Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ

Tổ đỉa ở bàn tay là một bệnh lý da liễu tương đối phổ biến ở những người 20 tới 40 tuổi. Căn bệnh này mang đến không ít những khó chịu cho người bệnh với tình trạng ngứa rát liên tục. Vậy hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có thêm những hiểu biết kỹ hơn về bệnh này nhé!

Trong sinh hoạt tới công việc, bàn tay chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều môi trường, đồ vật khác nhau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ra căn bệnh tổ đỉa bàn tay và nó sẽ ít nhiều làm hạn chế chúng ta trong các hoạt động thường ngày.

Tổ đỉa ở bàn tay là gì?

Bệnh tổ đỉa hay còn có tên khoa học là dyshidrosis hoặc pompholyx là một bệnh viêm da cơ địa khá phổ biến. Bệnh có đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn nước li ti trên bề mặt da. Có tới 80% trường hợp chúng phát sinh ở bàn tay tạo ra tổ đỉa ở bàn tay và chỉ có 10% là tại vị trí bàn chân, còn lại là những khu vực khác. 

Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 1 Hình ảnh tổ đỉa ở bàn tay

Bệnh tổ đỉa bàn tay không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Nguyên nhân là bởi bệnh lý trên phụ thuộc chủ yếu vào cơ địa mỗi người. Bệnh đã được chứng minh rằng mặc dù có tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước cũng không gây ra hiện tượng lây nhiễm. Tuy nhiên, mụn nước do tổ đỉa ở bàn tay có thể lây lan, mở rộng phạm vi tổn thương từ vùng này sang vùng khác trên cơ thể của người mắc bệnh nếu không được điều trị đúng cách. 

Tổ đỉa ở bàn tay có đặc điểm đó là hay tái phát. Thông thường, chúng có thể biến mất sau vài tuần. Sau đó, bệnh có thể tái phát lại trong vài tuần thậm chí nhiều tháng.

Phân loại các thể tổ đỉa ở bàn tay

Căn cứ vào mức độ tổn thương mà bệnh gây ra, tổ đỉa ở bàn tay được y học hiện đại chia ra 4 thể khác nhau bao gồm: 

  • Tổ đỉa thể giản đơn: Là thể bệnh với đặc trưng là các tổn thương trên bề mặt da chỉ dừng ở mức độ nhẹ. Thể giản đơn cũng là thể phổ biến nhất của bệnh tổ đỉa.
  • Tổ đỉa thể nhiễm khuẩn: Thể bệnh này không khác mấy so với thể giản đơn bởi chúng có những triệu chứng tương tự nhau. Dù vậy, khi này lớp da đã bị nhiễm khuẩn do sự xâm nhập của vi khuẩn gây hiện tượng mụn mủ.
  • Tổ đỉa thể bọng nước: Xuất hiện trong các trường hợp người bệnh không chăm sóc vùng da bị tổn thương đúng cách đồng thời thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất dẫn tới sự hình thành các bọng nước to nổi trên bề mặt lớp da.
  • Tổ đỉa thể khô: Thể bệnh này khá đặc biệt bởi vùng da mang tổn thương có hiện tượng đỏ rát, tróc vảy mà không hề có hiện tượng xuất hiện mụn nước.

Nguyên nhân bệnh tổ đỉa ở bàn tay

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gốc rễ của bệnh tổ đỉa ở bàn tay. Tuy nhiên, đây được coi là bệnh lý viêm da cơ địa vậy nên sự bùng phát của chúng chủ yếu còn tùy thuộc vào cơ thể mỗi cá nhân khác nhau. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh tổ đỉa ở bàn tay là: 

  • Yếu tố di truyền: Cơ địa chúng ta được quyết định một phần lớn bởi hệ gen những thế hệ đi trước như cha mẹ, ông bà. Chí vì vậy nếu trong gia đình có những người thân ruột thịt mang tiền sử mắc tổ đỉa ở tay thì nguy cơ bạn mắc bệnh tương tự cũng sẽ cao hơn.
Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 2 Yếu tố di truyền góp phần quyết định cơ địa mỗi người
  • Do bệnh dị ứng: Người bệnh bị kích ứng da bởi các hóa chất sinh hoạt như xà phòng, mỹ phẩm, nước rửa tay…
  • Nhiễm khuẩn: Các công việc với đặc trưng buộc phải thường xuyên tiếp xúc với các điều kiện môi trường không sạch sẽ như đất, nước bẩn sẽ khiến làn da dễ dàng bị tổn thương do các vi khuẩn ngoài ngoại cảnh. Sức khỏe của làn da không được tốt cũng là một yếu tố thuận lợi cho bệnh tổ đỉa được bùng phát mạnh mẽ.
  • Do hệ thống miễn dịch, sức đề kháng kém: Những bệnh nhân đang mang các căn bệnh như hen suyễn, HIV, viêm thận, viêm gan… là các đối tượng thích hợp cho tổ đỉa phát sinh do hệ miễn dịch bị suy giảm. Ngoài ra, một chế độ sinh hoạt không khoa học, ăn uống không hợp lý cũng là điều kiện ủng hộ cho bệnh được phát triển.
  • Rối loạn thần kinh giao cảm: Tình trạng tăng tiết mồ hôi ở tay do rối loạn hệ thần kinh giao cảm là nguyên nhân khá phổ biến gây bệnh tổ đỉa ở bàn tay.
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc: Trường hợp lạm dụng các loại thuốc điều trị có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới hàng rào bảo vệ da. Điều này khiến các dị nguyên dễ dàng xâm nhập vào tổ chức da và phát sinh bệnh.
Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 3 Lạm dụng thuốc tăng khả năng bùng phát tổ đỉa ở bàn tay

Triệu chứng tổ đỉa bàn tay

Dưới đây là một số những triệu chứng thường gặp ở người mắc tổ đỉa ở bàn tay:

  • Sự xuất hiện mụn nước: Các mụn nước trắng, nhỏ li ti, sờ cứng chắc, khó vỡ phát sinh trên bề mặt da ở bàn tay. Các mụn nước này có thể liên kết với nhau hình thành từng đám bọng nước.
  • Nhiễm khuẩn mụn nước: Những mụn nước hoặc bọng nước bắt đầu sưng đỏ rồi dần dần chuyển thành màu đục đồng thời đi kèm hiện tượng sưng các hạch bạch huyết và các cơn sốt kéo dài.
Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 4 Triệu chứng nhiễm khuẩn mụn nước do bệnh tổ đỉa ở bàn tay
  • Ngứa, nóng rát: Mụn nước do bệnh tổ đỉa ở bàn tay gây ra làm cho người bệnh ngứa ngáy liên tục, cảm giác rất khó chịu. Bệnh nhân càng gãi nhiều thì càng khiến vết thương trở nên sưng tấy, đau và nóng rát hơn.
  • Da khô và đóng vảy: Khi các mụn nước ở bàn tay xẹp xuống sẽ dần khô lại, đóng thành vảy. Sau đó là hiện tượng bong tróc rồi lành dần và để lại các điểm sừng dày vàng đục trên da của người bệnh tổ đỉa ở bàn tay. Điều này gây ra không ít những vấn đề thẩm mỹ cho người bệnh.
  • Móng tay bị thay đổi hình dáng: Móng tay khi bị ảnh hưởng bởi các mụn nước sẽ gây ra tình trạng những hạch bạch huyết sưng lên, gây biến dạng móng dần dần theo thời gian.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tổ đỉa ở bàn tay

Do tổ đỉa ở bàn tay bùng phát chủ yếu dựa vào các yếu tố cơ địa của mỗi cá nhân nên có thể nói bệnh này không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có một số những phương pháp có thể giúp giảm khả năng mắc bệnh này như: 

  • Nâng cao cảnh giác, đề phòng cho bản thân nếu trong gia đình có những người thân ruột thịt mang tiền sử mắc bệnh tổ đỉa.
  • Vệ sinh cơ thể thường xuyên, nhất là những vùng da lòng bàn tay bởi đây là khu vực tiết nhiều mồ hôi, nếu không được chăm sóc tốt sẽ có thể dẫn tới tình trạng bí tắc và viêm da.
  • Mang găng tay khi tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm. Trong trường hợp không mang găng thì phải vệ sinh bằng xà phòng hoặc các dung dịch diệt khuẩn.
  • Làm việc phải kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. 
  • Vận động và rèn luyện thân thể thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch
Tổ đỉa ở bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 5 Rèn luyện thân thể giúp phòng ngừa tổ đỉa bàn tay

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu đã gửi tới bạn đọc những thông tin cơ bản, cần thiết về bệnh tổ đỉa ở bàn tay, từ đó bạn có thể đề phòng chúng một cách tốt hơn.

Ánh Vũ 

Nguồn: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin