Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tổ đỉa ở gót chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ngày 29/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bỗng một ngày gót chân bạn xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ, cứng chắc, khó vỡ, rất có thể bạn đã bị bệnh chàm tổ đỉa. Nhưng đừng vội lo lắng, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu cập nhật những kiến thức về bệnh tổ đỉa ở gót chân này để biết những việc tốt nhất chúng ta có thể làm là gì nhé.

Tổ đỉa ở gót chân (hay còn gọi là chàm tổ đỉa) là một căn bệnh viêm da mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện các nốt mụn nước nhỏ, thường xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân, tuy không nguy hiểm nhưng rất khó chịu, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhiều khi khó phân biệt chàm tổ đỉa với các loại chàm da khác.

Vậy bệnh tổ đỉa ở gót chân là gì?

Bệnh tổ đỉa ở gót chân được biết đến là một thể lâm sàng của bệnh viêm da mạn tính Chàm da – eczema. Người bệnh thường xuất hiện những nốt mụn nhỏ li ti, tập trung thành từng đám, gây cảm giác ngứa rát, khó chịu. Đặc biệt, việc chúng xuất hiện ở gót chân càng làm người bệnh cảm thấy bất tiện trong việc di chuyển và sinh hoạt hằng ngày, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống thường nhật.

Tổ đỉa ở gót chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 1 Hình ảnh bệnh tổ đỉa ở gót chân

Bệnh tổ đỉa ở gót chân có lây lan không? Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Có rất nhiều người thắc mắc bệnh tổ đỉa ở gót chân có lây lan hay không. Là một thể lâm sàng của Chàm eczema, bệnh tổ đỉa ở gót chân chủ yếu liên quan đến cơ địa của từng người và các yếu tố môi trường. Vì vậy, chúng sẽ không dễ lây từ người sang người qua các con đường thông thường, tuy nhiên chúng lại rất dễ lan sang rộng sang các vùng da lân cận và trở nên nặng hơn.

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân mắc phải chàm tổ đỉa đều có khả năng tái phát suốt đời và không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh này tương đối lành tính và không gây ra nhiều tổn thương lớn đến sức khoẻ con người. Nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận, bệnh có thể gây ra một số biến chứng khác như:

  • Bội nhiễm: Ban đầu có thể chỉ là tổn thương ở một vùng nhỏ ở gót chân, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách rất có thể dẫn đến hiện tượng bội nhiễm, các nốt mụn lan rộng và phồng rộp lên, thậm chí viêm, sưng mủ.
  • Viêm nhiễm: Vì gót chân là nơi tiếp xúc với mặt đất, nên rất dễ bị viêm nhiễm nếu tiếp xúc với môi trường vệ sinh không được đảm bảo. Điều này khiến cho vùng da bị tổn thương dễ nhiễm trùng hơn so với các nơi khác.
  • Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống: Việc bị tổ đỉa ở gót chân khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống và chịu những ảnh hưởng xấu đến chất lượng học tập và làm việc.

Nguyên nhân gây nên bệnh chàm tổ đỉa đến hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu xác định một cách chính xác. Tuy nhiên, đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan đến bệnh tổ đỉa ở gót chân:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình từng có người thân (ông, bà, bố, mẹ,...) mắc bệnh, thì nguy cơ nhiễm bệnh chàm tổ đỉa của bạn cũng sẽ cao hơn.
  • Bệnh da liễu: Những người mắc bệnh da liễu như dị ứng, viêm nhiễm, nấm,… cũng có nguy cơ mắc bệnh chàm tổ đỉa cao hơn so với những người khác. Cả những trường hợp bị suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV) càng có khả năng dễ bị lây nhiễm bệnh.
  • Vệ sinh da không đảm bảo, nhiễm nấm: Việc vệ sinh da không sạch sẽ, thường xuyên tiếp xúc với các môi trường bị ô nhiễm rất dễ khiến các yếu tố gây bệnh xâm nhập và lây nhiễm chàm da tổ đỉa.
  • Thay đổi thời tiết và các yếu tố dị ứng từ môi trường.
  • Dị ứng thuốc và hóa chất: Một số người bị dị ứng thuốc hoặc hóa chất, nếu sử dụng làm xuất hiện các phản ứng dị ứng, khi đó IgE trong huyết tương - một yếu tố quan trọng liên quan đến hiện tượng dị ứng - sẽ hoạt hoá các tế bào viêm để tiết các chất trung gian hoá học. Chính các chất này sẽ kích thích tổ đỉa bùng phát.
  • Ngoài ra, còn có thể do một số yếu tố khác như stress, căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết,...
Tổ đỉa ở gót chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 4 Tổ đỉa ở gót chân xuất hiện với các nốt mụn nhỏ li ti

Các biểu hiện thường gặp của bệnh tổ đỉa ở gót chân

Một số biểu hiện thường gặp của bệnh chàm da tổ đỉa gót chân như:

  • Xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti có kích thước từ 1-3mm, cứng chắc, khó vỡ, có thể mọc rải rác hoặc mọc thành từng đám ở gót chân.
  • Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy dữ dội và bỏng rát, khó chịu.
  • Một số trường hợp, các mụn nước có thể to dần lên.
  • Các mụn nước không tự vỡ, nhưng nếu có những tác động vật lý bên ngoài như cào, gãi, ma sát,… chúng có thể vỡ ra và giải phóng dịch bên trong. Nặng hơn, có thể xảy ra hiện tượng bội nhiễm với hiện tượng ứ mủ và quầng viêm đỏ bao quanh.
  •  Sau khi mụn nước mất đi, bề mặt da trở nên khô ráp, bong tróc và nền da bị đỏ lên.

Cách điều trị bệnh tổ đỉa ở gót chân

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị cho bệnh tổ đỉa. Các phương pháp điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giảm khó chịu cho người bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tái phát. Có thể dùng các thuốc bôi ngoài da và kết hợp với các biện pháp chăm sóc da phối hợp.

Sử dụng thuốc bôi ngoài da:

  • Dung dịch bạc nitrat 0,5%: Có thể được sử dụng để làm dịu và sát khuẩn nhẹ, được chỉ định trong trường hợp mới xuất hiện tổn thương để làm giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Dung dịch Milan hoặc tím Methyl 1%: Được chỉ định khi có bội nhiễm xảy ra, dùng để sát trùng, diệt khuẩn và bảo vệ da.
  • Các thuốc bôi nhóm Corticoid: Có khả năng chống viêm, chống dị ứng, được chỉ định trong trường hợp mụn nước đã tiêu biến. Tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ khác nên cần được sử dụng theo kê đơn của bác sĩ.
  • Các thuốc bôi kháng sinh: Trong trường hợp vị trí tổn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao, các bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng sinh bôi ngoài da. Hiện nay kháng sinh thường được phối hợp chung với nhóm Corticoid để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm tổn thương trên da.
  • Có thể dùng thuốc nhóm kháng Histamin để giảm các triệu chứng ngứa ở người bệnh.
Tổ đỉa ở gót chân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị 2 Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để giảm đau rát

Các biện pháp chăm sóc da phối hợp: 

  • Hạn chế tiếp xúc với các hoá chất tẩy rửa ở vùng da bị tổn thương, sử dụng đồ bảo hộ khi cần thiết. 
  • Không tiếp xúc với môi trường không đảm bảo vệ sinh để tránh hiện tượng viêm nhiễm. 
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, luôn để chân được khô thoáng, không đi giày quá chật vì có thể làm vỡ các mụn nước và làm nặng lên tình trạng tổn thương ở chân.
  • Sau khi các nốt mụn nhỏ bong tróc và bị khô da, có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để giảm đau rát.

Trên đây là những thông tin về bệnh tổ đỉa ở gót chân mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp, hi vọng qua bài viết này độc giả có thể có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này. Chàm tổ đỉa không nguy hiểm nếu được xử trí và điều trị kịp thời đúng cách. Người mắc bệnh cần được sự đồng hành, quan tâm, chăm sóc của người thân vì thế chăm sóc người chàm tổ đỉa đúng cách cũng là việc nên lưu ý. Tuy nhiên, vì bệnh rất dễ tái phát nên rất cần được bác sĩ thăm khám và có những chỉ định điều trị cụ thể phù hợp với thể trạng từng cá nhân. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm