Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn: Nguồn gốc, ưu điểm và ứng dụng

Ngày 22/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tế bào gốc nói chung và tế bào gốc trung mô từ dây rốn nói riêng đang cho thấy hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh phổ biến. Đây được xem là triển vọng mới của y học tái tạo. Vậy loại tế bào gốc này có đặc điểm là gì? Tiềm năng ứng dụng của nó ra sao?

Dây rốn chứa rất nhiều loại tế bào gốc khác nhau nhưng chiếm tỷ lệ lớn là tế bào gốc trung mô. Loại tế bào gốc này có những tiềm năng riêng biệt, khác với tế bào gốc tạo máu. Vậy những tiềm năng đó là gì? Ưu điểm của tế bào gốc trung từ mô dây rốn ra sao? Tính ứng dụng của nó trong y học tái tạo để điều trị các bệnh phổ biến như tiểu đường, tim mạch và ung thư… ra sao?

Sơ lược về tế bào gốc trung mô từ dây rốn

Trong cơ thể người, tế bào gốc trung mô tồn tại ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Dựa vào tính sẵn có và dễ thu thập, mức độ an toàn cao, ít xâm lấn và chi phí thấp, ứng dụng tế bào gốc trung mô ngày càng được mở rộng. Vậy tế bào gốc trung mô, trong đó có tế bào gốc trung mô dây rốn là gì?

Khái niệm tế bào gốc trung mô

Tế bào gốc trung mô là những tế bào mô liên kết chủ yếu bắt nguồn từ trung bì, có khả năng phát triển và nhân đôi, từ đó hình thành nên các tế bào chuyên biệt ở tuổi trưởng thành. Một số tế bào chức năng có sự “góp công” của tế bào gốc trung mô gồm: Xương, mỡ, cơ, nguyên bào sụn, thần kinh, gan, thận…

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn: Nguồn gốc, ưu điểm và ứng dụng 1
Tế bào gốc trung mô từ dây rốn được thu thập khi em bé vừa chào đời

Tế bào gốc trung mô được lấy từ những nguồn dưới đây:

  • Mô mỡ;
  • Tủy xương;
  • Dây rốn.

Trong đó, tế bào gốc trung mô từ dây rốn là nguồn thu thập có ý nghĩa lớn khi đảm bảo được sự an toàn hơn hẳn 2 nguồn trên. Theo cách này, tế bào gốc sẽ được thu thập từ dây rốn (cụ thể là các vị trí: Máu cuống rốn, màng dây rốn hay mạch máu dây rốn) ngay khi em bé vừa chào đời, không gây tác động xâm lấn nào tới cơ thể mẹ và bé.

Tìm hiểu tế bào gốc trung mô từ dây rốn

Dây rốn là phần mô liên kết giữa nhau thai và bào thai, có nhiệm vụ cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi trong quá trình phát triển. Đây là một phần của thai nhi cả về mặt cấu trúc và di truyền. Dây rốn chứa rất nhiều loại tế bào gốc khác nhau, gồm:

  • Tế bào gốc biểu mô hay Epithelial Stem Cells;
  • Tế bào gốc nội mô, hay còn được gọi là Endothelial Stem Cells;
  • Chiếm tỉ lệ lớn nhất là tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells - MSC).

Các tế bào gốc dây rốn có những tiềm năng riêng biệt, không giống tế bào gốc tạo máu (HSCs) trong máu cuống rốn như:

  • Khả năng ức chế tình trạng viêm sau tổn thương;
  • Tiết ra các yếu tố tăng trưởng để hỗ trợ sửa chữa mô;
  • Khả năng biệt hóa thành các loại tế bào thuộc nhiều cơ quan trong cơ thể.
Tế bào gốc trung mô từ dây rốn: Nguồn gốc, ưu điểm và ứng dụng 2
Việc nghiên cứu tế bào gốc dây rốn có nhiều tiềm năng phát triển

Ưu điểm vượt trội của tế bào gốc trung mô dây rốn

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội như sau:

Khả năng biệt hóa thành những loại tế bào khác nhau

Tế bào gốc trung mô với nguồn gốc từ dây rốn có thể biệt hóa nhiều loại tế bào khác nhau. Trong số này có tế bào thuộc: Hệ thống thần kinh, các cơ quan giác quan, da, xương, sụn, các mô hệ tuần hoàn…

Tính miễn dịch thấp và đặc tính điều hòa miễn dịch tốt

Tế bào gốc trung mô dây rốn được chứng minh là có khả năng điều hòa miễn dịch. Nhờ đặc tính ưu việt này, tế bào gốc trung mô dây rốn được ứng dụng nhiều trong ghép đồng loài (tức là ghép cho những người thân trong gia đình, ghép cho những người không cùng huyết thống) và hỗ trợ chống thải ghép.

Ngoài ra, đặc tính điều hòa miễn dịch của loại tế bào này còn dựa trên khả năng ức chế hoạt động của tế bào lympho T, NK, đại thực bào, tăng cường khả năng hoạt động của tế bào T điều hòa... Vì đặc tính này mà tế bào gốc trung mô dây rốn được ứng dụng trong điều trị các bệnh tự miễn như: Lupus ban đỏ, đa xơ cứng rải rác, tiểu đường tuýp 1...

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn: Nguồn gốc, ưu điểm và ứng dụng 3
Ứng dụng tế bào gốc trung mô dây rốn trong điều trị Lupus ban đỏ

Khả năng tăng sinh mạnh mẽ của MSC trong phòng thí nghiệm

Với công nghệ hiện đại, tế bào gốc trung mô với nguồn gốc dây rốn (MSC) có thể tăng sinh lên hàng trăm triệu đến hàng tỷ tế bào. Vì thế, việc sử dụng tế bào gốc trung mô không bị giới hạn bởi cân nặng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc lưu trữ tế bào thành các đơn vị nhỏ sẽ giúp khách hàng có thể lấy ra và sử dụng nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.

Ứng dụng thực tế của tế bào gốc trung mô từ dây rốn

Do ưu điểm dễ thu thập, ít xâm lấn, giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí, tế bào gốc trung mô, trong đó có tế bào gốc trung mô từ dây rốn hiện nay được ứng dụng rộng rãi ở cả trong nước và quốc tế.

Ứng dụng của tế bào gốc trung mô từ dây rốn trên thế giới

Tế bào gốc trung mô cho thấy kết quả thử nghiệm vượt bậc trong khoảng 20 năm gần đây. Niềm tin của người dùng với loại tế bào gốc này cũng nhanh chóng tăng lên, thể hiện qua hàng loạt các ca thử nghiệm đa dạng bệnh lý. Hiện tế bào gốc trung mô được ứng dụng để điều trị gần 400 bệnh lý từ hô hấp, xơ gan, tiểu đường, xương khớp, tim mạch cho tới các bệnh về miễn dịch hay tự kỷ…

Thế giới đánh giá tế bào gốc trung mô an toàn, có hiệu quả, không gây tổn thương cho người bệnh trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào vẫn đưa ra khuyến cáo rằng nên điều trị với tế bào gốc trung mô mới từ những bệnh nhân trẻ. Nguyên nhân là do với người càng lớn tuổi, tế bào gốc càng ngày càng giảm tác dụng, vì vậy mà có nhiều khả năng tạo ra khối u ác tính hơn.

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn: Nguồn gốc, ưu điểm và ứng dụng 4
Tế bào gốc trung mô từ dây rốn được ứng dụng để điều trị bệnh xương khớp

Y học Việt Nam ứng dụng tế bào gốc trung mô từ dây rốn

Tại Việt Nam, công tác ứng dụng tế bào gốc đã bắt đầu từ khoảng năm 1995. Tế bào gốc từ tủy xương được ứng dụng trước tiên, sau đó đến các tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc máu dây rốn. Riêng với tế bào gốc trung mô, năm 2009, loại tế bào này đã được ứng dụng thành công tại Viện Bỏng Quốc Gia. Sau này, tế bào gốc trung mô được dùng để điều trị thành công cho khoảng 300 bệnh nhân chịu biến chứng của tiểu đường, ung thư và tim mạch. Từ đây, dưới sự khuyến khích áp dụng và quy định tách chiết tế bào gốc trung mô của Bộ Y tế, rất nhiều bệnh viện lớn đã lần lượt ứng dụng thành công.

Từ năm 2015 trở đi, tế bào gốc trung mô đã thể hiện khả năng vượt trội khi được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm như: Phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, tiểu đường… Các bệnh viện như: Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Trung Ương Huế... đã ứng dụng thành công kỹ thuật cấy ghép tế bào trung mô vào điều trị bệnh.

Tóm lại, tế bào gốc trung mô từ dây rốn được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong y học thế giới và Việt Nam. Việc nghiên cứu và ứng dụng loại tế bào gốc này hứa hẹn còn rất nhiều dư địa phát triển. Thông qua bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã mang đến những thông tin hữu ích về loại tế bào này, góp phần mang lại nhiều hy vọng sống cho người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm