Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt

Ngày 06/02/2023
Kích thước chữ

Cho bé uống thuốc là điều không hề đơn giản, đặc biệt khi bé đang trong cơn sốt. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh đã trộn thuốc cùng thức ăn hoặc sữa giúp trẻ uống thuốc hạ sốt dễ hơn. Vậy thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Chuyên gia khuyến cáo rằng không nên trộn thuốc hạ sốt cùng sữa cho bé uống. Nước là môi trường tốt nhất giúp thuốc hòa tan và hấp thu vào cơ thể. Đồng thời, thành phần của thuốc có thể tương tác với chất dinh dưỡng có trong sữa làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Tổng quan về thuốc hạ sốt cho trẻ

Thuốc hạ sốt thường được sử dụng cho trẻ em chứa paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol). Hoạt chất này sẽ tác động lên vùng dưới đồi ở não, kích thích mao mạch giãn rộng, đồng thời tăng lưu lượng máu tuần hoàn ngoại vi. Điều này sẽ giúp cơ thể nhanh thải nhiệt, hạ nhiệt độ trong cơ sốt. 

Ngoài ra, thuốc hạ sốt cho trẻ em có thể chứa thêm các hoạt chất như caffeine, chất kháng histamin, vitamin… nên phụ huynh cần chú ý thuốc ở dạng đơn chất hay dạng phối hợp khi mua cho trẻ uống.

Bên cạnh đó, không nên sử dụng nhiều loại thuốc hạ sốt một lúc có thể gây ngộ độc do quá liều điều trị. Liều dùng cho trẻ em được xác định theo cân nặng, cụ thể với hoạt chất paracetamol:

  • Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Uống 250 đến 500 mg paracetamol, mỗi liều cách nhau 4 tới 6 giờ. Tổng liều tối đa cho trẻ hàng ngày tính theo cân nặng là 60 mg/kg. Uống thuốc thành nhiều đợt, mỗi liều chỉ uống 10 đến 15 mg/kg cân nặng của trẻ, tránh uống quá nhiều trong một lần. Sử dụng tối đa 4 lần/ngày. Nếu không có bác sĩ theo dõi, chỉ sử dụng thuốc tối đa 3 ngày. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ đi khám bệnh.
  • Với trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống liều 500 đến 1000 mg paracetamol sau 4 tới 6 giờ. Liều tối đa là 4 g/ngày. 
  • Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi: Không nên sử dụng paracetamol cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trong một số trường hợp, trẻ không được sử dụng paracetamol khi:

  • Mẫn cảm với paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Bị giảm hoặc thiếu hụt men G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase) bẩm sinh hoặc mắc phải.

Nếu trẻ không thể uống, ba mẹ có thể đặt thuốc đạn chứa paracetamol cho trẻ. Tuy nhiên, một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc đạn, bao gồm:

  • Bị viêm trực tràng, hậu môn.
  • Tổn thương hậu môn hay trực tràng.
  • Bé bị tiêu chảy

Khi sử dụng thuốc hạ sốt, ba mẹ cần chú ý sử dụng đúng liều lượng tính theo cân nặng của trẻ và khoảng cách giữa các lần tối thiểu 4 tới 6 giờ. Tránh trường hợp sử dụng quá liều gây ngộ độc paracetamol.

Đồng thời, nếu đây là lần đầu trẻ sử dụng thuốc hạ sốt cần theo dõi trẻ trong 30 phút tới 1 tiếng đầu. Điều này sẽ giúp ba mẹ xử trí kịp thời nếu trẻ có hiện tượng dị ứng hay mẫn cảm với thành phần trong thuốc hạ sốt.

Mặt khác, không sử dụng thuốc aspirin cho trẻ, thuốc có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có hội chứng Reye gây thoái hóa mỡ gan và phù não. Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng khi nhiệt độ của trẻ trên 38 độ C, ngừng dùng thuốc nếu nhiệt độ của trẻ đã giảm.

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt 1 Thuốc hạ sốt cho trẻ thường chứa hoạt chất paracetamol

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không?

Cho bé uống thuốc là điều vô cùng khó khăn đối với mỗi ông bố bà mẹ, vì vậy phụ huynh thường cho trẻ uống thuốc bằng cách trộn với sữa hoặc thức ăn. Nhưng “thuốc hạ sốt pha với sữa được không?”, câu trả lời là không. 

Môi trường tốt nhất để thuốc được hòa tan và hấp thu vào cơ thể là nước. Đồng thời, một số thành phần trong thuốc hạ sốt có thể phản ứng với chất dinh dưỡng có trong sữa như canxi, protein hay vitamin. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thu thuốc cũng như làm giảm hiệu quả của thuốc.

Bởi vậy, thay vì cho con uống những viên thuốc hạ sốt đắng ngắt, cha mẹ có thể chọn thuốc dạng siro với vị ngọt dịu và hương thơm giúp bé dễ uống hơn. 

Lựa chọn khác là phụ huynh có thể đặt thuốc viên đạn cho con. Thuốc viên đạn hay thuốc đút hậu môn được bào chế dạng viên đạn hay hình thủy lôi, dùng để hạ sốt qua đường trực tràng (hậu môn). Loại thuốc này cũng mang lại hiệu quả giảm sốt tương đương với thuốc uống.

Ngoài ra, phụ huynh nhớ lưu ý nên cho con uống sữa hoặc nước trái cây cách xa thời gian uống thuốc tối thiểu là 30 phút tới một tiếng. Điều này sẽ giúp thuốc hạ sốt và thực phẩm không bị tương tác với nhau.

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt 2 Thuốc hạ sốt pha với sữa được không là thắc mắc của nhiều phụ huynh

Cách chăm sóc trẻ bị sốt

Chăm sóc tại nhà

Nếu trẻ bị sốt nhẹ, mặc quần áo thoải mái và thoáng mát để giúp trẻ thoát mồ hôi. Nếu bé toát mồ hôi nhiều, hay bù lại lượng nước bị mất bằng cách uống nước. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ 4 giờ một lần.

Trong trường hợp trẻ sốt vừa, cha mẹ có thể áp dụng những cách sau để hạ sốt cho bé:

  • Cởi bỏ bớt quần áo, mặc đồ rộng rãi và thoải mái.
  • Giảm nhiệt độ phòng, để trẻ nằm ở nơi thoáng mát nhưng không để bé bị gió lùa trực tiếp.
  • Bù nước đầy đủ cho trẻ, có thể sử dụng Oresol nếu cần.
  • Với trẻ dưới 6 tháng tuổi đang trong giai đoạn bú mẹ, cần tăng lượng bú lên.
  • Lau toàn thân bé bằng nước ấm, chú ý lau kỹ ở vùng bẹn và nách. 
  • Tắm nước ấm cho bé, dội nước ấm toàn người bé trong 5 tới 7 phút.
  • Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt? Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt trên 38 độ C. 
  • Chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt đơn hoạt chất.
  • Thuốc hạ sốt có chứa paracetamol kết hợp caffein chỉ sử dụng cho trẻ em trên 7 tuổi.

Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt 3 Lau người bằng nước ấm giúp bé hạ sốt

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?

Phụ huynh cần chú ý trong những trường hợp sau đây cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt, đó là:

  • Trẻ em dưới 4 tuổi sốt trên 39 độ C và dùng thuốc hạ sốt không đỡ.
  • Trẻ sốt kèm các triệu chứng nguy hiểm như phồng thóp trên đỉnh đầu hay cứng vùng cổ.
  • Trẻ có triệu chứng như ho nhiều, thở nhanh hay nhịp thở bất thường.
  • Trẻ em trên 4 tháng tuổi sốt cao 39 đến 40 độ C và dùng thuốc hạ sốt không thuyên giảm.
  • Bố mẹ sử dụng thuốc cho bé qua 3 ngày nhưng trẻ không đỡ sốt.
  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi nên đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, những thông tin trên mang tính tham khảo. Tùy vào thể trạng và tình hình sức khỏe của bé mà cha mẹ quyết định có nên đưa bé tới bệnh viện sớm hơn hay không.

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về thắc mắc thuốc hạ sốt pha với sữa được không. Hy vọng với bài viết, bạn có thể giải đáp được thắc mắc cũng như biết được những thông tin về cách chăm sóc trẻ bị sốt. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn sử dụng với liều lượng hiệu quả nhất nhé!

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin