Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Thời gian thức của trẻ sơ sinh là gì? Cách tính như thế nào?

Ngày 10/09/2024
Kích thước chữ

Để trẻ sơ sinh ngủ một cách dễ dàng hơn, mẹ hãy chú ý đến thời gian thức của trẻ. Hiểu rõ được thời gian thức của trẻ sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn và ngủ lâu hơn. Vậy thời gian thức của trẻ sơ sinh là gì? được tính như thế nào? và làm gì khi trẻ thức hoài không chịu ngủ?

Vì sao mẹ phải quan tâm đến thời gian thức của trẻ sơ sinh? Thời gian thức của trẻ có tác dụng gì với giấc ngủ của trẻ? Làm sao tìm được thời gian thức hoàn hảo giúp trẻ đủ mệt để ngủ nhưng không quá mệt khiến trẻ khó ngủ? Hãy tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên trong bài viết sau đây.

Thời gian thức của trẻ sơ sinh là gì?

Thời gian thức của trẻ sơ sinh hay còn gọi là wake time là vấn đề mà nhiều bà mẹ rất quan tâm vì có liên quan đến giấc ngủ của trẻ nhỏ. Vậy wake time là gì? Đây là khoảng thời gian trẻ thức giấc giữa hai giấc ngủ ngắn trong một ngày. Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính bắt đầu từ lúc mẹ bế con lên, đưa con ra khỏi nôi và kết thúc khi mẹ đặt trẻ xuống nôi lần nữa.

Trong khoảng thời gian trẻ thức sẽ xảy ra nhiều hoạt động như trẻ ăn, mẹ vỗ ợ hơi, thay bỉm, chơi đồ chơi, đi dạo, nghe các bài hát, đọc sách cùng mẹ,...

Thời gian thức của trẻ quá dài có thể khiến trẻ mệt mỏi, kiệt sức và không ngủ được hoặc ngủ không sâu giấc. Trái lại, thời gian thức quá ngắn khiến trẻ chưa sẵn sàng ngủ lại hoặc chỉ chợp mắt một chút rồi lại thức. Nếu mẹ giúp trẻ thức vừa đủ thời gian, trẻ ngủ dễ dàng hơn, ngủ ngon hơn và có giấc ngủ sâu hơn.

Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính như thế nào? 1
Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính từ lúc mẹ bế con ra khỏi nôi đến khi mẹ đặt con xuống lần nữa

Thời gian trẻ thức được tính như thế nào?

Với trẻ không có chu kỳ sinh hoạt ổn định và chưa biết tự ngủ thì thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính từ khi trẻ mở mắt và thức giấc tới khi trẻ lại đi vào giấc ngủ.

Với trẻ đã có chu kỳ sinh hoạt ổn định, thời gian thức được tính từ khi trẻ được đưa ra khỏi môi trường ngủ cho tới khi mẹ lại đặt trẻ vào môi trường ngủ.

Ví dụ: 

  • Với trẻ có chu kỳ sinh hoạt ổn định, buổi sáng trẻ thức giấc lúc 07:00 và mẹ đặt trẻ vào môi trường ngủ lúc 09:00, dù tới 09:10 trẻ mới thực sự ngủ, nhưng lúc này thời gian thức được tính là trong 2 giờ.
  • Nếu trẻ chỉ ngủ được tới 10:15 nhưng mẹ duy trì môi trường ngủ của con tới 10:30 mới đưa con ra và đặt con xuống để ngủ tiếp lúc 12:30, dù tới 12:40 trẻ mới thực sự ngủ, thì thời gian thức vẫn được tính là trong 2 giờ (từ 10:30 tới 12:30).

Những trường hợp sau đây khó xác định tình trạng trẻ ngủ hay thức:

  • Trẻ vừa ăn vừa ngủ gà ngủ gật, mắt lim dim nhưng vẫn mút sữa nhiệt tình, rút núm ti ra là trẻ tỉnh ngay thì có khả năng con chỉ nhắm mắt để tận hưởng bữa ăn thôi, mà không ngủ.
  • Trẻ chỉ mút nhẹ dưới lưỡi mà không có hành động nuốt, con dần chìm sâu vào giấc ngủ, mẹ nên gọi con dậy để con bú trọn bữa thật no.
Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính như thế nào? 2
Nếu bé ngủ gật khi đang bú, mẹ nên gọi bé dậy để bé bú trọn bữa thật no

Cách gọi trẻ sơ sinh dậy - thức

Việc mẹ phải đánh thức con lúc con đang ngủ say khiến mẹ không đành lòng. Nhưng mẹ cần hiểu rằng việc giúp trẻ thức đủ sẽ đẩy lùi được tình trạng trẻ lẫn lộn giữa ngày và đêm, giúp trẻ có giấc ngủ đêm liền mạch để trẻ phát triển tốt nhất.

Giữ cho trẻ sơ sinh thức rất khó. Mẹ có thể áp dụng hai cách sau để gọi trẻ dậy và thức:

  • Mẹ tháo quấn, thay bỉm hoặc lau mặt cho trẻ bằng khăn lạnh vì trẻ thường tỉnh giấc khi chạm vào một vật nào đó lành lạnh.
  • Em bé thường mở mắt khi bị dựng dậy. Vì thế mẹ có thể vỗ ợ hơi cho bé ở tư thế ngồi khi trẻ ngủ gật, đặc biệt là ngủ gật khi bú.

Vào những ngày đầu, mẹ sẽ giữ con thức được ít hơn. Mẹ đừng nản chí, dần dần mẹ sẽ tập được cho trẻ thức theo thời gian chính xác.

Làm gì khi trẻ thức đủ vẫn không cải thiện giấc ngủ?

Nhiều trường hợp mẹ đã tăng thời gian thức cho con nhưng chất lượng ngủ đêm của con vẫn chưa được cải thiện. Lúc này mẹ nên giảm nhẹ thời gian trẻ ngủ ban ngày, tăng thêm chút áp lực ngủ cuối ngày để giúp trẻ ngủ qua đêm.

Trường hợp thời gian thức của trẻ sơ sinh đã ở mức tối đa và thời gian ngủ ngày của trẻ ở mức tối thiểu mà giấc ngủ đêm vẫn không cải thiện, thì mẹ nên lưu ý đến hoạt động thể chất của bé trong ngày. Nên hạn chế việc bế trẻ hay để trẻ ngồi xe đẩy thường xuyên mà ít cho trẻ có hoạt động thể chất – trí tuệ tự thân, mẹ có thể đặt con xuống, cho con cơ hội tự vận động, vừa tăng cường sự dẻo dai vừa góp phần cải thiện giấc ngủ cho con.

Ba mẹ nên cho trẻ chơi tự lập ở khoảng đầu thời gian thức sau khi con ăn no, lúc đó trẻ sẽ có thêm năng lượng để tỉnh táo cho đến lúc cuối thời gian thức. 

Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính như thế nào? 3
Ba mẹ nên cho con chơi tự lập ở khoảng đầu của thời gian thức sau khi con đã được ăn no

Làm gì khi trẻ thức quấy khóc không chịu ngủ?

Không phải lúc nào trẻ sơ sinh cũng tự ngủ dễ dàng. Khi trẻ sơ sinh thức, không chịu ngủ, khóc đêm, bố mẹ nên theo dõi tình trạng của trẻ vì có thể nguyên nhân là do bệnh lý. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để tìm ra bệnh và điều trị kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng giấc ngủ và sự phát triển bình thường của con.

Nếu không phải nguyên nhân do bệnh lý, ba mẹ có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây để giúp trẻ dễ ngủ hơn, ngủ ngon hơn:

Tạo môi trường ngủ thoải mái cho trẻ

Môi trường ngủ hay không gian ngủ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ. Do đó, để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh không chịu ngủ, quấy khóc, ba mẹ nên tạo cho trẻ một môi trường ngủ yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ, nhiệt độ thích hợp, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Tập cho trẻ phân biệt ngày và đêm

Để trẻ không tập thói quen ngủ nhiều vào ban ngày, gây khó ngủ về đêm, ba mẹ nên giúp trẻ phân biệt được thời điểm ban ngày và ban đêm. Vào ban ngày, ba mẹ nên nói chuyện với con, cùng con chơi, hát cho con nghe,... trong một không gian nhiều ánh sáng tự nhiên. Khi về đêm, nên đặt trẻ ngủ trong không gian yên tĩnh, ánh sáng nhẹ, đặc biệt mẹ cho trẻ bú đủ trước khi ngủ.

Hình thành giờ ngủ cố định

Việc lập nên trình tự ngủ ổn định, được lặp đi lặp lại mỗi ngày cho trẻ sẽ giúp trẻ hình thành nhịp sinh học ổn định với giờ ngủ cố định, từ đó, giúp trẻ duy trì giấc ngủ đều đặn, sâu hơn.

Ba mẹ cũng nên nhận biết các dấu hiệu trẻ buồn ngủ để đặt trẻ xuống giường ru ngủ như mắt lim dim, ngáp, dùng tay kéo tai,... Trước giờ đi ngủ, không nên cho trẻ vận động quá nhiều, tập cho trẻ thói quen tự ngủ, không tạo cho trẻ cảm giác phụ thuộc như ngủ phải lắc nôi hay đưa võng ru ngủ.

Thời gian thức của trẻ sơ sinh được tính như thế nào? 4
Ba mẹ nên nhận biết dấu hiệu trẻ buồn ngủ như mắt lim dim, ngáp và đặt trẻ xuống giường ru ngủ

Vệ sinh cơ thể trẻ trước khi ngủ

Trẻ khó ngủ và quấy khóc khi tã, bỉm bị ướt hay quần áo không được thoải mái gây khó chịu. Do vậy, trước khi trẻ đi ngủ, ba mẹ nên vệ sinh cơ thể trẻ thật sạch sẽ, lau khô và mặc quần áo rộng rãi cho trẻ. Để con có cảm giác an toàn, có thể cho con ôm gấu bông hay đồ chơi yêu thích khi ngủ.

Như vậy, thời gian thức của trẻ sơ sinh vừa đủ sẽ giúp trẻ có chất lượng giấc ngủ tốt, giúp trẻ phát triển toàn diện. Để áp dụng phương pháp này hiệu quả, phụ huynh có thể thử nghiệm các biện pháp trong bài viết trên.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin