Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do dâu? Có cách chữa trị triệt để không?

Ngày 08/02/2023
Kích thước chữ

Trong những năm gần đây, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ trở thành một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến. Thoát vị đĩa đệm cổ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi cảm giác khó chịu đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ căn bệnh này dẫn đến điều trị muộn sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng, trong đó có nguy cơ bị liệt.

Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức vùng cổ, vai, gáy, kèm theo tê hoặc mất cảm giác ở bàn tay, cổ tay,… Các cơn đau kéo dài, tăng nặng hơn khiến người bệnh khó cử động, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. 

Tìm hiểu thông tin về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nhân nhầy của cột sống cổ lồi ra khỏi bao xơ nên chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Trong cơ thể, cầu nối giữa đầu và cổ là xương sống cổ. Bộ phận này bao gồm bảy đốt sống, được đánh số từ C1 - C7, được nối với nhau bằng các đĩa đệm. Mặc dù thoát vị đĩa đệm C5 - C6 là phổ biến, nhưng thực tế hầu hết đốt sống cổ nào cũng có thể bị tổn thương.

Nguyên nhân 

Các nguyên nhân phổ biến của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bao gồm: 

  • Tuổi tác: Đĩa đệm bị bào mòn theo thời gian. Khi còn trẻ, đĩa đệm chứa nhiều nhân nhầy khi tuổi càng lớn, lượng nhân nhầy trong đĩa đệm sẽ giảm dần. Điều này làm cho đĩa đệm kém linh hoạt. Khi xoay hoặc vặn cổ có nguy cơ bị rách, thoát vị đĩa đệm rất cao.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cổ.
  • Lối sống không lành mạnh: Những thói quen xấu như hút thuốc, lười vận động, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng đều góp phần làm thoái hóa sức khoẻ của đĩa đệm. Vì vậy bạn cần tránh những thói quen xấu hoặc từ bỏ sớm.
  • Chấn thương hoặc tai nạn: Lực tác động rất lớn vào cột sống khiến nhân nhầy lệch ra khỏi đĩa đệm, gây áp lực lên tủy sống hoặc các rễ thần kinh ở cột sống cổ. 
  • Sai tư thế: Ngồi, nằm sai tư thế kết hợp vận động không đúng sẽ gây áp lực lên cột sống cổ. Ngoài ra, những người lao động phải khuân vác nặng cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc các vấn đề ở đĩa đệm cổ rất cao.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do dâu? Có cách chữa trị triệt để không? 1 Nguyên nhân phổ biến của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là nằm, ngồi sai tư thế, mang vác nặng,...

Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Dấu hiệu lâm sàng:

  • Đau bắt đầu ở 1 - 2 đốt sống cổ, sau đó lan dần ra bả vai, cánh tay và cả sau đầu, hốc mắt.
  • Do tủy sống bị chèn ép nên cảm giác tê ngứa từ cổ lan đến chân tay hoặc tê ngứa cánh tay, bàn tay và các ngón tay do dây thần kinh bị chèn ép.
  • Khó quay đầu đồng thời tay đưa sau lưng, giơ lên cao hoặc đi bộ cũng không được thoải mái như trước. 
  • Các dấu hiệu khác: Đau một bên ngực, táo bón, tiểu khó, khó thở,…

Cận lâm sàng:

  • Những dấu hiệu này chỉ có thể phát hiện bằng chụp cộng hưởng từ như:
  • Thoát vị đĩa đệm ra trước hoặc ra sau.
  • Phát hiện khối nhân nhầy không ở vị trí bình thường.
  • Cấu trúc cột sống, thân đốt sống thay đổi, chiều cao của đốt sống giảm 
  • Rễ thần kinh hoặc tủy sống có dấu hiệu bị chèn ép.

Dấu hiệu theo cấp độ:

  • Cấp độ 1: Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy hơi cứng cổ, khó xoay đầu và hơi đau mỗi khi cúi, ngửa đầu. Cơn đau sẽ lan dần xuống vai, đau nhiều hơn khi làm việc nặng nhọc.
  • Cấp độ 2: Đau kéo dài từ cổ lan ra sau đầu và tai. Nếu cử động ảnh hưởng đến cổ, xoay cổ nhẹ cũng bị đau, thậm chí bị vẹo cổ. 
  • Cấp độ 3: Đau nhức sau gáy, trán, cổ và lan xuống bả vai. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị đau nhức, tê bì một bên hoặc cả hai cánh tay, đôi khi có triệu chứng chóng mặt khi hoạt động.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do dâu? Có cách chữa trị triệt để không? 2 Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là đau bắt đầu ở 1 - 2 đốt sống cổ, sau đó lan dần ra bả vai, cánh tay,...

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có nguy hiểm không?

Nhiều bệnh nhân ​​thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có tâm lý chủ quan dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị. Một số biến chứng nghiêm trọng phát sinh thường gặp là: 

Thiếu máu não

Đôi khi hệ thống động mạch đốt sống cũng bị ảnh hưởng do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Thoát vị đĩa đệm có thể hạn chế lưu lượng máu lên não và dẫn đến thiếu máu não

Hẹp ống sống cổ

Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có nguy cơ mắc bệnh hẹp ống sống cổ. Một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng này là tê yếu chân tay, mỏi vai gáy,... Theo bác sĩ, cơn đau có xu hướng giảm khi nằm hoặc khi thả lỏng thì áp lực ở vùng cổ vai gáy được giảm bớt. Ngược lại, nếu giữ thẳng lưng trong thời gian dài, cường độ cơn đau sẽ tăng lên.

Hội chứng chèn ép tuỷ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng chèn ép tủy sống. Nếu không được điều trị kịp thời, bạn có nguy cơ bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong. 

Liệt vĩnh viễn

Nếu áp lực đè lên cột sống cổ kéo dài, các biểu hiện như đau nhức, tê, ngứa tứ chi hay yếu cơ ngày một nặng hơn, có thể dẫn đến bại liệt vĩnh viễn.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Hiện nay có 2 phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đó là: 

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ theo cách thông thường: Điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp với các biện pháp bổ trợ khác như nắn khớp, giảm đau, nẹp cổ, vật lý trị liệu.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Áp dụng khi điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan và các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm. Hiện nay, y học đã phát triển một số phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ít xâm lấn như: 

  • Phẫu thuật nội soi.
  • Phẫu thuật cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ bằng phương pháp tiếp cận lối trước.
  • Phẫu thuật tiếp cận phía trước kết hợp thay đĩa đệm nhân tạo hoặc hàn xương.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do dâu? Có cách chữa trị triệt để không? 3 Chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nắn khớp, vật lý trị liệu, thuốc,....

Lưu ý trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Trong khi điều trị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần chú ý: 

  • Nằm gối cao vừa phải;
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ khi thời tiết lạnh, hạn chế đồ uống lạnh;
  • Bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi, kẽm để cải thiện hệ xương khớp, bên cạnh đó cũng nên bổ sung nhóm vitamin D3, K2 để tăng khả năng hấp thu và giảm lắng đọng canxi.
  • Không khuân vác vật nặng, đeo túi xách lớn.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1.5 - 2 lít để đảm bảo chức năng trao đổi chất và bài tiết của cơ thể;
  • Tránh ngồi một chỗ lâu sau khi điều trị, nên vận động cột sống cổ, tay, vai với các động tác xoa bóp.

Trên đây là những điều cần biết về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Bệnh hoàn toàn có thể được khắc phục nếu người bệnh tiếp cận đúng phương pháp điều trị. Do đó, nếu nhận thấy những cơn đau cổ bất thường thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám và điều trị thích hợp.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.