Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về rối loạn thân nhiệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ

Rối loạn thân nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao hoặc giảm xuống quá thấp. Tình trạng này bao gồm hạ thân nhiệt do thời tiết lạnh hoặc sốc nhiệt khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài.

Nhiệt độ trên cơ thể chúng ta thay đổi tùy theo thời điểm đo trong ngày và mức độ vận động thể lực. Tuy nhiên, nhiệt độ thay đổi phải nằm trong khoảng cho phép. Nếu vượt qua ngưỡng, người bệnh được xác định đã bị rối loạn thân nhiệt. Cùng tìm hiểu về tình trạng hạ thân nhiệttăng thân nhiệt qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về tình trạng rối loạn thân nhiệt

Cơ thể con người có khả năng tự điều hòa nhiệt độ theo môi trường, đây là ưu điểm của quá trình tiến hóa để thích nghi với các điều kiện sống khác nhau. Nhiệt độ cơ thể người bình thường đo được nằm trong khoảng từ 36 đến 37,5 độ C, với mức nhiệt trung bình là 36,8 độ C.

Khi nhiệt độ cơ thể vượt ngưỡng dưới hoặc trên mức bình thường, được gọi là rối loạn thân nhiệt. Tình trạng này bao gồm tăng thân nhiệt và hạ thân nhiệt, cần phải được phát hiện và xử trí kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Rối loạn thân nhiệt 01
Rối loạn thân nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể vượt ra khoảng bình thường

Hạ thân nhiệt

Định nghĩa

Khi nhiệt từ cơ thể sinh ra không đủ bù đắp lại lượng nhiệt đã mất đi, bạn sẽ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt được xác định khi nhiệt độ cơ thể đo bằng nhiệt kế ở mức dưới 35 độ C.

Mức thân nhiệt hạ quá sâu và kéo dài, có thể gây ra nhiều rối loạn chức năng tại các cơ quan trọng trong cơ thể như phổi, tim, não bộ,... Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn thân nhiệt có thể dẫn đến suy tim, suy hô hấp và tuần hoàn, có thể đe dọa cả tính mạng.

Hiện nay, tình trạng hạ thân nhiệt được phân loại thành 3 mức độ như sau:

  • Hạ thân nhiệt mức độ nhẹ: Nhiệt độ từ 32 đến 35 độ C.
  • Hạ thân nhiệt mức độ trung bình: Nhiệt độ từ 28 đến 32 độ C.
  • Hạ thân nhiệt mức độ nặng: Nhiệt độ dưới 28 độ C.

Nguyên nhân

Hạ thân nhiệt thường xảy ra khi cơ thể tiếp xúc lâu trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc nước lạnh, mà không được trang bị quần áo đầy đủ hoặc không kiểm soát được nhiệt độ. Cụ thể, các nguyên nhân thường dẫn đến hạ thân nhiệt bao gồm.

  • Mặc quần áo không đủ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh.
  • Ở trong cái lạnh quá lâu.
  • Điều kiện sưởi ấm trong nhà không đủ hoặc do điều hòa chỉnh nhiệt độ quá thấp, đặc biệt đối với người già và trẻ sơ sinh.
  • Không nhận ra được quần áo ướt hoặc di chuyển đến vị trí có điều kiện ấm khô.
  • Tình cờ rơi vào nước lạnh, ví dụ như gặp tai nạn khi chèo thuyền.
Rối loạn thân nhiệt 02
Hạ thân nhiệt xảy ra khi cơ thể ở trong điều kiện thời tiết lạnh quá lâu

Điều trị

Rối loạn thân nhiệt nói chung và hạ thân nhiệt nói riêng có khả năng đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, người bệnh cần được sơ cấp cứu ngay. Các bước sơ cứu ban đầu bao gồm:

  • Cởi bỏ quần áo bị ướt.
  • Ủ ấm cơ thể bằng cách chườm ấm, quần áo khô hoặc chăn ấm.
  • Đưa người bệnh đến nơi khô ráo, kín hướng gió.
  • Uống nước ấm hoặc trà gừng nóng để giữ ấm cơ thể.
  • Dùng nhiệt kế xác định nhiệt độ.
  • Nếu người bệnh bất tỉnh, không thấy mạch hoặc ngừng thở, gọi cấp cứu đến ngay lập tức. Hồi sức tim phổi (CRP) cần phải được tiến hành ngay, nếu không thấy có dấu hiệu mạch đập hoặc hít thở.

Một số thông tin cần biết về sốc nhiệt

Định nghĩa

Sốc nhiệt được định nghĩa là tình trạng thân nhiệt cơ thể tăng vượt quá 40 độ C và kèm theo các biểu hiện rối loạn thần kinh như mất ý thức, co giật hoặc hôn mê.

Sốc nhiệt được phân loại thành 2 nhóm sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức với biểu hiện lâm sàng tương tự nhau, mặc dù khác nhau về cơ chế bệnh sinh.

Sốc nhiệt kinh điển (classic heat stroke):

  • Hay gặp ở đối tượng người già, sức khỏe suy giảm, trẻ em, người có bệnh lý thần kinh, tim mạch hoặc các bệnh lý rối loạn nội tiết.
  • Sốc nhiệt kinh điển xảy ra do tiếp xúc thụ động trong môi trường có nhiệt độ cao, kéo dài trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heat stroke):

  • Hay gặp ở người trẻ tuổi, sức khỏe tốt và có chức năng điều hòa nhiệt độ cơ thể bình thường.
  • Thường phơi nhiễm với nhiệt trong môi trường nhiệt độ cao, đồng thời nhiệt sinh ra từ trong cơ thể khi chơi thể thao, hoạt động gắng sức.
Rối loạn thân nhiệt 03
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nắng nóng kéo dài

Điều trị

Khi phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện sốc nhiệt, cần ngay lập tức gọi cấp cứu để được chăm sóc kịp thời. Hai nhiệm vụ chính cần làm là hạ thân nhiệt và hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan trong cơ thể. Các bước sơ cứu khi sốc nhiệt bao gồm:

  • Di chuyển bệnh nhân tránh xa môi trường có nhiệt độ cao, cởi bớt quần áo, chuyển tới nơi có bóng mát.
  • Làm mát tức thì bằng cách phủ khăn mát hay tưới nước mát lên người cho nạn nhân.
  • Bật quạt cho thoáng khí.
  • Cho nạn nhân uống nhiều nước mát hoặc các loại đồ uống không cồn và không cafein khác, nếu còn uống được.
  • Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) nếu nạn nhân mất ý thức và không thấy có dấu hiệu mạch đập, hô hấp và cử động. 

Bài viết đã cung cấp các thông tin y tế liên quan đến chủ đề rối loạn thân nhiệt, bao gồm tình trạng hạ thân nhiệt trong điều kiện lạnh và sốc nhiệt khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài. Mặc dù cơ thể chúng ta có cơ chế tự điều hòa nhiệt độ, tuy vậy bạn cũng cần biết cách bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin