Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tăng oxalat niệu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 20/04/2023
Kích thước chữ

Nước tiểu là một dạng chất lỏng vô trùng được thận bài tiết ra và được lưu trữ tại bàng quang trước khi được đào thải ra ngoài cơ thể. Nước tiểu có giá trị trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh tăng oxalat niệu. Vậy tăng oxalat niệu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp chẩn đoán bệnh như thế nào? Có những phương pháp điều trị bệnh tăng oxalat nào?

Tăng oxalat niệu sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe toàn thân, trong đó làm suy giảm chức năng của thận là một vấn đề đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu lời giải đáp nhé!

Tăng oxalat niệu là gì?

Tăng oxalat niệu là tình trạng trong nước tiểu có hàm lượng oxalat quá cao. Oxalat còn có tên khác là axit oxalic, là một loại hợp chất hữu cơ có nhiều trong các loại thực vật như lá xanh, trái cây, quả hạch, hạt… và cũng là một chất tự nhiên trong cơ thể. Việc có quá nhiều oxalat trong nước tiểu sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu, liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe, làm suy giảm chức năng của thận.

Tăng oxalat niệu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do một số bệnh lý di truyền, bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá hoặc do ăn quá nhiều các loại thực phẩm giàu oxalat. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm giảm mức độ tổn thương đối với thận.

Tăng oxalat niệu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị 1
Tăng oxalat niệu gây ảnh hưởng đến thận

Triệu chứng của tăng oxalat niệu

Tăng oxalat niệu là tình trạng trong nước tiểu có nồng độ oxalat quá cao. Chính vì thế, triệu chứng đầu tiên của tăng oxalat niệu đó là sự xuất hiện của sỏi thận. Dưới đây là một số biểu hiện, triệu chứng của tăng oxalat niệu:

  • Lưng bị đau đột ngột, đau dữ dội.;
  • Ở vị trí ngay dưới xương sườn có dấu hiệu đau và không giảm theo thời gian;
  • Tiểu ra máu;
  • Tiểu gấp, tiểu rất nhiều lần trong ngày;
  • Tiểu buốt;
  • Sốt tăng dần.

Nguyên nhân làm tăng oxalat niệu

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng tăng oxalat niệu. Cụ thể như sau:

  • Tăng oxalat niệu nguyên phát: Đây là một bệnh di truyền, bắt đầu có từ lúc mới sinh ra. Ở đây, gan không thể sản sinh đủ enzym có chức năng ức chế sự sản sinh vượt mức của oxalat, hoặc enzym này không hoạt động đúng vai trò của nó. Khi đó, lượng oxalat dư thừa sẽ được bài trừ qua thận và được đưa ra ngoài qua nước tiểu. Và chính lượng oxalat tồn tại trong nước tiểu này khi kết hợp với canxi sẽ tạo ra sỏi và các tinh thể nhỏ đường niệu, dẫn đến gây tổn thương ở thận, nặng hơn là suy thận. Theo nghiên cứu, người mắc tăng oxalat niệu sẽ bị suy giảm chức năng của thận từ rất sớm.
  • Do nhiễm độc oxalat: Trường hợp này xảy ra khi chức năng của thận mất đi khả năng đào thải lượng dư thừa oxalat trong cơ thể. Khi đó, oxalat sẽ tích tụ lại trong máu rồi đến mắt, xương, da, các cơ, các mạch máu, tim cũng như các cơ quan khác, hậu quả là gây ra rất nhiều bệnh lý khác nhau.
  • Nguyên nhân liên quan đến đường tiêu hoá: Có nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hoá như hội chứng Crohn, hội chứng ruột ngắn do phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột có thể gây ra sự hấp thụ vượt mức oxalat trong thức ăn, do đó sẽ làm tăng lượng oxalat đào thải qua nước tiểu.
  • Do ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều oxalat: Một số thực phẩm giàu chất oxalat có thể kể đến như củ cải đường, rau chân vịt, rau đại hoàng, khoai lang, khoai tây, đậu, socola, chè, các loại hạt… Khi ăn quá nhiều thực phẩm giàu oxalat này thì nguy cơ tăng oxalat niệu sẽ cao, gây ra sỏi thận.

Phương pháp chẩn đoán tăng oxalat niệu

Với phương pháp khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khám toàn diện sức khoẻ, đồng thời khai thác tiền sử của bệnh cũng như chế độ ăn uống. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán tăng oxalat niệu:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm đánh giá, đo nồng độ các chất trong nước tiểu mà cụ thể là chất oxalat.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá chức năng của thận và nồng độ chất oxalat có trong máu.
  • Phân tích đá (sỏi niệu): Để xác định thành phần hóa học của sỏi thận.
  • Chụp X-quang thận, siêu âm hoặc chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Để kiểm tra, đánh giá có sỏi thận hoặc cặn canxi oxalat có tích tụ trong đường niệu hay không.

Để chẩn đoán xác định cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của tăng oxalat niệu đối với các cơ quan khác trong cơ thể, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm di truyền: Nhằm kiểm tra người bệnh có mang gen di truyền gây bệnh hay không.
  • Kỹ thuật sinh thiết thận: Để kiểm tra sự tích tụ oxalat ở thận.
  • Siêu âm tim: Để kiểm tra có sự tích tụ oxalat hay không.
  • Khám mắt: Để tìm hiểu sự tích tụ oxalat trong mắt.
  • Kỹ thuật sinh thiết xương: Để đánh giá mức độ tích tụ oxalat trong xương.
  • Kỹ thuật sinh thiết gan: Nhằm kiểm tra sự suy giảm các enzym có liên quan đến chuyển hoá oxalat hay không. Phương pháp này chỉ làm khi xét nghiệm di truyền không cho thấy bị tăng oxalat niệu.
Tăng oxalat niệu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị 2
Xét nghiệm máu nhằm đánh giá chức năng của thận và theo dõi nồng độ oxalat trong máu

Cách điều trị tăng oxalat niệu

Điều trị oxalat niệu phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tăng oxalat niệu, các triệu chứng, nguyên nhân và các mức độ đáp ứng của người bệnh với điều trị. Các biện pháp điều trị để làm giảm oxalat niệu cụ thể như sau:

  • Dùng thuốc: Dùng thuốc vitamin B6 với liều phù hợp có khả năng làm giảm sự tích tụ oxalat ở thận đối với những người mắc bệnh tăng oxalat nguyên phát. Với loại thuốc viên như phosphat hoặc citrate có thể làm giảm sự hình thành của tinh thể oxalat. Ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc khác, tùy vào từng trường hợp cụ thể như thuốc lợi tiểu thiazid.
  • Uống nhiều nước: Với trường hợp chức năng của thận vẫn hoạt động bình thường, người bệnh nên uống nhiều nước. Bởi điều này sẽ hỗ trợ thận tăng thải, làm sạch thận, ngăn ngừa sự tích tụ oxalat, tránh gây nên sự hình thành sỏi thận.
  • Chế độ ăn uống phù hợp: Việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp có ảnh hưởng rất lớn trong việc điều trị tăng oxalat do ăn uống, hoặc do các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá gây ra. Do vậy, cần phải thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu oxalat, hạn chế ăn muối, giảm lượng đạm và đường (nhất là syrup bắp chứa nhiều fructose). 
  • Quản lý tình hình sỏi thận: Sỏi thận là tình trạng hay gặp ở người mắc oxalat niệu, tuy nhiên không phải lúc nào cũng cần điều trị. Khi sỏi thận lớn, gây đau hoặc gây cản trở việc đi tiểu thì có thể sẽ lấy sỏi bằng phẫu thuật hoặc bắn vỡ sỏi.
  • Chạy thận hoặc ghép thận: Tuỳ thuộc vào tình trạng của người bệnh mà chức năng của thận có thể mất hoàn toàn. Chạy thận chỉ là biện pháp tạm thời, không giúp làm giảm oxalat sản sinh ra trong cơ thể. Trái lại, ghép thận là phương pháp có thể điều trị bệnh một cách dứt điểm.
Tăng oxalat niệu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị 3
Uống nhiều nước để thanh lọc thận, ngăn ngừa sự tích tụ của oxalat

Như vậy, có nhiều nguyên nhân gây ra tăng oxalat và nó có thể làm suy giảm các chức năng của thận. Do vậy, khi có những triệu chứng nêu trên, bạn nên gặp bác sĩ ngay để sớm phát hiện và được điều trị kịp thời. Hi vọng bài viết này sẽ giúp mọi người có thêm những thông tin bổ ích về vấn đề tăng oxalat niệu

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin