Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cải thiện mạch vành cấp tính không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả điều trị mà còn dựa vào quá trình phục hồi của bệnh nhân thông qua việc hoạt động thể chất sau khi đã ổn định. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về tầm quan trọng của hoạt động thể chất trong việc hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch sau hội chứng bệnh mạch vành cấp. Mời bạn cùng theo dõi bài viết ngay nhé!
Mạch vành là loại bệnh tim mạch thuộc top đầu gây tử vong trên toàn cầu, xuất hiện phổ biến ở người lớn. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do suy mạch vành đang ở mức khá cao, chiếm từ 11% đến 36% và đang có dấu hiệu tăng dần mỗi năm. Vậy làm sao để cải thiện mạch vành cấp tính?
Bệnh mạch vành hay còn gọi suy mạch vành, là tình trạng mà các động mạch chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa, gây giảm lưu lượng máu đến tim. Bệnh này thường có hai dạng chính là hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn.
Những dấu hiệu phổ biến nhất trong bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức. Người bệnh thường cảm thấy nặng nề, thắt nghẹn, nghẹt ở phần ngực, thường là bên trái hoặc phía sau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh gắng sức, đi bộ trên địa hình dốc, gặp căng thẳng hoặc stress. Cơn đau kéo dài trong vài phút (từ 3 đến 5 phút), thường không quá 15 phút và hiếm khi chỉ kéo dài trong vài giây. Cơn đau thường lan ra cổ, hàm, vai hoặc cánh tay trái và đặc biệt là giảm nhẹ khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc nitrate.
Nếu cơn đau kéo dài hơn 15 phút, xuất hiện khi người bệnh đang nghỉ ngơi thì có thể đây là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim cấp và cần phải đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị tích cực. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu khác có thể gợi ý đến suy mạch vành như khó thở, hụt hơi, cảm giác chóng mặt, tim đập không đều, cảm giác gần ngất,...
Hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện mạch vành cấp tính. Nghiên cứu đã cho thấy việc duy trì hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cơ thể, mà còn làm tăng cường năng lượng và cải thiện tâm trạng của người bệnh. Hơn nữa, hoạt động thể chất còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch trong tương lai, hỗ trợ quá trình phòng ngừa và hồi phục sau khi trải qua hội chứng mạch vành cấp tính.
Chương trình phục hồi chức năng tim là phương pháp điều trị và phục hồi sau khi trải qua hội chứng mạch vành cấp tính. Các chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân xây dựng một kế hoạch hoạt động thể chất được cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng người. Trong quá trình tham gia chương trình, các chuyên gia y tế sẽ theo dõi nhịp tim của bệnh nhân khi họ tập luyện, cũng như cung cấp các dịch vụ giáo dục và tư vấn để giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng và rủi ro về tim mạch trong tương lai.
Quy trình tập luyện để cải thiện mạch vành cấp tính được thiết kế để tối ưu hóa quá trình phục hồi và nâng cao sức khỏe tim mạch. Trong khoảng 5 đến 15 phút đầu buổi tập, bệnh nhân sẽ thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, giãn cơ, giúp cơ thể làm quen và chuẩn bị cho những hoạt động phía sau.
Sau khi hoàn thành phần khởi động, bệnh nhân sẽ tiến hành các hoạt động aerobic như đi bộ nhanh hoặc thực hiện các bài tập thể dục nhẹ trong ít nhất 20 phút. Những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn tăng cường sức mạnh và tính dẻo dai, linh hoạt cho cơ thể.
Một phần quan trọng khác trong quy trình tập luyện là rèn luyện sức đề kháng thông qua các bài tập như nâng tạ nhẹ. Điều này giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp mà không gây quá nhiều áp lực cho tim. Những bài tập này cũng hỗ trợ bệnh nhân tăng cường sức mạnh và khả năng chịu đựng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi tổng thể của cơ thể sau khi trải qua hội chứng mạch vành cấp tính.
Hoạt động thể chất để cải thiện mạch vành cấp tính không chỉ là một phần của quá trình điều trị, mà đây còn là một yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người bệnh. Chương trình phục hồi chức năng tim là một phương pháp hiệu quả giúp bệnh nhân tham gia hoạt động thể chất và tăng cường sức khỏe tim mạch một cách an toàn. Để đạt được điều này, sự hợp tác chặt chẽ với đội ngũ y tế là rất quan trọng, nhằm đảm bảo rằng mọi hoạt động thể chất đều phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân.
Xem thêm: Bệnh tim thoái hóa dạng bột: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị