Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu? Cách xử trí hiệu quả có thể áp dụng tại nhà

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ

Táo bón là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, khi hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu có thể khiến cha mẹ băn khoăn về nguyên nhân hay cách xử trí. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng táo bón ở trẻ nhé!

Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu nguyên nhân do đâu? Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, có thể do dị tật phình đại tràng bẩm sinh, do thói quen nhịn đại tiện lâu của trẻ hoặc nguy hiểm hơn là do lồng ruột. Trong trường hợp này, cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân phối hợp xử trí đúng cách, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Giải thích tình trạng trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu

Táo bón là một tình trạng khi trẻ gặp khó khăn trong việc đi tiêu, thường gặp khi trẻ đi ngoài ít hơn ba lần mỗi tuần với phân cứng hoặc khô. Trẻ có thể gặp phải hiện tượng đi ngoài kèm với máu màu đen hoặc đỏ tươi, thậm chí đàm nhớt, mùi hôi bất thường khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu? Cách xử trí hiệu quả có thể áp dụng tại nhà 1
Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu khiến nhiều cha mẹ lo lắng

Nguyên nhân chính khiến trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu có thể bao gồm:

  • Dị tật: Trẻ có thể bị các dị tật như hẹp đại tràng, phình đại tràng bẩm sinh… Trong trường hợp này, trẻ sẽ bị táo bón trong khoảng một tuần sau khi chào đời.
  • Lồng ruột: Lồng ruột là tình trạng bệnh lý nguy hiểm cần xử lý gấp ở trẻ. Trẻ sẽ biểu hiện táo bón, đi ngoài ra máu kèm những cơn đau bụng dữ dội, buồn nôn hay nôn mửa. Lúc này, cần đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện tháo lồng, tránh ảnh hưởng tới toàn trạng của trẻ.
  • Viêm nhiễm đường ruột: Trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu thường xuyên có thể do viêm đường ruột. Trẻ chưa có hệ tiêu hóa hoàn thiện nên dễ bị viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện với triệu chứng táo bón, ra máu nâu đỏ hoặc dịch nhớt khi đi ngoài.
  • Thói quen nhịn đại tiểu tiện: Nếu trẻ không được hướng dẫn đi ngoài đúng cách có thể hình thành thói quen nhịn đi nặng. Đồng thời, đi đại tiện ít khiến trẻ phải rặn nhiều. Điều này càng làm trẻ sợ đi đại tiện và nhịn không đi vệ sinh. Tình trạng kéo dài dẫn tới phân trong lòng ruột cứng, khô lại, ứ đọng thành kích thước lớn. Tới khi bé không thể nhịn được mà bắt buộc đi vệ sinh, chất thải cứng, khô dễ làm tổn thương niêm mạc hậu môn trẻ gây khó đi nặng, đồng thời đau và ra máu khi vệ sinh.
Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu? Cách xử trí hiệu quả có thể áp dụng tại nhà 2
Lồng ruột là tình trạng nguy hiểm cần được xử trí gấp

Biến chứng khi trẻ bị táo bón lâu ngày

Trẻ bị táo bón kéo dài có thể gặp phải một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp mà phụ huynh cần lưu ý, bao gồm:

  • Nứt kẽ hậu môn: Táo bón kéo dài có thể gây ra căng giãn, tổn thương và tạo vết rách nhỏ trong vùng hậu môn. Điều này dẫn đến việc xuất hiện nứt kẽ hậu môn, gây đau, khó chịu khi đi đại tiện, đồng thời trẻ táo bón đi ngoài ra máu.
  • Trĩ: Táo bón kéo dài, kết hợp với lực rặn mạnh trong quá trình đi ngoài có thể gây ra sự chèn ép, sưng phù các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Điều này dẫn đến việc xuất hiện trĩ, một tình trạng khi tĩnh mạch quanh hậu môn, trực tràng bị giãn quá mức, trong thời gian dài gây sưng phù tạo các búi trĩ tại các vị trí trong hoặc bên ngoài hậu môn, thậm chí hình thành sâu bên trong thành trực tràng. Điều này gây khó khăn khi đi đại tiện, khiến tình trạng táo bón nặng hơn, búi trĩ có thể chảy máu khi trẻ rặn mạnh.
  • Viêm ống hậu môn trực tràng: Táo bón kéo dài có thể gây ra viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc vùng hậu môn, trực tràng. Trẻ thường có biểu hiện đặc trưng như mót rặn thường xuyên nhưng lại không thể đại tiện được.
  • Tắc ruột: Trong trường hợp phân bị ứ đọng trong lòng trực tràng lâu ngày sẽ tạo thành khối phân cứng, chắc. “U phân” sẽ gây rối loạn nhu động ruột, bít tắc lòng ruột dẫn tới tình trạng tắc ruột hay bán tắc ở trẻ nhỏ. Bé thường xuất hiện triệu chứng như đau bụng từng cơn, tăng dần, liên tục, bụng chướng căng, không thể trung đại tiện, nôn mửa nhiều... Bên cạnh đó, có thể sờ thấy khối rắn chắc ở góc đại tràng trái của trẻ chính là khối phân. Đây là trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần xử trí gấp để xử lý khối tắc.
Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu? Cách xử trí hiệu quả có thể áp dụng tại nhà 3
Trẻ có nguy cơ bị trĩ nếu táo bón lâu ngày

Xử trí khi trẻ bị táo bón kèm đi ngoài ra máu

Khi trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu, việc xử trí cần được thực hiện một cách cẩn thận, tốt nhất là theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi để điều trị dứt điểm chứng táo bón hoặc đi ngoài phân máu, cần tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời quan sát máu trong phân để đánh giá mức độ và tình trạng của trẻ.

Bởi vậy, bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm sẽ đưa ra đánh giá, chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ, đồng thời đề xuất phương pháp xử trí phù hợp, tránh ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của bé.

Trong khi đó, cha mẹ có thể chăm sóc cho trẻ để ngăn ngừa bệnh tiến triển cũng như hạn chế tối đa biến chứng táo bón, đồng thời giúp trẻ dễ chịu hơn. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bao gồm:

  • Đảm bảo đủ lượng nước uống: Nước giúp làm mềm phân cũng như giảm cảm giác đau khi đi ngoài. Hãy đảm bảo trẻ uống đủ nước, nếu trẻ không muốn uống nước lọc có thể thay bằng các loại nước trái cây tự nhiên giàu chất xơ để tăng cường chất lỏng trong ruột.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống giàu chất xơ có thể giúp điều tiết tiêu hóa, giảm táo bón. Xây dựng cho trẻ một thực đơn với nhiều loại rau xanh, hoa quả và các nguồn thực phẩm giàu chất xơ khác. Tránh các thực phẩm gây táo bón như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hoặc các loại thực phẩm nhiều đường.
  • Vệ sinh: Khi cha mẹ thấy con ra máu vùng hậu môn, cần vệ sinh sạch sẽ sau khi con đi ngoài xong. Có thể dùng nước muối loãng, dung dịch sát trùng nhẹ để rửa sạch vết thương nếu bé có hiện tượng nứt kẽ hậu môn. Tiếp theo, dùng thuốc mỡ bôi quanh vùng hậu môn để giảm đau, giúp trẻ dễ chịu hơn và lành vết thương nhanh hơn.
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng: Trong một số trường hợp, để trẻ có thể đào thải hết lượng phân rắn, bác sĩ có thể kê thuốc nhuận tràng, thường dưới dạng thụt hậu môn cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không được tự ý sử dụng thuốc mà cần có chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Vì nếu sử dụng sai cách có thể khiến tình trạng của trẻ nặng hơn.
Tại sao trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu? Cách xử trí hiệu quả có thể áp dụng tại nhà
Cần đảm bảo cung cấp đủ nước uống cho trẻ mỗi ngày

Thông qua bài viết, mong rằng quý độc giả đã có thêm thông tin về nguyên nhân gây nên hiện tượng trẻ bị táo bón đi ngoài ra máu cũng như cách xử trí phù hợp. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết với nhiều chủ đề đa dạng, hấp dẫn của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin