Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể cho biết hệ miễn dịch đang làm việc để chống lại tác nhân gây bệnh. Sốt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các loại sốt bệnh luôn khiến chúng ta phải lo lắng.
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng tạm thời trên mức bình thường xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể đang hoạt động để chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Dấu hiệu chính của sốt là nhiệt độ cơ thể tăng cao (thường từ trên 37,5 độ C). Cùng với đó là các triệu chứng như ớn lạnh, run rẩy, đổ nhiều mồ hôi, da đỏ, mệt mỏi toàn thân, nhức đầu, đau nhức cơ thể… Sốt có khi là triệu chứng bình thường nhưng cũng có khi cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn. Việc hiểu rõ về các loại sốt bệnh vì thế rất quan trọng.
Các loại sốt không do bệnh lý
Sốt là một phản ứng hết sức thường gặp của cơ thể. Và bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể bị sốt do những nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý như:
Tiếp xúc với nhiệt độ môi trường cao, nhất là ở vùng khí hậu nóng, thiếu thốn điều kiện vật chất nên không có đủ thiết bị làm mát cơ thể.
Sốt do luyện tập nặng, hoạt động gắng sức kéo dài khiến cơ thể tăng phản ứng sinh nhiệt và có thể dẫn đến kiệt sức vì nóng.
Sau khi tiêm vacxin bị sốt là chuyện khá thường gặp, nhất là ở đối tượng trẻ em. Sốt lúc này là phản ứng miễn dịch bình thường khi cơ thể tiếp xúc với các thành phần của vắc xin.
Những trạng thái cảm xúc căng thẳng mãnh liệt như lo lắng, hoảng loạn có thể dẫn đến các phản ứng sinh lý trong cơ thể trong đó có việc tăng thân nhiệt.
Trẻ sơ sinh mọc răng, người lớn mọc răng khôn… cũng có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ.
Khi bị say nắng, cơ thể mất nước nghiêm trọng, mất cân bằng điện giải khiến nhiệt độ trong cơ thể tăng cao.
Các loại sốt bệnh do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng
Dưới góc độ y học, sốt thường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu do cơ chế phản ứng của cơ thể khi gặp các yếu tố gây bệnh. Vậy có các loại sốt bệnh nào thường gặp? Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng là những “kẻ thù thầm lặng” với sức khỏe.
Các loại sốt bệnh do nhiễm vi khuẩn
Một số nhiễm trùng vi khuẩn có thể gây ra các bệnh khác nhau với triệu chứng sốt điển hình thường là:
Viêm họng và viêm tai giữa: Gây ra bởi các vi khuẩn như Streptococcus và Haemophilus influenzae.
Viêm phổi gây ra bởi các vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae.
Viêm nhiễm đường tiết niệu thường do vi khuẩn như Escherichia coli gây ra.
Viêm màng não thường gây ra bởi các vi khuẩn như Neisseria meningitidis và Streptococcus pneumoniae.
Các loại sốt bệnh do nhiễm virus
Sốt do nhiễm trùng virus cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh như:
Cảm lạnh được gây ra bởi các loại virus như Rhinovirus, Coronavirus và Respiratory Syncytial Virus (RSV).
Cúm được gây ra do virus cúm A, B, C.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do virus dengue, lây truyền qua con muỗi Aedes.
Sốt rét xảy ra do sự lây truyền của ký sinh trùng Plasmodium.
Sốt virus có thể được gây ra bởi Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm,...
Các loại sốt bệnh do nhiễm ký sinh trùng
Trong số các loại sốt bệnh thường gặp cũng có sốt do nhiễm trùng ký sinh trùng với các bệnh như:
Sốt lây qua đường tiêu hóa được gây ra do các loại ký sinh trùng như Giardia và Entamoeba histolytica.
Sốt rét gây ra do ký sinh trùng Plasmodium.
Các loại sốt bệnh do bệnh tự miễn dịch
Ngoài nguyên nhân sốt bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các loại sốt bệnh cũng có thể xảy ra do các bệnh tự miễn hoặc ung thư. Cụ thể là: Bệnh tự miễn dịch là những bệnh mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh của chính cơ thể. Một số bệnh tự miễn dịch có thể gây sốt do viêm và phản ứng miễn dịch kéo dài như:
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) - một bệnh tự miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể như da, khớp, thận và hệ thần kinh. Người bệnh sẽ bị sốt, mệt mỏi, đau khớp, phát ban da và tổn thương các cơ quan nội tạng.
Viêm khớp dạng thấp gây viêm mãn tính ở các khớp với triệu chứng đặc trưng là: Sốt nhẹ, đau và sưng khớp, cứng khớp buổi sáng, mệt mỏi và giảm cân.
Bệnh viêm ruột (Crohn và viêm loét đại tràng) cũng đi kèm các triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy (có thể kèm máu hoặc không), người mệt mỏi và sụt cân.
Bệnh Still ở người lớn là một dạng viêm khớp tự miễn dịch hiếm gặp, có thể gây phản ứng viêm toàn thân. Người bệnh có thể bị sốt cao, phát ban màu hồng hoặc cam, đau khớp, đau cơ và sưng hạch bạch huyết.
Hội chứng Sjogren gây viêm tuyến nước bọt và tuyến nước mắt với các triệu chứng điển hình như: Sốt nhẹ, khô miệng, khô mắt, mệt mỏi và đau khớp.
Các loại sốt bệnh liên quan đến ung thư
Các loại sốt bệnh liên quan đến ung thư thường là nguy hiểm nhất. Một số nguyên nhân chính gây ra triệu chứng sốt ở các bệnh nhân ung thư như:
Ung thư có thể gây viêm tại vị trí khối u hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể. Phản ứng viêm này có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch và gây sốt.
Hệ miễn dịch của người bị ung thư thường suy yếu, đặc biệt khi họ trải qua các liệu pháp điều trị như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, và nhiễm trùng có thể gây sốt.
Khi tế bào ung thư phân hủy, chúng sẽ giải phóng các chất vào máu gây phản ứng viêm và sốt. Điều này có thể xảy ra tự nhiên hoặc là kết quả của điều trị ung thư như hóa trị hoặc xạ trị.
Một số khối u sản xuất ra các chất gây sốt, chẳng hạn như các cytokine và prostaglandin. Các chất này kích thích hệ thống miễn dịch và trung tâm điều chỉnh nhiệt độ trong não, gây ra triệu chứng sốt.
Các loại ung thư như bệnh bạch cầu và u lympho có thể gây sốt trực tiếp do chúng ảnh hưởng đến hệ thống máu và miễn dịch.
Các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch có thể gây ra các phản ứng phụ như sốt. Sốt có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc do giảm bạch cầu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cần làm gì gặp các loại sốt bệnh?
Các loại sốt bệnh được xác định trước hết bằng cách loại trừ các trường hợp sốt không do bệnh lý đã kể đến ở trên. Khi bị sốt vì bất cứ lý do gì, bạn cũng cần áp dụng ngay các cách hạ sốt và chăm sóc cơ thể. Việc nghỉ ngơi, ăn đủ chất, uống đủ nước vô cùng quan trọng. Việc uống nước giúp làm mát cơ thể, hỗ trợ chức năng thải độc. Việc dùng thuốc hạ sốt (paracetamol hoặc ibuprofen) cần phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể. Thuốc aspirin và ibuprofen không dùng trong trường hợp sốt xuất huyết.
Khi bị sốt, người bệnh cần được theo dõi triệu chứng và đưa đến bác sĩ nếu sốt kéo dài (sau 3 - 4 ngày), khó thở, đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, đau cứng cổ, nhức đầu nghiêm trọng…
Nếu có các yếu tố nguy cơ như trên 65 tuổi, mắc các bệnh mãn tính, hệ miễn dịch suy yếu, đang mang thai… người bệnh cần được đi khám càng sớm càng tốt.
Sốt là một triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chỉ ra nhiều vấn đề khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả ung thư hay bệnh lý nghiêm trọng. Mỗi loại sốt có các triệu chứng, cơ chế gây bệnh và phương pháp điều trị riêng. Do đó, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt để biết bệnh nhân có gặp một trong các loại sốt bệnh và điều trị sớm là rất quan trọng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm