Trước khi chụp CT, bác sĩ sẽ giải thích kỹ lưỡng với bệnh nhân về quy trình chụp, cách thức chụp và thời gian chụp CT bao lâu. Vì có trường hợp chỉ chụp trong vài phút nhưng có trường hợp sẽ kéo dài lâu hơn tùy tình trạng bệnh.
Thông tin cơ bản về phương pháp chụp CT
Chụp CT là gì? Khi nào chụp CT?
Dựa vào hình ảnh từ chụp CT, bác sĩ biết được chính xác mức độ tổn thương ở từng cơ quan
Kỹ thuật sử dụng máy chụp CT có phát ra những chùm tia X quét qua cơ thể gọi là chụp CT. Khi kết hợp với máy tính sẽ đem lại những hình ảnh 2D hay 3D nhằm xác định tình trạng của các cơ quan trong cơ thể. Dựa vào hình ảnh ghi được, bác sĩ cũng có thể biết được chính xác mức độ tổn thương ở từng cơ quan, dù là nhỏ nhất.
Phương pháp chụp CT hỗ trợ chẩn đoán nhiều bệnh lý rất hiệu quả như:
- Các vấn đề bất thường ở cơ và xương khớp.
- Xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc cục máu đông.
- Các bệnh lý tim mạch.
- Tình trạng chảy máu trong, các tổn thương bên trong.
- Chẩn đoán các vấn đề ở não.
Bên cạnh các xét nghiệm sàng lọc khác, kết quả chụp CT góp phần hỗ trợ sàng lọc ung thư rất hiệu quả, điển hình nhất là sàng lọc ung thư phổi, ung thư gan…
Ưu điểm và nhược điểm của chụp CT
Trước khi tìm hiểu thời gian chụp CT bao lâu thì hãy cùng xem qua ưu điểm và nhược điểm của phương pháp này.
Ưu điểm
- So với chụp X-quang, có khả năng phân giải mô mềm cao hơn.
- Kết quả chụp có độ phân giải cao, hình ảnh sắc nét và chi tiết hơn.
- Quy trình chụp khá nhanh, rất có lợi trong việc đánh giá các trường hợp cấp cứu và kiểm tra nhanh các bộ phận cơ thể như như gan, tim, phổi…
- Phù hợp với những bệnh nhân đang dùng máy móc hỗ trợ.
- Quá trình chụp không xâm lấn, không gây đau.
- Không có tồn dư bức xạ sau khi chụp.
Nhược điểm
- So với kết quả hình ảnh của chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT cho độ phân giải thấp hơn. Do đó việc phát hiện tổn thương nhỏ hay dấu hiệu bất thường cũng sẽ gặp khó khăn.
- Không có giá trị cao trong phát hiện các tổn thương ở tủy sống, dây chằng, phần sụn khớp.
- Tia X dùng trong chụp CT sẽ ảnh hưởng lớn tới phụ nữ mang thai nhưng lại an toàn với các đối tượng khác bởi lượng tia X được sử dụng ở trong giới hạn cho phép nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kết quả chụp với hình ảnh sắc nét, có độ phân giải cao và chi tiết hơn
Thời gian chụp CT bao lâu?
Về giải đáp thắc mắc "Thời gian chụp CT bao lâu, chụp CT khi nào có kết quả?", thật khó trả lời một con số chính xác là bao lâu. Tùy vào mục đích chụp và bộ phận cơ thể cần chụp mà thời gian chụp diễn ra nhanh hay chậm. Thông thường, nếu chỉ nhằm mục đích chẩn đoán một khu vực nhất định thì toàn bộ quá trình chụp CT diễn ra từ 10 - 20 phút. Nếu bác sĩ có yêu cầu chi tiết hơn nên cần khảo sát nhiều vị trí hơn thì thời gian chụp sẽ mất khoảng 15 - 30 phút.
Sau khi chụp CT, kết quả sẽ được trả cho bệnh nhân trong vòng 30 - 60 phút. Một số trường hợp, kết quả sẽ được trả lâu hơn khi cần hội chẩn.
Bệnh nhân có thể gặp bác sĩ đọc kết quả để được giải thích rõ hơn nếu có thắc mắc về tình trạng bệnh.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp chụp CT
Đối với phương pháp chụp CT, bạn nên ghi nhớ một số lưu ý cả trước, trong và sau khi chụp.
Trước khi chụp CT
Bệnh nhân cần được tháo bỏ tất cả các vật bằng kim loại trên cơ thể vì chúng sẽ gây nhiễu ảnh khi chụp.
Bệnh nhân có thai hoặc nghi ngờ có thai phải thông báo cho nhân viên y tế để chọn phương án phù hợp.
Bệnh nhân phải thông báo cho y bác sĩ nếu đang mắc một trong các bệnh như tiểu đường, hen suyễn, tĩnh mạch, thận và dị ứng thuốc.
Nếu cần tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân và người thân cần ký vào bản cam kết tiêm thuốc cản quang.
Người bệnh cần nhịn ăn trước 4 - 6 giờ khi tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân có thể uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp CT 2 giờ.
Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, bác sĩ có thể cho trẻ ngủ để chụp các bộ phận không tiêm thuốc. Nếu trẻ phải tiêm thuốc cản quang thì cần cho trẻ dùng thuốc an thần để tránh trẻ cử động khi tiêm thuốc cản quang, làm mờ hình ảnh, khiến kết quả chẩn đoán không chính xác.
Tùy vào vị trí cơ thể cần chụp CT, người bệnh có thể được yêu cầu mặc áo do bệnh viện cung cấp trong khi chụp.
Trong khi chụp CT
Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn trong phòng chụp hoặc nằm theo một số tư thế đặc biệt theo yêu cầu chỉ định của bác sĩ.
Nhân viên y tế giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân về thời gian chụp.
Khi chụp CT bệnh nhân cần nằm yên, không cử động. Nếu chụp ngực và bụng, người bệnh nên nín thở theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Sau khi tiêm thuốc cản quang bệnh nhân thường có cảm giác nóng dọc theo vùng mặt, cổ, ngực và có thể lan tới vùng bẹn trong vòng vài giây, để có kết quả tốt nhất, người bệnh vẫn cần nằm yên khi chụp.
Bệnh nhân chụp CT đường tiêu hóa sẽ được yêu cầu uống thuốc cản quang hoặc nước để tăng độ tương phản cấu trúc ống tiêu hóa, hỗ trợ chẩn đoán tốt hơn.
Thời gian chụp CT bao lâu? Chụp CT thường kéo dài 3 - 5 phút
Sau khi chụp CT
Bệnh nhân không tiêm thuốc cản quang có thể hoạt động bình thường, ăn uống thêm nếu không phải làm thêm các xét nghiệm khác.
Bệnh nhân có tiêm thuốc cản quang sau khi chụp vẫn giữ đường truyền ở tĩnh mạch và được theo dõi khoảng 30 phút, nếu không có diễn biến bất thường thì nhân viên y tế sẽ tháo kim ra nếu không có chỉ định sử dụng đường truyền tĩnh mạch.
Sau tháo kim, để tránh chảy máu, người bệnh cần đè tay vào vị trí tiêm thuốc trong khoảng 5 - 10 phút. Trong vòng 24 giờ sau tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần uống nhiều nước để đào thải thuốc ra khỏi cơ thể.
Nếu người bệnh gặp các biểu hiện bất thường như chóng mặt, buồn nôn, nôn, đỏ da, ngứa, khó thở, sốt... sau khi chụp CT thì bệnh nhân nên thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Nhìn chung, chụp CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, giúp phát hiện nhiều bệnh lý tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Khi tiến hành chụp CT, bệnh nhân nên thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp