Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu chi tiết về tình trạng hoại tử xương hàm hậu Covid

Ngày 16/09/2023
Kích thước chữ

Sau khi mắc bệnh Covid-19, không ít bệnh nhân gặp biến chứng hoại tử xương hàm. Tình trạng này được ghi nhận tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vậy hoại tử xương hàm hậu Covid là gì? Có điều trị khỏi không? Câu trả lời sẽ được làm sáng tỏ ngay sau đây.

Đại dịch Covid-19 là một bệnh nhiễm trùng chưa từng có trong lịch sử và hậu quả của nó vẫn đang được báo cáo trên toàn thế giới với các biến chứng liên quan đến các hệ cơ quan và bộ phận của cơ thể con người. Trong số đó có các trường hợp hoại tử xương hàm được báo cáo tại nhiều nước. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng hoại tử xương hàm hậu Covid.

Nguyên nhân hoại tử xương hàm hậu Covid

Theo nhiều giả thuyết, nguyên nhân dẫn đến hoại tử xương hàm ở những bệnh nhân đã từng mắc Covid-19 có thể là:

Hình thành huyết khối làm giảm máu nuôi đến xương hàm

Trong các tế bào đường hô hấp trên như tế bào niêm mạc mũi, họng có nhiều thụ thể ACE-2. Đây là một thụ thể có vai trò trung gian lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Chúng gián tiếp hỗ trợ virus gây bệnh Covid-19 tấn công và gây phản ứng viêm quá mức, làm rối loạn điều hòa miễn dịch và làm tăng cytokine. Điều này dẫn đến hình thành các huyết khối vi mạch, tăng đông máu. Vùng xương hàm mặt vì thế bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến suy yếu, chết mòn và hoại tử.

Tác dụng phụ của các thuốc điều trị Covid-19

Các loại thuốc được dùng trong điều trị các triệu chứng viêm quá phát cũng như cơn bão cytokine hầu hết là các Corticosteroid và Tocilizumab, kháng thể đơn dòng. Những loại thuốc này thường được dùng để giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid bị khó thở trầm trọng. Tác dụng phụ của Corticosteroid là kéo dài thời gian nhiễm virus, làm giảm mật độ xương và gây loãng xương. Nếu dùng thuốc này trong thời gian dài, nguy cơ hoại tử xương, trong đó có xương hàm là rất cao.

hoai-tu-xuong-ham-hau-covid-1.jpeg
Trên thế giới ghi nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương hàm hậu Covid

Suy giảm miễn dịch tại chỗ do bệnh nền

Bệnh nhân bị mắc Covid-19 có sẵn bệnh lý nền là những bệnh mãn tính, nhất là tiểu đường hay các bệnh về mạch máu sẽ giảm nghiêm trọng khả năng miễn dịch tại chỗ của cơ thể. Điều này cũng là một yếu tố nguy cơ của hoại tử xương hàm hậu Covid.

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến nguy cơ hoại tử xương hàm sau khi mắc Covid như:

  • Virus gây bệnh Covid-19 có thể làm tổn thương niêm mạc các xoang có vị trí cạnh xương hàm. Đây chính là “cửa ngõ” để nấm, vi khuẩn xâm nhập vào xương và làm xương hoại tử dần.
  • Chưa hết, mắc Covid-19 có thể khiến cơ thể tạo phản ứng miễn dịch quá mức. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể và gây ra nguy cơ đông máu quá mức trong cơ thể bao gồm cả các mạch máu nuôi xương hàm. Khi lượng máu nuôi đến xương hàm bị giảm hay gián đoạn, xương hàm sẽ dễ bị hoại tử.
  • Ngoài ra, bệnh nhân từng mắc Covid-19 cũng có thể bị hoại tử xương hàm do vi khuẩn và nấm tấn công làm tổn thương xương hàm.

Dấu hiệu nhận biết hoại tử xương hàm hậu Covid

Dấu hiệu hoại tử xương hàm hậu Covid ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau, tùy mức độ nghiêm trọng của tình trạng hoại tử. Tuy nhiên, quan sát các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau khi mắc Covid, các bác sĩ ghi nhận các triệu chứng cơ bản như:

Dấu hiệu thường gặp

Dưới đây là những triệu chứng mà hầu hết bệnh nhân hoại tử xương hàm do Covid đều gặp phải:

  • Bệnh nhân có cảm giác đau không chỉ ở vùng xương hàm mà còn đau ở vòm miệng, đau răng, đau vùng mặt. Triệu chứng này có thể xuất hiện ngay trong giai đoạn người bệnh mắc Covid. Sau khi khỏi bệnh, cảm giác đau vẫn tiếp tục kéo dài, không thuyên giảm.
  • Dấu hiệu lâm sàng dễ nhận thấy ở nhiều người bệnh là sưng vùng sọ trán, hoại tử trong xương hàm quan sát rõ và hoại tử hốc mũi lan lên nền sọ. Một số dấu hiệu khá giống viêm xoang nên nếu chưa quan sát thấy phần xương hàm bị hoại tử dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm bệnh.
  • Bệnh nhân có thể bị sưng viêm mí mắt trên, mí mắt dưới hoặc cả 2 mí mắt.
  • Người bệnh gặp khó khăn trong các động tác nhai, nuốt, nói, thậm chí khó thực hiện những cử động đơn giản của hàm.
hoai-tu-xuong-ham-hau-covid-2.jpg
Một bệnh nhân bị hoại tử xương hàm với khuôn mặt bị biến dạng

Dấu hiệu ít gặp

Ngoài những triệu chứng bên trên, một số người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng không phổ biến như:

  • Khi kiểm tra y tế, bệnh nhân bị hoại tử xương hàm hậu Covid có đặc điểm chết xương hàm với các tổn thương rỉ dịch, có mủ.
  • Vùng xương gò má, xoang mũi cũng được ghi nhận là có bị ảnh hưởng khi xương hàm bị hoại tử.
  • Một số bệnh nhân mô tả lại họ có cảm giác một bên của khuôn mặt về phía xương hàm bị hoại tử đập liên tục. Họ cũng cảm nhận được cảm giác giống như đang bị bong tróc trong khoang miệng.
  • Có những bệnh nhân, xương hàm trên lại lộ hẳn ra ngoài.
  • Một số trường hợp khác lại gặp tình trạng răng nổi trong miệng có kèm vết loét ở mũi.

Hoại tử xương hàm hậu Covid chữa thế nào?

Phần xương hàm bị hoại tử nếu không được phẫu thuật loại bỏ sẽ trở thành nơi khu trú lý tưởng của vi khuẩn và có thể gây ra sốc nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng. Bệnh hoại tử xương hàm hậu Covid cần chữa trị kịp thời để khống chế tiến triển của tình trạng hoại tử và giảm nguy cơ biến chứng.

hoai-tu-xuong-ham-hau-covid-3.jpg
Các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ phần xương hàm hoại tử

Nguyên tắc trong điều trị hoại tử xương hàm do Covid là phẫu thuật loại bỏ phần xương bị hoại tử. Sau đó sẽ tấn công bằng các thuốc kháng nấm, kháng sinh ít nhất 3 tuần và theo dõi nguy cơ tái phát. Bệnh nhân thậm chí có thể phải dùng kháng sinh, kháng nấm đến 6 tháng. Sau khi tình trạng bệnh ổn định, bác sĩ sẽ cân nhắc việc tái tạo, phục hình xương.

Nếu tình trạng hoại tử xương hàm được phát hiện ngay khi mới khởi phát, cách điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Lúc này, có thể bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, dung dịch sát khuẩn miệng,…

Hoại tử xương hàm hậu Covid trong giai đoạn đầu với các triệu chứng chưa rõ ràng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, nếu có triệu chứng nhức đầu, sưng mặt, đau răng,... bệnh nhân cần thăm khám ngay lập tức. Việc điều trị sớm sẽ khống chế không cho bệnh tiến triển nặng và phòng ngừa được nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin