Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do muỗi lây truyền, thường xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sốt xuất huyết nhẹ gây sốt cao và có các triệu chứng giống như cảm cúm. Trong trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng, suy đa cơ quan hoặc thậm chí là tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus lây truyền bởi muỗi sang người, bệnh thường xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Hầu hết người bệnh mắc sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng. Trong trường hợp có triệu chứng, các biểu hiện phổ biến nhất là sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban. Hầu hết các trường hợp sẽ thuyên giảm trong vòng 1 đến 2 tuần. Một số người bị sốt xuất huyết nặng có thể cần chăm sóc và theo dõi tại bệnh viện. Trong trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể gây tổn thương đa cơ quan, sốc hoặc thậm chí là tử vong.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết bằng cách tránh muỗi đốt, đặc biệt là vào ban ngày. Việc điều trị hiện tại của sốt xuất huyết là quản lý các triệu chứng, vì chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho tình trạng này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt xuất huyết

Hầu hết những người bệnh mắc sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và sẽ khỏi bệnh sau 1 đến 2 tuần. Hiếm khi sốt xuất huyết có thể nặng và dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp nếu có triệu chứng, chúng thường xuất hiện bắt đầu từ 4 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài trong 2 đến 7 ngày. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt cao (khoảng 40 độ C);
  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau phía sau mắt;
  • Đau cơ và khớp;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Sưng hạch;
  • Phát ban.

Những người mắc sốt xuất huyết lần 2 có nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Các triệu chứng sốt xuất huyết nặng thường xuất hiện sau khi hết sốt, bao gồm:

  • Đau bụng nghiêm trọng;
  • Nôn mửa dai dẳng;
  • Thở nhanh;
  • Chảy máu nướu răng hoặc mũi;
  • Mệt mỏi;
  • Bồn chồn;
  • Máu trong phân hoặc nôn ra máu;
  • Rất khát;
  • Da nhợt và lạnh;
  • Cảm giác yếu.
Sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nôn ra máu là một trong những dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sốt xuất huyết

Các biến chứng có thể gặp của sốt xuất huyết bao gồm:

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết nặng không được điều trị có thể có tỷ lệ tử vong từ 10% đến 20%. Việc được điều trị và chăm sóc phù hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống 1%.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sốt xuất huyết nặng là một trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu gần đây bạn đến khu vực được biết là có dịch sốt xuất huyết, khi bạn bị sốt và xuất hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa, khó thở hoặc chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, tiêu ra máu hoặc nôn ra máu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết xảy ra do một trong bốn loại virus sốt xuất huyết gây ra. Bệnh sốt xuất huyết không lây từ người sang người mà lây truyền qua vết muỗi đốt.

Có hai loại muỗi chính truyền virus sốt xuất huyết là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó, Aedes aegypti liên quan đến hầu hết các trường hợp lây truyền sốt xuất huyết. Hai loại muỗi này sống xung quanh nơi ở của con người. Khi muỗi đốt người nhiễm bệnh, virus sẽ xâm nhập vào muỗi. Sau đó, muỗi nhiễm bệnh sẽ đốt người khác, virus sẽ đi vào máu của người đó và gây nhiễm bệnh.

Sau khi khỏi bệnh sốt xuất huyết, bạn có khả năng miễn dịch lâu dài với virus sốt xuất huyết đã gây bệnh. Tuy nhiên, có tới 4 loại virus sốt xuất huyết và sẽ không đồng nghĩa với việc bạn có khả năng miễn dịch với 3 loại còn lại. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể bị sốt xuất huyết do 3 virus còn lại. Đặc biệt, nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng sẽ tăng lên nếu bạn bị sốt xuất huyết lần thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư.

Sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Có tổng cộng 4 chủng virus sốt xuất huyết gây bệnh ở người

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết?

Ai cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là những người sống trong khu vực bệnh lưu hành. Khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với ước tính 100 đến 400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết được tìm thấy chủ yếu ở khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới.

Việc đô thị hoá (đặc biệt là đô thị hoá không có kế hoạch) có liên quan đến sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết thông qua nhiều yếu tố xã hội và môi trường như mật độ dân số, khả năng di chuyển của con người, khả năng tiếp cận nguồn nước, dự trữ nước.

Các yếu tố nguy cơ cộng đồng đối với bệnh sốt xuất huyết còn phụ thuộc vào kiến thức, thái độ và thực hành của người dân đối với bệnh sốt xuất huyết cũng như việc thực hiện hoạt động phòng chống muỗi truyền bệnh trong cộng đồng.

Do đó, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi theo biến đổi khí hậu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, và các loại muỗi truyền bệnh có thể thích nghi với môi trường và khí hậu mới.

Sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Việc đô thị hoá không có kế hoạch có liên quan đến sự lây truyền của bệnh sốt xuất huyết

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm sốt xuất huyết

Chẩn đoán sốt xuất huyết dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Tiêu chuẩn chẩn đoán sốt xuất huyết bao gồm:

  • Có thể là bệnh sốt xuất huyết: Người bệnh sống hoặc đi đến vùng lưu hành bệnh. Người bệnh có sốt và hai trong số các triệu chứng sau gồm buồn nôn, nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, nghiệm pháp dây thắt dương tính hoặc giảm bạch cầu.
  • Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết: Đau bụng, nôn mửa dai dẳng, tràn dịch màng phổi hoặc bụng, chảy máu niêm mạc, hôn mê, gan to hơn 2cm, tăng Hct và giảm tiểu cầu.
  • Sốt xuất huyết nặng: Sốt xuất huyết với mất nước nghiêm trọng, xuất huyết, rối loạn chức năng cơ quan gồm tăng men gan (>1000U/L), rối loạn ý thức, rối loạn chức năng tim và phổi.
  • Cảnh báo về sốc sốt xuất huyết: Các triệu chứng gồm Hct tăng nhanh, đau bụng dữ dội, nôn mửa dai dẳng và huyết áp kẹp hoặc không có.

Kháng nguyên virus sốt xuất huyết có thể phát hiện bằng ELISA, PCR hoặc phân lập virus từ dịch cơ thể. Chẩn đoán được xác nhận bằng nuôi cấy, phát hiện kháng nguyên, PCR hoặc xét nghiệm huyết thanh học.

Điều trị sốt xuất huyết

Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị và theo dõi tại nhà bằng thuốc giảm đau hạ sốt. Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh sốt xuất huyết, trọng điểm là quản lý các triệu chứng như sốt.

Acetaminophen thường được sử dụng để kiểm soát triệu chứng sốt. Tránh dùng các thuốc như ibuprofen, aspirin (nhóm thuốc chống viêm không steroid) vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Các trường hợp sốt xuất huyết nặng cần được nhập viện để theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của sốt xuất huyết

Để hạn chế diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng bạn cần làm khi nhiễm bệnh là:

  • Nghỉ ngơi;
  • Uống nhiều nước;
  • Có thể sử dụng acetaminophen để giảm sốt;
  • Tránh dùng các thuốc như thuốc chống viêm không steroid (ví dụ như ibuprofen và aspirin);
  • Theo dõi các triệu chứng nghiêm trọng để có thể đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và uống nhiều nước khi bạn bị sốt xuất huyết

Phòng ngừa sốt xuất huyết

Đặc hiệu

Vaccine sốt xuất huyết được phê duyệt sử dụng cho trẻ em từ 9 đến 16 tuổi được xác định nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó và sống ở khu vực có lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết. Tại Mỹ, các khu vực lưu hành bệnh bao gồm một số vùng lãnh thổ (vaccine này không được chấp thuận tiêm cho du khách đến thăm nhưng không sống trong khu vực lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết).

Tại Puerto Rico, vaccine sốt xuất huyết là một phần trong lịch tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Tại Việt Nam, hiện tại vẫn chưa đưa vaccine sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng.

Không đặc hiệu

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày. Giảm nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bằng cách bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt bằng các cách sau:

  • Mặc quần áo che càng nhiều cơ thể càng tốt;
  • Ngủ mùng kể cả là ban ngày, phun thuốc chống côn trùng;
  • Đóng cửa sổ;
  • Dùng thuốc đuổi muỗi.

Các câu hỏi thường gặp về sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có lây truyền từ người sang người không?

Bệnh sẽ không lây truyền trực tiếp từ người nhiễm bệnh sang người lành. Sốt xuất huyết lây truyền thông qua việc bị muỗi nhiễm virus đốt phải. Muỗi sẽ đốt người nhiễm bệnh sốt xuất huyết, sau đó muỗi bị nhiễm virus và đốt người khác khiến người đó bị nhiễm bệnh.

Tôi mang thai và bị sốt xuất huyết thì có lây cho con mình không?

Nếu người mang thai nhiễm sốt xuất huyết, bệnh có thể lây truyền sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.

Tôi nên làm gì để kiểm soát triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết?

Kiểm soát triệu chứng là cách duy nhất để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc hạ sốt như acetaminophen. Bên cạnh đó, bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Hãy theo dõi các triệu chứng cảnh báo của sốt xuất huyết để có thể kịp thời đến cơ sở y tế nếu bệnh trở nặng.

Bệnh sốt xuất huyết kéo dài trong bao lâu?

Thông thường, các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy khỏe hơn sau đó, trừ một số ít trường hợp sốt xuất huyết nặng cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.

Tôi có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần không?

Bạn có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần, bởi vì có tới 4 chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết. Trên thực tế, nếu đã nhiễm chủng virus sốt xuất huyết nào, bạn sẽ có miễn dịch với loại đó, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc miễn dịch với 3 loại còn lại. Đồng thời, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết nặng sẽ tăng lên nếu nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần.

Nguồn tham khảo
  1. Dengue: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/arboviruses,-arenaviridae,-and-filoviridae/dengue
  2. Dengue Fever: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430732/
  3. Dengue: https://emedicine.medscape.com/article/215840-overview
  4. Dengue and severe dengue: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue
  5. Dengue: https://www.cdc.gov/dengue/index.html
  6. Dengue fever: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dengue-fever/symptoms-causes/syc-20353078

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh ấu trùng da di chuyển

  2. Bệnh rubeon

  3. Ebola

  4. Bệnh do vi-rút Zika

  5. Bệnh Chagas

  6. Tả

  7. Ho gà

  8. Nhiễm Shigella

  9. Nhiễm Herpes zoster

  10. Lao kê