Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Các vết bớt sắc tố thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và cũng có thể xuất hiện ở trẻ lớn và thanh thiếu niên. Nguyên nhân chủ yếu của chúng là do sự phát triển quá mức của tế bào tạo sắc tố trên da. Mặc dù hầu hết các vết bớt sắc tố này thường không gây hại, nhưng vẫn có một số trường hợp được xem là dấu hiệu cho các thay đổi bất thường trong cơ thể hoặc do yếu tố di truyền.
Vết bớt từ lâu được xem là những vùng da có màu sắc khác lạ trên cơ thể xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh. Bớt sắc tố ở da có nhiều màu khác nhau như nâu, đen, xanh nhạt,... Cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết sau để phân biệt được các loại bớt sắc tố cũng như cách điều trị nếu chúng là biểu hiện khi cơ thể có những thay đổi bất thường nhé.
Bớt sắc tố là một loại tổn thương da lành tính, có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Hầu hết chúng xuất hiện do sự tăng sinh tế bào sắc tố tạo nên một đốm hoặc mảng da trông khác với vùng da xung quanh. Thông thường các vết bớt sắc tố có nhiều màu sắc khác nhau như nâu, đen, xanh hoặc xanh tím.
Hầu hết các vết bớt đều có từ khi sinh ra và khá lành tính, không gây đau đớn. Chúng có thể mờ dần theo thời gian hoặc không. Vậy nên bạn có thể lựa chọn các phương pháp phẫu thuật loại bỏ chúng. Tuy nhiên một số vết bớt lại có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da hoặc liên quan đến các thay đổi bất thường của cơ thể.
Vết bớt sắc tố da là những vùng da khác màu bình thường. Chúng có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau, thường dao động từ nâu hoặc đen đến hơi xanh hoặc xám xanh. Các loại vết bớt sắc tố phổ biến bao gồm:
Vết bớt loại OTA thường xuất hiện trên vùng da ở mặt do sự phát triển quá mức của các tế bào sắc tố tại lớp hạ bì, đặc biệt là vùng trán và quanh mắt. Vết bớt có thể có màu nâu, đen hoặc xanh. Vết bớt ITO và bớt hori cũng tương tự như bớt OTA nhưng loại bớt IOT thường xuất hiện ở vùng vai và cánh tay hơn, còn Hori thì xuất hiện ở cả hai xương gò má.
Bớt Becker là một loại bớt xuất hiện khá muộn ở trẻ lớn hay thanh thiếu niên nên không phải do yếu tố di truyền. Các vết bớt loại Becker xuất hiện do có sự phát triển mạnh của lớp thượng bì, nang lông và tế bào sắc tố. Vết bớt sắc tố này thường xuất hiện ở vùng vai và thân trên cơ thể với màu nâu. Vùng da này thường dày hơn, có lông rậm và có thể hình thành các mụn trứng cá.
Dát cà phê sữa là một tình trạng tăng sắc tố da đặc trưng, thường biểu hiện dưới dạng các vết màu nâu đồng nhất hình tròn hoặc hình bầu dục, có ranh giới rõ ràng với da xung quanh. Loại tổn thương da này thường không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của cơ thể. Tuy nhiên, vết bớt sắc tố này có thể xuất hiện do một số hội chứng di truyền hiếm như u xơ thần kinh loại I, loại II, hoặc hội chứng McCune Albright.
Bớt Mông Cổ là một dạng bớt sắc tố ở da thường gặp ở trẻ nhỏ gốc Châu Á ngay từ khi mới sinh. Chúng thường có màu xanh xám và tập trung ở vùng lưng dưới và mông. Phần lớn các vết bớt Mông Cổ sẽ tự biến mất trong vài năm đầu đời. Tuy nhiên, một số trường hợp thì vết bớt có thể tồn tại lâu dài.
Từ xưa đã có nhiều câu chuyện dân gian hoặc huyền thoại tồn tại về nguyên nhân gây ra các vết bớt, nhưng hầu như chúng đều không thể giải thích được nguyên nhân thực sự xuất hiện các vết bớt. Tuy nhiên khi các công nghệ y học ngày càng hiện đại thì các nhà nghiên cứu cũng đã phần nào tìm ra nguyên nhân xuất hiện cho hầu hết các loại vết bớt sắc tố cũng như cách điều trị chúng.
Các vết bớt sắc tố có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân phổ biến là do sự tăng sinh quá mức hoặc sự phân phối không đồng đều của sắc tố da melanin, một chất quyết định màu cho da. Yếu tố di truyền cũng được xem là một yếu tố quan trọng, khi mà các biến đổi trong gen có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin. Ngoài ra, tác động của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cũng có thể tạo ra nhiều melanin và hình thành các vết bớt sắc tố trên da.
Hầu hết các vết bớt không cần phải điều trị vì chúng thường lành tính và mờ dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, một số vết bớt nổi lên gần mắt có thể cần điều trị. Ngoài ra, các vết bớt sắc tố là biểu hiện của các biến đổi bất thường trong cơ thể như gan, phổi, dạ dày hoặc ruột cũng cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Ngày nay, có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị và loại bỏ các vết bớt sắc tố như phẫu thuật loại bỏ vùng da vết bớt, chấm acid hoặc sử dụng laser Q-switched ruby, laser Q-switched alexandrite, và laser YAG,… Mỗi phương pháp đều sẽ có ưu và nhược điểm riêng tuy nhiên điểm chung là chúng đều cần theo dõi sự thay đổi của tình trạng vết bớt trên da.
Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu hy vọng quý đọc giả đã có thêm kiến thức về các loại bớt sắc tố trên da cũng như biết được nguyên nhân chúng xuất hiện. Lời khuyên là nên kiểm tra định kỳ các vết bớt xem có bất kỳ thay đổi nào về kích thước, hình dạng và màu sắc hay không. Nếu vết bớt bị chảy máu hoặc đau, hãy đưa con bạn đi khám bác sĩ để kịp thời điều trị.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...