đến viêm vú, khi sữa bị tắc và ứ đọng lâu ngày, dẫn đến nhiễm trùng ống dẫn sữa, tuyến sữa và thùy trong bầu vú. Viêm vú thường đi kèm với các triệu chứng như đau, sưng, bầu vú bị đỏ, bầm tím và cảm giác nóng rát. Đây cũng là những biểu hiện phổ biến khi mẹ bị tắc tia sữa.

nguyen-nhan-tac-tia-sua-nan-ra-mau-va-cach-xu-ly-3.jpg
Tắc tia sữa có thể dẫn đến viêm vú

Papilloma (u nhú) tại mô vú

Papilloma, hay còn gọi là u nhú, là những khối u nhỏ giống mụn cơm xuất hiện trong ống dẫn sữa. Tình trạng này đôi khi gây đau đớn và có thể dẫn đến chảy máu trong bầu vú. Khi mẹ tác động lực mạnh bằng cách nặn, massage, hoặc hút sữa để kích thích thông tia sữa, máu có thể lẫn vào sữa mẹ.

Tắc tia sữa nặn có lẫn máu do ung thư vú

Ở những sản phụ mắc ung thư vú, tình trạng chảy máu trong ống dẫn sữa có thể xảy ra, thậm chí ngay cả khi không bị tắc tia sữa. Vì vậy, trong những trường hợp này, mẹ cần đến khám và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng lâu dài.

Cách xử lý khi tia sữa nặn ra kèm máu

Tắc tia sữa kèm chảy máu có thể là dấu hiệu của những tình trạng nghiêm trọng. Dưới đây là một số điều mẹ cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho bé và nhanh chóng cải thiện tình trạng tắc sữa kèm máu:

  • Kiểm tra đầu ti để xem có dấu hiệu nhiễm trùng không. Nếu có, mẹ nên ngừng cho bé bú ngay vì vi khuẩn từ đầu ti có thể xâm nhập vào cơ thể bé và gây hại cho sức khỏe của bé. Mẹ cần điều trị nhiễm trùng trước khi tiếp tục cho bé bú.
  • Kiểm tra và điều chỉnh phương pháp hút sữa. Hút sữa không đúng cách có thể là nguyên nhân khiến tắc tia sữa nặn ra máu, nên mẹ cần điều chỉnh để tránh tình trạng này.
  • Nếu bé đã bú sữa có lẫn máu, mẹ cần theo dõi xem bé có dấu hiệu bất thường như nôn mửa, quấy khóc trong hoặc sau khi bú không. Nếu có, mẹ nên tạm dừng cho bé bú và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Quan trọng nhất, nếu tình trạng tắc sữa kèm máu kéo dài mà không có dấu hiệu cải thiện sau vài ngày, hoặc nếu mẹ có các triệu chứng như cúm, sốt, đỏ và đau nhức vú, mẹ có thể đã bị viêm vú. Trong trường hợp này, mẹ nên đến bệnh viện uy tín ngay để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân tắc tia sữa nặn ra máu và cách xử lý 4
Mẹ cần theo dõi các triệu chứng bất thường ở bé

Việc đối mặt với tình trạng tắc tia sữa nặn ra máu có thể gây lo lắng cho các bà mẹ, nhưng với sự hiểu biết đúng đắn và các biện pháp xử lý phù hợp, tình trạng này hoàn toàn có thể được khắc phục. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn từ các bác sĩ, nhân viên y tế khi cần thiết để đảm bảo rằng mẹ và bé luôn được chăm sóc tốt nhất trong suốt hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Xem thêm: 

Tắc tia sữa có mủ nguy hiểm như thế nào? 

Cách thông tắc tia sữa cho mẹ mới sinh hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin