Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm như thế nào?

Ngày 29/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thống kê năm 2017, tỷ lệ tăng huyết áp đã chiếm đến 25% ở người trưởng thành Việt Nam. Và tỷ lệ này đang có tốc độ tăng cao, báo động đỏ cần được chú tâm. Trong đó, tăng huyết áp vô căn chiếm 90% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp.

Bệnh tăng huyết áp đã được thật sự quan tâm kể từ lâu với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ XX”. Bởi căn bệnh không có triệu chứng, dấu hiệu đặc biệt cho đến khi đã có biến chứng trên lâm sàng, thậm chí còn gây nên tử vong.

Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm bởi dẫn tới những hậu quả tổn thương cơ quan như: Suy tim, là nguyên nhân của nhồi máu cơ tim, suy thận, mù mắt,... Với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế hoặc tử vong lên tới ⅓ trường hợp trong vòng 10 năm tới.

Tìm hiểu chung về tăng huyết áp vô căn

Theo Hội tim mạch học Quốc gia Việt Nam thì bệnh tăng huyết áp được chẩn đoán khi giá trị huyết áp ≥ 140 mmHg đối với huyết áp tâm thu hoặc ≥ 90 mmHg đối với huyết áp tâm trương.

Dựa vào nguyên nhân chia bệnh tăng huyết áp thành 2 loại:

  • Tăng huyết áp vô căn (tăng huyết áp nguyên phát): Là trường hợp chỉ số huyết áp tăng cao và không rõ nguyên nhân hay không thể xác định được nguyên nhân. 90% bệnh nhân tăng huyết áp ở thể này đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Tăng huyết áp thứ phát: Đây là trường hợp xác định được nguyên nhân tăng huyết áp. Chỉ có chưa đến 10% bệnh nhân tăng huyết áp ở thể này.
Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm như thế nào? - 1
Bệnh nhân tăng huyết áp vô căn đa số là người cao tuổi

Đối với 2 thể tăng huyết áp khác nhau thì phương hướng điều trị cũng sẽ khác nhau. Tăng huyết áp vô căn sẽ khó để điều trị hơn vì tăng huyết áp thứ phát chỉ cần hạn chế hoặc điều trị tác nhân gây ra bệnh sẽ kiểm soát được huyết áp. 

Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm như thế nào?

Tăng huyết áp là căn bệnh thầm lặng, không có triệu chứng cụ thể, đặc trưng như các bệnh khác. Nhưng hậu quả để lại vô cùng nguy hiểm. Khi tăng huyết áp có dấu hiệu trực tiếp trên lâm sàng thì đó là các biến chứng nặng nề như:

  • Trên tim mạch: Đây là nhóm biến chứng cực kỳ nguy hiểm và rất đáng được lưu ý. Tăng huyết áp dẫn tới bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...
  • Tai biến mạch máu não: Gồm các biến chứng như nhồi máu não, xuất huyết não,... Tỷ lệ tử vong ở biến chứng này cực kỳ cao và di chứng sau khi biến chứng này xảy ra cũng rất tệ.
  • Ảnh hưởng đến thị lực: Hẹp các tiểu động mạch tại mắt dẫn đến xuất huyết, phù gai làm giảm thị lực, tệ hơn là dẫn đến mù lòa.
Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm như thế nào? - 2
Đột quỵ là biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Biện pháp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp

Có những biện pháp thường xuyên được khuyến cáo cho bệnh nhân bị tăng huyết áp vô căn như:

Xây dựng lối sống tích cực

Hiện nay, việc xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh ít được các bạn trẻ để tâm. Đây chính là lý do dẫn tới tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch ngày càng cao. Với những người có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp vô căn thì việc đầu tiên để giảm thiểu khả năng mắc bệnh là thay đổi lối sống giúp giảm cao huyết áp. Bạn cần thực hiện bao gồm những thói quen sau:

  • Giảm cân, kiểm soát cân nặng ở mức tiêu chuẩn phù hợp với chiều cao và hình dáng của bản thân. Cân nặng là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tới chỉ số huyết áp của bệnh nhân.
  • Phối hợp với việc giảm cân là rèn luyện thể lực thường xuyên. Tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân để nâng cao thể lực, phòng ngừa được nhiều bệnh tim mạch và sở hữu một tinh thần thoải mái cũng là một cách để phòng tránh bệnh tật.
  • Hạn chế các thực phẩm gây tăng huyết áp: Loại bỏ thói quen ăn mặn, ăn nhiều muối, mắm, nhiều gia vị. Thành lập thói quen ăn nhiều chất xơ từ rau củ quả, bổ sung trái cây hàng ngày. Thói quen này giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể góp phần bảo vệ tim mạch của bạn.
Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm như thế nào? - 3
Tập thể dục để phòng ngừa bệnh tim mạch

Điều trị bằng thuốc

Sau khi thay đổi lối sống từ 3-6 tháng, không có dấu hiệu bệnh được cải thiện thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn để điều trị tăng huyết áp vô căn. Nhờ các thuốc hạ huyết áp để đưa giá trị huyết áp trở về bình thường. Các thuốc dùng trong điều trị huyết áp thường là:

  • Thuốc ức chế men chuyển;
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II;
  • Thuốc chẹn kênh Canxi;
  • Thuốc lợi tiểu.

Tùy theo tình trạng bệnh của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra một đơn thuốc phù hợp. Mặc dù đã sử dụng thuốc điều trị nhưng vẫn cần bạn giữ một lối sống lành mạnh để cải thiện được tình trạng tăng huyết áp vô căn của bản thân.

Trong điều trị huyết áp vô căn, mục tiêu là đưa giá trị huyết áp về mức bình thường để ngăn ngừa các biến chứng mà bệnh gây ra. Người mắc bệnh cần tự kiểm soát huyết áp nhờ các máy đo huyết áp tự động tại nhà. Bệnh sẽ được cải thiện nếu bạn giữ một lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn về tình trạng tăng huyết áp vô căn. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho bạn trong việc phòng ngừa bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân và cho cả gia đình. Cùng theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất nhé!

Kim Huệ

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm