Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lupus ban đỏ hệ thống là gì? Tại sao bạn mắc bệnh?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn với triệu chứng thường gặp gồm ban đỏ hình cánh bướm ở mũi và má, đau khớp, mệt mỏi. Không có cách chữa khỏi bệnh, các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giúp kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn ngừa xuất hiện biến chứng. Hầu hết người bệnh lupus ban đỏ hệ thống đều có thể sống một cuộc sống bình thường nếu được điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Hệ thống miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh bằng cách chống lại các vật lạ, các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào bên trong như vi khuẩn, virus,... Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công cơ thể của chính bạn vì nó xem các tế bào của cơ thể là vật lạ. Từ đó gây viêm lan rộng và tổn thương tế bào các cơ quan. Hiện nay có nhiều bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, Basedow, thiếu máu tan máu tự miễn,...

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lupus phổ biến nhất hiện nay, đây là bệnh lý tự miễn mạn tính và liên quan đến nhiều hệ thống của cơ thể. Theo thống kê của Mỹ, có ít nhất 1,5 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh lupus, và số lượng thực tế có thể cao hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có nhiều triệu chứng khác nhau và các triệu chứng này có thể thay đổi theo thời gian. Ở người trưởng thành, bệnh thường xuất hiện các đợt bùng phát xen kẽ với các đợt thuyên giảm, và tùy mỗi người mà thời gian thuyên giảm có thể dài hay ngắn. Các triệu chứng thường gặp gồm:

Biểu hiện toàn thân

Các triệu chứng biểu hiện toàn thân xuất hiện ở hơn 90% người bệnh mắc lupus ban đỏ hệ thống và thường là các dấu hiệu ban đầu của bệnh.

  • Sốt;
  • Chán ăn;
  • Sụt cân;
  • Mệt mỏi thường xuyên.

Biểu hiện niêm mạc và da

Hơn 80% người bệnh có tổn thương niêm mạc, và đây là triệu chứng có thể coi là đặc hiệu cho lupus ban đỏ hệ thống.

  • Ban đỏ da cấp tính: Có thể khu trú ở má hoặc toàn thân. Đặc trưng bằng phát ban ở má hoặc ban hình cánh bướm ở má và sống mũi. Tổn thương dạng cấp tính này thường không để lại sẹo.
  • Ban đỏ da bán cấp: Là ban xuất hiện sau tiếp xúc ánh sáng, thường lan rộng, không để lại sẹo, không cứng, có hình khuyên và sẩn vảy.
  • Ban đỏ da mạn tính: Lupus ban đỏ dạng đĩa, mụn cóc, bệnh lupus ban đỏ viêm mô mỡ, lupus ban đỏ dạng đĩa lichen hóa,... Biểu hiện bằng các ban đỏ hoặc mảng hồng ban có hình đĩa, có vảy.
  • Loét miệng và mũi: Thường gặp ở người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, không đau. Ban đầu chỉ là một ban đỏ, dần dần xuất hiện tình trạng xuất huyết và trợt hoặc loét.
  • Rụng tóc: Rụng tóc có sẹo (trong bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa), hoặc tóc giòn dễ gãy.
  • Biểu hiện khác: Mề đay, hiện tượng Raynaud (ngón tay biến đổi sang màu trắng hoặc xanh sau khi tiếp xúc lạnh), Bọng nước, lichen phẳng, loét chân,...

Biểu hiện cơ xương khớp

Dưới đây là một số triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống biểu hiện trên cơ xương khớp:

  • Viêm khớp lupus: Là bệnh viêm khớp đối xứng, không bào mòn xương, thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như khớp bàn tay, khớp bàn chân, khớp gối, khớp cổ tay.
  • Viêm cơ: Khoảng 20% người bệnh có nguy cơ mắc đau cơ xơ hóa.
  • Bệnh khớp Jaccoud: Do bao khớp và dây chằng bị lỏng lẻo dẫn đến biến dạng khớp như lệch trụ, bán trật khớp có thể khiến lầm tưởng bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Hoại tử vô mạch (hay hoại tử xương): Có thể xảy ra ở 10% người bệnh, thường xảy ra 2 bên và gặp nhiều ở khớp hông.

Biểu hiện huyết học

Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây ảnh hưởng đến huyết học, cụ thể:

  • Thiếu máu: Trường hợp này gặp ở hơn 50% trường hợp mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống và thường là thiếu máu mạn tính. Các nguyên nhân gây thiếu máu gồm thiếu sắt, thiếu máu do tán huyết, hoặc thiếu máu do các bệnh tự miễn khác.
  • Giảm bạch cầu: Bệnh gây giảm bạch cầu trung tính hoặc bạch cầu lympho.
  • Giảm tiểu cầu.
  • Viêm hạch.
  • Lách to.
Lupus ban đỏ hệ thống là gì? Tại sao bạn mắc bệnh? 4
Thiếu máu xuất hiện ở hơn 50% trường hợp bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Biểu hiện tâm thần kinh

Cả thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương đều có thể bị tổn thương trong lupus ban đỏ hệ thống.

  • Đau đầu khó chữa;
  • Cơn động kinh;
  • Viêm màng não;
  • Viêm dây thần kinh thị giác;
  • Viêm tủy;
  • Bệnh nhược cơ;
  • Viêm đa dây thần kinh;
  • Viêm đơn dây thần kinh;
  • Bệnh lý thần kinh tự chủ.

Biểu hiện tại thận

Viêm thận lupus là biến chứng phổ biến của bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Từ tiểu protein dưới ngưỡng thận hư đến viêm cầu thận tiến triển đến tổn thương thận mạn tính. Nếu bạn có triệu chứng như tiểu máu, tiểu protein, phù chi dưới, tăng huyết áp mới chẩn đoán, tăng creatinin có thể bạn đã mắc viêm thận lupus.

Các bệnh lý khác có thể gặp ở thận gồm bệnh lý huyết khối vi mạch, viêm ống kẽ thận cấp, xơ vữa động mạch, viêm mạch.

Biểu hiện tại phổi

Viêm màng phổi là bệnh lý phổ biến nhất và không phải lúc nào cũng gây tràn dịch màng phổi. Các biểu hiện khác tại phổi gồm tràn dịch màng phổi, bệnh phổi kẽ (gồm viêm phổi kẽ không đặc hiệu và viêm phổi kẽ thông thường), tăng áp động mạch phổi, thuyên tắc phổi.

Biểu hiện tại tim

Lupus ban đỏ hệ thống có thể tổn thương bất kỳ cấu trúc nào của tim như màng ngoài tim, cơ tim, nội tâm mạc và cả động mạch vành. Viêm màng ngoài tim là biểu hiện tại tim thường gặp nhất. Chèn ép tim và viêm cơ tim hiếm gặp. Người bệnh mắc lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành do xơ vữa.

Biểu hiện tại đường tiêu hóa

Bệnh có thể tác động đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Các biểu hiện gồm rối loạn vận động của thực quản (chủ yếu ⅓ trên), viêm mạch máu mạc treo, viêm tụy, viêm phúc mạc, viêm ruột lupus, hội chứng Budd-Chiari, tắc tĩnh mạch gan,...

Biểu hiện khác

Lupus ban đỏ hệ thống còn có thể gây ra một số tổn thương khác như:

  • Tổn thương mắt khá phổ biến, khô mắt do giảm sản xuất nước mắt là biểu hiện thường gặp nhất. Các biểu hiện khác như viêm dây thần kinh thị giác, viêm màng bồ đào, viêm củng mạc, viêm loét giác mạc. Người bệnh cũng dễ bị tổn thương mắt do thuốc hơn so với người bình thường như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
  • Tổn thương tai như mất thính giác đột ngột.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Khi bạn mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống thời gian dài hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh sẽ tiến triển đến tổn thương và gây ra biến chứng lên các cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể đe dọa tính mạng của bạn, bao gồm:

  • Đột quỵ;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Suy giảm trí nhớ;
  • Thay đổi hành vi;
  • Cơn động kinh;
  • Viêm màng ngoài tim;
  • Viêm phổi và viêm màng phổi;
  • Suy giảm chức năng thận;
  • Huyết khối (cục máu đông) và nhiễm trùng mạch máu hoặc viêm mạch;
  • Ngoài ra, khi bạn có thai, bệnh sẽ tác động xấu lên cơ thể khiến bạn có thể sảy thai, tiền sản giật, huyết khối.

Nguyên nhân tử vong do bệnh lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu do bệnh tiến triển gây suy cơ quan, nhiễm trùng hoặc bệnh tim mạch do xơ vữa.

Lupus ban đỏ hệ thống là gì? Tại sao bạn mắc bệnh? 5
Nguyên nhân tử vong do bệnh lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu do bệnh tiến triển gây bệnh tim mạch do xơ vữa

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả giúp giảm biến chứng của bệnh và cải thiện cuộc sống tốt hơn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Xuất hiện ban đỏ sau khi tiếp xúc ánh nắng;
  • Có bất kỳ biểu hiện tại da, tim, thận, phổi nêu trên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lupus ban đỏ hệ thống

Nguyên nhân chính xác của bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa được biết đến, tuy nhiên các nhà nghiên cứu nhận thấy một số yếu tố có liên quan đến khả năng mắc bệnh:

Di truyền

Lupus ban đỏ hệ thống không liên quan đến một gen nhất định. Tuy nhiên những người mắc bệnh thường có người thân trong gia đình mắc các bệnh tự miễn khác.

Môi trường

Các yếu tố môi trường có thể kích hoạt bệnh:

  • Tia cực tím;
  • Thuốc;
  • Virus;
  • Stress về thể chất hoặc tinh thần;
  • Chấn thương;
  • Giới tính và hormone: Lupus ban đỏ hệ thống xuất hiện ở nữ nhiều hơn ở nam. Các triệu chứng ở nữ có thể nặng hơn trong thời gian mang thai và trong kỳ kinh nguyệt. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc lupus ban đỏ hệ thống

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải lupus ban đỏ hệ thống:

  • Lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến mọi độ tuổi kể cả trẻ em. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy phụ nữ ở tuổi sinh nở từ 15 đến 44 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
  • Người da đen, người Mỹ gốc Phi, người châu Á, người da đỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da trắng.
  • Những người tiền sử trong gia đình có người thân mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người không có.
  • Những người mắc các bệnh tự miễn khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lupus ban đỏ hệ thống

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lupus ban đỏ hệ thống có thể kể đến như:

  • Tuổi: Bệnh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nhưng vẫn gặp ở trẻ em và người lớn tuổi. Lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em thường nặng hơn với tỷ lệ cao biểu hiện ở thận, tim, bất thường về huyết học và gan lách to. Ở người lớn tuổi bệnh thường diễn tiến âm thầm và thường gây tổn thương đến phổi, thận và tổn thương tâm thần kinh.
  • Giới: Bệnh thường gặp ở nữ hơn ở nam, với tỷ lệ nữ/nam là 9/1. Tuy nhiên dù hiếm gặp nhưng lupus ban đỏ hệ thống ở nam giới có xu hướng nặng hơn. Nam giới có biểu hiện chủ yếu ở da, gây bệnh thận, huyết khối, bệnh tim mạch thường xuyên hơn ở nữ.
  • Hút thuốc lá.
  • Stress.
Lupus ban đỏ hệ thống là gì? Tại sao bạn mắc bệnh? 6
Stress là một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải lupus ban đỏ hệ thống

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống

Khi đến khám, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, kiểm tra và khám các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh lupus gồm:

  • Ban đỏ do nhạy cảm với ánh nắng mặt trời ở má hoặc có hình cánh bướm;
  • Loét niêm mạc miệng hoặc mũi;
  • Viêm khớp với triệu chứng sưng, đau các khớp nhỏ như khớp bàn tay, khớp bàn chân, khớp gối, khớp cổ tay;
  • Rụng tóc, tóc mỏng;
  • Dấu hiệu và triệu chứng của tim hoặc phổi như tiếng thổi, tiếng cọ màng tim, hoặc nhịp tim không đều.

Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chính xác bệnh lupus ban đỏ hệ thống do đó chỉ định các xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác:

  • Xét nghiệm máu như xét nghiệm kháng thể (như kháng thể kháng nhân), công thức máu toàn bộ, nồng độ bổ thể C3 và C4.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • X-quang ngực.

Phương pháp điều trị lupus ban đỏ hệ thống

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn lupus ban đỏ hệ thống. Mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và cơ quan của cơ thể đang bị tổn thương.

Nếu chẩn đoán muộn, điều trị kém hiệu quả hay tuân thủ không tốt có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng của bệnh, tăng nguy cơ tử vong cho người mắc bệnh.

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau và sưng khớp.
  • Corticosteroid hoặc ức chế calcineurin bôi nếu có biểu hiện da.
  • Corticosteroid uống để giảm phản ứng miễn dịch.
  • Thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine là lựa chọn đầu tiên cho viêm lhopws lupus.
  • Thuốc ức chế miễn dịch khi bệnh tiến triển nặng.
  • Điều trị loãng xương (nếu có).
  • Hướng dẫn người bệnh theo dõi các biến chứng của bệnh và của thuốc.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lupus ban đỏ hệ thống

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên;
  • Xây dựng thói quen tập luyện thể dục hợp lý;
  • Tham gia các tổ chức hoặc hội nhóm cộng đồng để giữ tinh thần vui vẻ và thoải mái;
  • Hạn chế tiếp xúc ánh sáng và ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng và đồ tránh nắng khi ra đường.
Lupus ban đỏ hệ thống là gì? Tại sao bạn mắc bệnh? 7
Nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da trước ánh sáng mặt trời

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh các thực phẩm hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ,...
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa lupus ban đỏ hệ thống hiệu quả

Bạn không thể phòng ngừa bệnh, tuy nhiên hãy phòng ngừa các đợt bùng phát bệnh để bệnh không tiến triển nhanh hoặc xuất hiện biến chứng:

  • Theo dõi triệu chứng bệnh và tái khám thường xuyên;
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Không hút thuốc lá;
  • Vận động thể lực và giữ tinh thần lạc quan;
  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng;
  • Trước khi sử dụng thuốc nào đó hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
Nguồn tham khảo
  1. Systemic Lupus Erythematosus (SLE): https://www.healthline.com/health/systemic-lupus-erythematosus
  2. Systemic Lupus Erythematosus (SLE): https://www.cdc.gov/lupus/facts/detailed.html
  3. Systemic Lupus Erythematosus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535405/
  4. What are systemic lupus erythematosus (SLE) and other types of lupus?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323653
  5. Systemic Lupus Erythematosus (SLE): https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/autoimmune-rheumatic-disorders/systemic-lupus-erythematosus-sle 

Các bệnh liên quan

  1. Bỏng da

  2. Hăm tã

  3. Gai đen

  4. Viêm da dị ứng

  5. Mụn cóc, hạt cơm

  6. Vàng da

  7. Mụn cóc phẳng

  8. Nứt gót chân

  9. Viêm nang lông

  10. Hạ cam mềm