Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Thuyên tắc động mạch phổi là gì? Nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị

Ngày 23/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thuyên tắc động mạch phổi là bệnh lý do cục máu đông gây tắc nghẽn trong phổi. Đến năm 2023, số lượng người mắc thuyên tắc động mạch phổi tại Mỹ mỗi năm khoảng 370.000 người trong đó có tới 60.000 - 100.000 ca tử vong. Vậy chính xác thuyên tắc động mạch phổi là gì?

Thuyên tắc động mạch phổi do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu ở phổi. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân làm xuất hiện cục máu đông và di chuyển tới phổi gây tắc nghẽn. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị bệnh thuyết tắc động mạch phổi đến người đọc.

Thuyên tắc động mạch phổi là gì và nguyên nhân dẫn đến

Thuyên tắc động mạch phổi là tình trạng một hoặc nhiều động mạch trong phổi bị tắc nghẽn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do huyết khối tĩnh mạch sâu, khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch sâu của chân hoặc ở vùng chậu, sau đó di chuyển theo dòng máu đến phổi và gây tắc nghẽn tại phổi.

Bệnh lý thuyên tắc động mạch phổi là gì? -1
Thuyên tắc động mạch phổi do cục máu đông di chuyển tới phổi

Yếu tố nguy cơ cho huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc động mạch phổi ở cả trẻ em và người lớn là tương tự nhau. Những yếu tố này bao gồm:

  • Tình trạng làm ảnh hưởng đến sự hồi phục của tĩnh mạch, như nghỉ ngơi tại giường và không đi lại. Đặc biệt là trong các trường hợp phẫu thuật như: Phẫu thuật bụng, chân, hông thường gặp thuyên tắc động mạch phổi.
  • Rối loạn tăng đông máu tiềm ẩn: Ung thư, rối loạn đông máu nguyên phát, hay những trường hợp tăng đông máu khác…
  • Mang thai và sau khi sinh: Nguyên nhân chủ yếu đến từ thay đổi lượng hormone trong cơ thể. Đồng thời lưu lượng máu cũng tăng làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc động mạch hơn.
  • Hút thuốc lá dẫn đến tổn thương mạch máu, vỡ mạch máu, làm xuất hiện huyết khối, từ đó dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi.
  • Mắc Covid-19 cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi.

Vậy chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi bằng cách nào?

Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của đánh giá các yếu tố lâm sàng của bác sĩ, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như sau:

  • Đánh giá lâm sàng: Là bước quan trọng. Bác sĩ thu thập thông tin về tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ. Các triệu chứng như khó thở đột ngột, đau ngực, ho ra máu và nhịp tim nhanh cũng được xem xét kỹ lượng trong quá trình chẩn đoán.
  • Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán: Xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm máu dùng để đo mức độ của các mảnh fibrin phân hủy trong máu, thường được sử dụng khi chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi. Mức D-dimer cao có thể gợi ý sự hiện diện của huyết khối, nhưng không đặc hiệu nên cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Đây là bước quan trọng để xác định chính xác thuyên tắc động mạch phổi. CT scan động mạch phổi được coi là phương pháp chính xác nhất để xác định thuyên tắc động mạch phổi. Phương pháp này cho phép nhìn thấy các cục máu đông đang có trong động mạch phổi. Siêu âm Doppler tĩnh mạch chân được sử dụng để phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi.
  • Chẩn đoán bổ sung: Ví dụ như đo điện tâm đồ để loại trừ các nguyên nhân khác gây triệu chứng tương tự như nhồi máu cơ tim và thực hiện X-quang ngực để loại trừ các bệnh lý khác tại phổi.
Bệnh lý thuyên tắc động mạch phổi là gì? -2
Ho ra máu là một dấu hiệu cần xem xét

Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phương pháp và kỹ thuật để đảm bảo kết quả chính xác và kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tử vong.

Điều trị thuyên tắc động mạch phổi

Điều trị thuyên tắc động mạch phổi bao gồm một loạt các phương pháp nhằm loại bỏ cục máu đông, ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông mới và cải thiện các biến chứng. Một trong những phương pháp chính là sử dụng thuốc chống đông máu và thuốc tiêu sợi huyết. Các thuốc này giúp làm tan cục máu đông nhanh chóng nhưng có nguy cơ gây chảy máu cao. Đối với các trường hợp cần can thiệp nhanh chóng và hiệu quả, thủ thuật lấy huyết khối có thể được thực hiện để loại bỏ cục máu đông trực tiếp từ động mạch phổi qua ống thông. Ngoài ra, đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ có thể được sử dụng để ngăn cục máu đông từ chân di chuyển lên phổi, phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân không thể dùng thuốc chống đông máu.

Hỗ trợ chức năng hô hấp của người bệnh là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình điều trị thuyên tắc động mạch phổi. Liệu pháp oxy giúp cung cấp oxy để cải thiện tình trạng thiếu oxy trong máu. Các trường hợp bệnh lý trở nặng, các y bác sĩ có thể sử dụng phương pháp cơ học để thông khí cho bệnh nhân. Thuốc hỗ trợ tim mạch được dùng để duy trì huyết áp và chức năng tim, đặc biệt trong các trường hợp sốc tim.

Bệnh lý thuyên tắc động mạch phổi là gì? -3
Thuốc làm tan cục máu đông và thuốc tiêu sợi huyết hiệu quả trong điều trị thuyên tắc động mạch phổi

Giải quyết tận gốc nguyên nhân của thuyên tắc động mạch phổi là cần thiết để ngăn ngừa tái phát. Điều này bao gồm điều trị các yếu tố nguy cơ và bệnh lý nền như huyết khối tĩnh mạch sâu, ung thư hoặc rối loạn đông máu. Việc nhận biết và can thiệp kịp thời vào các yếu tố nguy cơ này là rất quan trọng, việc này có thể quyết định tiên lượng sống và mức độ biến chứng của bệnh nhân.

Tổng quan về bệnh lý thuyên tắc động mạch phổi là gì, cách chẩn đoán và điều trị đã được trình bày đầy đủ trong bài viết trên. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa cũng như cần được điều trị kịp thời để trách các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin