Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tình trạng nấm da không ngứa và những điều bạn cần biết

Ngày 17/07/2023
Kích thước chữ

Nấm da là một vấn đề phổ biến, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nấm da đều gây ngứa mà còn phụ thuộc vào tình trạng da cụ thể, mức độ bùng phát của bệnh. Nấm da không ngứa có thể là biểu hiện của nhiều tình trạng da khác nhau như nấm kẽ chân, lang ben, nấm tóc... Việc hiểu rõ về các tình trạng da này sẽ giúp bạn xác định chính xác tình trạng của mình và tìm cách điều trị phù hợp.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về nấm da không ngứa từ nguyên nhân đến cách điều trị và phòng tránh. Điều này sẽ giúp bạn có thông tin cần thiết để xử lý tình trạng nấm da một cách hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé!

Tìm hiểu về tình trạng nấm da không ngứa

Nấm da không ngứa là tình trạng tổn thương da do nấm mà không kèm theo triệu chứng ngứa ngáy hay khó chịu. Nguyên nhân gây nấm da không ngứa thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương da có thể lan rộng và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến da có thể gây ra triệu chứng nấm da không gây ngứa.

Lang ben

Nấm da không gây ngứa có thể là biểu hiện của bệnh khác như lang ben. Lang ben là một bệnh nhiễm nấm da phổ biến, ảnh hưởng đến sắc tố da và gây thay đổi màu sắc trên da dưới dạng các mảng nhỏ. Những mảng da có màu khác so với vùng da xung quanh. Một số nguyên nhân gây ra bệnh lang ben bao gồm:

  • Nấm tự nhiên trên da phát triển quá mức gây bệnh.
  • Thời tiết nóng, ẩm và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng tình trạng bệnh lang ben.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lang ben.

Loại nấm này không gây hại hoặc lây lan, nhưng có thể gây ngứa hoặc không, tùy thuộc vào từng trường hợp.

nam-da-khong-ngua-nhung-dieu-can-biet-1.jpg
Các mảng da không đều màu là biểu hiện của lang ben

Nấm da đầu

Nấm da đầu có thể là một trong những loại nấm không gây ngứa. Nấm tóc là một bệnh nhiễm nấm ảnh hưởng đến da đầu và tóc, đặc biệt là ở trẻ em. Nấm tóc có thể không gây viêm hoặc gây viêm da do nấm.

Nếu bị nhiễm nấm da đầu có viêm dẫn đến tình trạng kerion - vùng da đầy mủ, đau đớn, có thể gây sẹo và rụng tóc vĩnh viễn.

Nấm da đầu không gây viêm sẽ không gây rụng tóc vĩnh viễn, nhưng tóc trở nên ngắn và da đầu có mảng xám. Khi vùng da đầu bị nhiễm nấm nhưng không có triệu chứng ngứa, đây có thể là giai đoạn đầu của bệnh. Những mảng xám, đốm nâu không ngứa trên da đầu có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tự tin của người bệnh.

Nấm móng

Nấm móng là một loại nhiễm nấm da xảy ra ở móng tay và móng chân do bị nhiễm các loại nấm như Scopulariopsis, Dermatophytes, Candida albicans, Hendersonula.

Nấm móng không có các biểu hiện đặc trưng rõ ràng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là móng mất đi độ bóng tự nhiên, trở nên giòn và có thể thay đổi màu sắc, chuyển sang màu vàng đục hoặc xuất hiện các đốm trắng hoặc đen trên móng. Ngoài ra, vùng da xung quanh móng có thể phát sinh mùi hôi khó chịu.

Trong trường hợp nặng, vùng da xung quanh móng có thể bị viêm, sưng đỏ và có mủ. Bệnh lý này thường không gây ra triệu chứng ngứa ngáy.

Nấm móng thường xảy ra ở những người làm công việc nội trợ, liên quan đến chăn nuôi, thường xuyên tham gia hoạt động thể thao, người có sự suy giảm miễn dịch, thiếu máu hoặc bị tiểu đường.

Hắc lào

Hắc lào là một bệnh nhiễm nấm phổ biến, và triệu chứng chính của bệnh là phát ban. Tổn thương da do hắc lào có thể biểu hiện dưới dạng

  • Đốm đỏ không ngứa hoặc vùng da bị sẫm màu so với da xung quanh.
  • Phát ban có thể có vảy, khô, hoặc sưng.

Bệnh hắc lào có thể gây ngứa hoặc không, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong những trường hợp nhẹ, triệu chứng ngứa ngáy có thể không xuất hiện nhiều.

nam-da-khong-ngua-nhung-dieu-can-biet-3.png
Hắc lào là một dạng của nấm da không ngứa

Nấm kẽ

Nấm kẽ là một vấn đề da liên quan đến tình trạng nấm da không gây ngứa. Nấm thường xuất hiện ở các kẽ của ngón chân hoặc ngón tay. Các loại nấm chủ yếu gây ra bệnh này là Trichophyton và Epidermophyton.

Ban đầu vi nấm xâm nhập vào da và gây ra sự bong tróc nhẹ, sau đó có thể xuất hiện các bọng nước nhỏ, lan rộng lên mu bàn chân và các kẽ chân khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do nấm Trichophyton gây ra, tổn thương da có màu đỏ, bong tróc và có thể xuất hiện các vết mụn nước nhỏ. Nấm kẽ có thể gây ngứa hoặc không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh thường phát triển chủ yếu ở những người thường xuyên mang giày bít, giày thể thao hoặc làm việc trong môi trường ẩm ướt.

Cách điều trị nấm da không ngứa hiệu quả

Trong quá trình điều trị nấm da, các loại thuốc kháng nấm và thuốc giảm ngứa là những thuốc chính được sử dụng. Thời gian sử dụng thuốc phụ thuộc vào mức độ tổn thương da và loại nấm mà bạn đang mắc phải. Đặc biệt, trong trường hợp nhiễm nấm móng, thời gian điều trị thường kéo dài hơn so với các loại nấm khác.

Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị nấm da không ngứa:

  • Thuốc kháng nấm toàn thân như Itraconazole, Ketoconazole, Fluconazole: Những loại thuốc này được dùng qua đường uống để ức chế sự phát triển của vi nấm gây tổn thương da.
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ Clotrimazole: Loại thuốc này được áp dụng trực tiếp lên vùng da bị nhiễm nấm để ngăn chặn hoạt động của vi nấm và ngăn ngừa sự lan truyền của nó.
  • Tím metin 1% và dung dịch Castellami: Hai loại thuốc này thường được sử dụng trong điều trị nấm kẽ chân. Chúng được chỉ định khi có dấu hiệu vùng tổn thương ướt và mủ nhiễm nặng.
  • Bột Undercylenic hoặc Mycoster: Sử dụng bằng cách rắc bột thuốc vào vùng da bị tổn thương để ngăn ngừa sự lan rộng của tổn thương da trong kẽ chân.
  • Cồn BSI 2%, ASA: Hai loại thuốc này thường được sử dụng trong điều trị lang ben trong khoảng 15 - 20 ngày. Trong trường hợp tổn thương da lan rộng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống để tác động toàn thân và ngăn ngừa sự lan truyền của vi nấm.

Khi sử dụng thuốc điều trị nấm da, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ. Đồng thời, hãy sử dụng thuốc đều đặn để tránh tình trạng lờn thuốc và sự phát triển của các chủng vi nấm/khuẩn không nhạy cảm.

nam-da-khong-ngua-nhung-dieu-can-biet-4.jpg
Sử dụng các loại thuốc bôi để điều trị nấm da không ngứa

Phòng ngừa nấm da không ngứa như thế nào?

Để ngăn ngừa sự phát bệnh hoặc tái phát nấm da không ngứa, bạn có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa sau:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: Hãy rửa tay thường xuyên và giữ vùng da chung như phòng tập thể dục và phòng thay đồ sạch sẽ. Nếu bạn tham gia các hoạt động thể thao tiếp xúc, hãy tắm ngay sau khi tập luyện hoặc sau trận đấu và đảm bảo quần áo và dụng cụ thể thao được giữ sạch.
  • Giữ khô ráo và thoáng mát: Tránh mặc quần áo dày trong thời tiết nóng ẩm để tránh tình trạng quá đổ mồ hôi. Hãy đảm bảo vùng da được thông thoáng và khô ráo.
  • Tránh tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh: Nếu bạn nuôi thú cưng hoặc tiếp xúc với các động vật khác, hãy thường xuyên đưa chúng đến gặp bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là về bệnh hắc lào và các vấn đề da liễu khác.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân: Hạn chế việc sử dụng chung quần áo, khăn tắm, bàn chải tóc, dụng cụ thể thao hoặc các vật dụng cá nhân khác để tránh nhiễm khuẩn và nấm từ người khác.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về nấm da không ngứa cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng tổn thương da do nấm da không ngứa và nguy cơ nhiễm trùng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định loại nấm da cụ thể và thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin