Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu chỉ vì lười vận động

Ngày 15/02/2022
Kích thước chữ

Những thói quen không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu, trong đó có thói quen lười vận động. Nguyên nhân là do cuộc sống bận rộn khiến chúng ta không có thời gian cho việc vận động, rèn luyện sức khỏe.

Tại sao lười vận động lại dẫn đến bệnh sỏi tiết niệu và cách phòng chống ra sao? Bạn có thể tham khảo bài viết sao đây để tìm hiểu vấn đề này.

Lười vận động gây sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là gì?

Tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu chỉ vì lười vận động 1 Lười vận động dẫn đến đau ở vùng thắt lưng, triệu chứng của sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp và hay tái phát, chiếm tỉ lệ khoảng 4% - 12% dân số. Sỏi thận thường gặp nhất (40%), kế tiếp là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Tỉ lệ nam giới mắc sỏi tiết niệu cao hơn ở nữ giới (10.7% so với 7.1%)

Đối với người lớn, độ tuổi lần đầu tiên bị sỏi tiết niệu thường từ 35 – 55 tuổi và có thể tái phát nhiều lần sau đó. 

Sỏi được hình thành do các muối khoáng hòa tan (canxi, oxalat, urat...) trong nước tiểu. Những rối loạn về mặt sinh lý bệnh kết hợp với tình trạng như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, thay đổi pH nước tiểu, dị dạng đường niệu, yếu tố di truyền..., các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh, hình thành một nhân nhỏ, sau đó lớn dần thành sỏi tiết niệu. 

Triệu chứng của bệnh tùy vào vị trí sỏi hình thành. Nhưng nhìn chung, người bệnh sỏi tiết niệu thường có những triệu chứng sau: 

  • Đau ở vùng thắt lưng là phổ biến nhất, có thể âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội, lan ra phía trước, xuống vùng bẹn sinh dục. Đặc biệt khi vận động gắng sức, cơn đau sẽ xuất hiện, kéo dài vài phút, tự hết hoặc phải dùng thuốc hỗ trợ.
  • Tiểu buốt, tiểu ngắt ngừng, tiểu khó, bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu.
  • Có thể bị sốt do nhiễm khuẩn.

Sỏi tiết niệu gây ra nhiều biến chứng nguy hại: Gây phù nề, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, làm viêm đường tiết niệu; Sỏi bị kẹt ở vị trí hẹp gây bí tiểu cấp tính hoặc mạn tính; Chức năng thận bị suy giảm, gây suy thận cấp tính hoặc mạn tính.

Tại sao lười vận động lại gây sỏi tiết niệu?

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng bệnh sỏi tiết niệu, trong đó có thói quen lười vận động, nhất là với đối tượng nhân viên văn phòng. Nhiều người thường ngồi làm việc nhiều hay nằm nhiều mà ít vận động sẽ khiến cho sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém, do đó tốc độ dòng chảy nước tiểu không đủ mạnh để cuốn đi các chất khoáng trong nước tiểu, gây lắng đọng và tạo điều kiện để hình thành sỏi tiết niệu.

Một tác hại khác cũng khá phổ biến do lười vận động là cơ thể kém hấp thu canxi, tạo điều kiện để canxi bài tiết vào nước tiểu nhiều hơn và lắng đọng thành sỏi.

Lười vận động còn là nguyên nhân gây ra nhiều thói quen có hại khác như nhịn tiểu, uống ít nước và béo phì.

Nhịn tiểu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh ở vùng thận – tiết niệu. Đường tiết niệu sẽ chịu áp lực rất lớn khi nước tiểu bị giữ quá lâu trong cơ thể kết hợp đồng thời với các vi khuẩn, chất cặn bã không được đào thải sẽ tích tụ lại và gây nên viêm nhiễm đường tiết niệu. Sau một thời gian, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu.

Do ngại đi tiểu nên nhiều người có thói quen ít uống nước. Trung bình, mỗi ngày chúng ta cần uống từ 2 – 2,5 lít nước để cung cấp nước cho cơ thể. Khi uống không đủ nước, cơ thể không đủ chất lỏng để hòa tan các tạp chất dư thừa ở đường tiết niệu khiến chúng lắng đọng, kết tinh lại gây ra sỏi.

Lười vận động gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Với những người thuộc nhóm thừa cân, béo phì, sự bài tiết các chất tạo sỏi trong nước tiểu như Canxi, Acid uric, phosphat hay Oxalat gia tăng đáng kể. Đặc biệt, người có chỉ số BMI ≥ 25 còn tăng nguy cơ tái phát hình thành sỏi.

Tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu chỉ vì lười vận động 2 Lười vận động, ngồi nhiều khiến sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém

Phòng ngừa sỏi tiết niệu bằng cách nào?

Để hạn chế sự hình thành và phát triển của sỏi tiết niệu bạn cần thay đổi những thói quen có hại, nhất là lười vận động. Nên xây dựng lối sống lành mạnh, quan trọng nhất là phải vận động thường xuyên.

Có nhiều phương cách vận động như tập thể dục mỗi ngày, chơi các môn thể thao, di chuyển liên tục tránh ngồi và nằm nhiều. Tuy nhiên, tập thể dục cần kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động thể lực quá sức.

Bên cạnh vận động cần duy trì chế độ ăn điều độ, duy trì bữa ăn có các loại thịt, cá và rau xanh, tránh ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo chứa nhiều Oxalat hay có hàm lượng muối cao… Đặc biệt phải uống đủ 2 - 2,5 lít nước/ngày. Lưu ý rằng nước tinh khiết, nước lọc hay nước hoa quả tươi mới thực sự tốt cho cơ thể, còn các loại nước ngọt chứa đường, gas, nước hoa quả đóng hộp, bia, rượu thì lại tạo môi trường Acid lớn, dễ kéo Canxi trong cơ thể ra, tạo muối canxi lắng đọng hình thành sỏi thận. Thậm chí, uống nước ngọt  còn có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn.

Cần giữ vệ sinh tốt, tránh nhiễm khuẩn tiết niệu.

Theo dõi sức khỏe thường xuyên cũng là cách để tầm soát nhiều bệnh lý trong đó có bệnh sỏi tiết niệu.

Nếu đã bị sỏi tiết niệu, bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị được. Tốt nhất nên chữa khi sỏi còn nhỏ, tránh để sỏi đã lớn, gây nhiều biến chứng, sẽ khó điều trị, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu bao gồm điều trị nội khoa khi sỏi có kích thước nhỏ < 5mm và chưa gây biến chứng, can thiệp ngoại khoa, mổ mở hoặc mổ nội soi.

Với phương pháp mổ mở hiện đại ngày nay, người bệnh sẽ an toàn, ít gặp rủi ro và ít xâm lấn hơn trước đây. Có thể kể đến phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức, nội soi tán sỏi thận qua da tối thiểu, nội soi niệu quản, tán sỏi ngoài cơ thể.

Tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu chỉ vì lười vận động 3 Tập thể dục hạn chế sự hình thành sỏi tiết niệu

Các dạng bài tập tốt cho thận

Các hình thức hoạt động thể lực, cụ thể là tập thể dục, đều tốt cho sức khỏe. Nhưng để tốt cho chức năng thận, bạn cần luyện các bài tập dành riêng cho thận. Sau đây là vài gợi ý về các bài tập giúp bạn phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến thận.

Chà sát hai vành tai

Xoa bóp vào hai vành tai đến khi nóng lên, tỏa nhiệt trong 20 phút, từ 2-3 lần/ ngày, có tác dụng tăng cường tuần hoàn, lưu thông máu, dưỡng thận khỏe, tăng cường thận.

Bịt hai tai

Dùng tay bịt kín hai tai trong 5 phút, 3 lần/ ngày sẽ giúp thư giãn tinh thần, khắc phục bệnh cao huyết áp, ù tai và đặc biệt là suy giảm chức năng thận.

Massage bụng dưới, thắt lưng

Bài tập này có thể khơi thông khí mạch giúp tăng cường thận.

Thực hiện bằng cách chà sát hai tay cho nóng, xoa nhẹ vùng bụng dưới, chuyển sang xoa bóp hai bên hông và lưng trong 20 phút, 2-3 lần/ngày. 

Sau khi đi đại tiểu tiện, chà sát thắt lưng 36 lần đến khi nóng. 

Massage gan bàn chân 

Xoa bóp gan bàn chân sẽ chạm đến nhiều huyệt vị, trong đó có huyệt Dũng Tuyền liên quan mật thiết đến thận và chức năng đào thải độc tố và khí độc ở thận. 

Xác định chính xác vị trí huyệt Dũng Tuyền, xoa bóp nhẹ điểm huyệt và cả gan bàn chân trong 20-30 phút, 2-3/lần/ngày. 

Ngâm chân

Trước khi đi ngủ, ngâm chân bằng nước ấm có pha muối  khoảng 20 phút, 1 lần/ngày để tăng cường chức năng thận. Vừa ngâm chân vừa xoa bóp nhẹ gan bàn chân để tăng hiệu quả. 

Khiễng chân và đi kiễng chân

Đây là bài tập rất tốt cho tim mạch, phổi, hệ thống thần kinh, lưu thông mạch máu toàn cơ thể và đặc biệt tốt cho chức năng thận, khắc phục thận yếu.

Thực hiện bằng cách nâng nhẹ gót chân lên cao và từ từ hạ xuống trong 3 phút, sau đó đi khiễng chân. Lập lại liên tục nhiều lần trong 10 phút, 1 lần/ngày sẽ giúp kích thích các huyệt dưới lòng bàn chân, cải thiện chức năng thận và nâng cao sức khỏe.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin