Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tụt huyết áp sau khi ăn do đâu? Làm sao phòng ngừa?

Ngày 03/07/2024
Kích thước chữ

Đôi lúc bạn có thể gặp tình trạng chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng lên sau khi kết thúc bữa ăn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ huyết áp của bạn bị giảm đi. Nếu tình trạng này chỉ xảy ra thỉnh thoảng, thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tụt huyết áp sau khi ăn diễn ra thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được quan tâm và điều trị càng sớm càng tốt.

Một số tác nhân khác liên quan đến tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn đã được chứng minh bao gồm: Yếu tố di truyền, tổn thương mạch máu do giảm tính đàn hồi, hoặc bệnh lý xơ cứng mạch máu ở người già.

Nguyên nhân tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn

Tiêu hóa thức ăn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa hệ thống tiêu hóa, thần kinh và tuần hoàn. Sau khi ăn, ruột non và dạ dày phải hoạt động tích cực hơn để tiêu hóa thức ăn. Để tối ưu hóa quá trình hấp thu dinh dưỡng, một lượng máu lớn sẽ được chuyển đến các cơ quan này. Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều cơ quan khác trong cơ thể thiếu máu, oxy và dưỡng chất, đặc biệt là các cơ quan ở vị trí cao như não bộ. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, tim sẽ đập nhanh hơn, và các mạch máu xa tim như: Động mạch ở chân, tay cũng phải co lại để duy trì huyết áp ổn định.

Tụt huyết áp sau khi ăn do đâu? Làm sao phòng ngừa? - 1
Nhịp tim chậm có thể là nguyên nhân gây ra hạ huyết áp tư thế đứng

Ở một số người, hoạt động co bóp của tim và mạch máu không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết, dẫn đến lượng máu tới não bị thiếu hụt, gây ra tình trạng tụt huyết áp với các dấu hiệu như: Hoa mắt, chóng mặt, đầu lâng lâng, ngất xỉu. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể kèm theo đau thắt ngực, nhìn mờ, buồn nôn và nôn mửa.

Một nguyên nhân phổ biến khác gây tụt huyết áp sau khi ăn là do các tế bào cảm nhận huyết áp trong lòng mạch máu hoạt động kém hiệu quả, làm giảm khả năng nhận biết và dẫn truyền tín hiệu về huyết áp tới não bộ.

Nhóm người dễ bị hạ huyết áp sau khi ăn

Người cao tuổi

Nguy cơ hạ huyết áp sau khi ăn thường cao hơn ở người cao tuổi. Cơ thể lão hóa và suy giảm, không thể điều chỉnh huyết áp một cách hiệu quả như khi còn trẻ. Các nghiên cứu cho thấy tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng cơ thể phản ứng với biến đổi về huyết áp cấp tính.

Người có rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết

Do quá trình tiêu hóa phụ thuộc vào sự phối hợp giữa hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa, người mắc các rối loạn hệ thần kinh như: Bệnh Parkinson, rối loạn nội tiết như tiểu đường, và các vấn đề về tuần hoàn như thuyên tắc phổi (tắc nghẽn động mạch phổi) đều có nguy cơ cao bị hạ huyết áp sau khi ăn.

Tụt huyết áp sau khi ăn do đâu? Làm sao phòng ngừa? - 2
Người có rối loạn hệ thần kinh sẽ có nguy cơ cao dễ bị hạ huyết áp sau khi ăn

Chẩn đoán tụt huyết áp sau khi ăn

Để chẩn đoán tụt huyết áp sau khi ăn, bác sĩ sẽ tiến hành khảo sát tiền sử bệnh và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Người bệnh nên tự kiểm tra huyết áp tại nhà để cung cấp thông tin cho bác sĩ, đặc biệt là sau khi ăn no. Quá trình đo huyết áp nên bao gồm cả huyết áp tối đa và tối thiểu trong nhiều thời điểm khác nhau sau khi ăn, bắt đầu từ 15 phút đến 2 giờ sau bữa ăn. Hầu hết các trường hợp tụt huyết áp sau khi ăn xuất hiện trong khoảng từ 30 đến 60 phút sau khi ăn.

Bác sĩ có thể nghi ngờ tụt huyết áp sau khi ăn nếu huyết áp tối đa giảm ít nhất 20mmHg trong vòng 2 giờ sau khi ăn so với trước khi ăn, và huyết áp đạt mức ít nhất 100mmHg trước khi ăn và giảm xuống dưới 90mmHg trong 2 giờ sau khi ăn.

Để loại trừ các nguyên nhân khác làm thay đổi huyết áp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Đo điện tâm đồ để phát hiện các rối loạn nhịp tim.
  • Công thức máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu.
  • Xét nghiệm đường máu để đánh giá chức năng nội tiết và các yếu tố liên quan đến tụt huyết áp.
  • Siêu âm tim để đánh giá cấu trúc và chức năng của cơ tim.
Tụt huyết áp sau khi ăn do đâu? Làm sao phòng ngừa? - 3
Xét nghiệm công thức máu để chẩn đoán tình trạng tụt huyết áp sau khi ăn

Tụt huyết áp sau khi ăn có nguy hiểm không?

Biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến tụt huyết áp sau khi ăn là ngất và các vết thương do té ngã sau đó. Người bệnh có thể mất ý thức, dẫn đến nguy cơ gãy xương, bầm tím và các chấn thương khác. Tình trạng này càng nguy hiểm hơn khi xảy ra khi lái xe hoặc vận hành máy móc. Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc giảm cung cấp máu đến não có thể gây ra nhồi máu não.

Có thể thấy tụt huyết áp sau khi ăn thường là một rối loạn tạm thời và có tính chất lành tính. Tuy nhiên không nên chủ quan với tình trạng này, nếu huyết áp giảm quá thấp, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc hoặc suy cơ quan.

Phòng ngừa tụt huyết áp sau khi ăn

Đối với tụt huyết áp sau khi ăn, người bệnh thường được khuyên áp dụng các biện pháp dự phòng, vì chưa có phương pháp đặc trị. Các biện pháp mà bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, điều này giúp tránh việc ăn quá no trong một lần, làm cho dạ dày phải làm việc nặng hơn và cần phải tiết kiệm nhiều máu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao dẫn đến tăng nguy cơ tụt huyết áp. Người bị tụt huyết áp sau khi ăn nên thay 3 bữa chính thành các bữa ăn được chia nhỏ ra trong ngày.
  • Bổ sung khoảng 200ml đến 300ml nước trước khi ăn giúp làm cho người bệnh cảm thấy no nhanh hơn do dạ dày căng hơn. Điều này làm giảm lượng thức ăn đi vào hệ tiêu hóa và giúp quá trình hấp thu dinh dưỡng sau khi ăn diễn ra nhẹ nhàng hơn.
  • Tránh thức ăn giàu carbohydrate như: Cơm, bánh mì, và nước ngọt có ga. Những loại thực phẩm này được tiêu hóa và hấp thu nhanh chóng trong hệ tiêu hóa, tăng nhu cầu năng lượng và do đó làm tăng nguy cơ tụt huyết áp sau khi ăn.
  • Thời điểm dễ gặp tụt huyết áp nhất là từ 30 đến 60 phút sau khi ăn. Việc nghỉ ngơi trong tư thế ngồi hoặc nằm trong khoảng thời gian này có vai trò phòng ngừa tụt huyết áp.
Tụt huyết áp sau khi ăn do đâu? Làm sao phòng ngừa? - 4
Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày là cách đơn giản giúp phòng ngừa tụt huyết áp sau khi ăn

Hy vọng với những thông tin trên của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng sức khỏe tụt huyết áp sau khi ăn. Bạn nên áp dụng các biện pháp dự phòng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu xuất hiện tình trạng này xảy ra thường xuyên.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin