Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổng hợp các loại lá dùng để xông cảm hiệu quả tại nhà

Ngày 20/11/2023
Kích thước chữ

Các loại lá xông cảm vừa dễ tìm vừa mang lại hiệu quả giải cảm nhanh. Thế nhưng, làm thế nào để áp dụng phương pháp xông hơi đúng cách? Tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về liệu pháp này nhé!

Từ xưa, phương pháp xông hơi trị cảm bằng các loại lá quen thuộc đã được áp dụng phổ biến vì đem lại hiệu quả cao. Thế nhưng, không phải ai cũng biết xông hơi giải cảm tại nhà đúng cách. Vậy có những loại lá dùng để xông cảm nào và cần lưu ý gì thực hiện phương pháp này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về việc dùng lá xông hơi giải cảm nhé!

Tác dụng của việc sử dụng lá xông để giải cảm

Cảm lạnh và cảm cúm là các bệnh lý thường gặp vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột và độ ẩm cao. Mặc dù hiện tại đã có các loại thuốc trị cảm giúp cơ thể khỏi bệnh nhanh chóng. Nhưng đối với những trường hợp cảm cúm do nhiễm virus thì việc uống kháng sinh thường không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh về lâu dài cũng có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc và kháng kháng sinh.

Theo Đông y, có rất nhiều loại lá dùng để xông cảm có khả năng giúp giải cảm rất tốt. Liệu pháp xông hơi thảo dược sẽ giúp làm nóng cơ thể, kích thích cơ thể bài tiết mồ hôi và chất cặn bã, làm giảm áp lực lên thận. Đặc biệt, xông hơi với hơi nước và dược tính từ lá cây giúp làm giãn nở mạch máu dưới da. Từ đó, giúp cải thiện lưu thông máu hiệu quả, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, hạ huyết áp và giảm đau khớp.

Các loại lá dùng để xông cảm thường thấy trong vườn nhà

Thông thường, các nguyên liệu được sử dụng để xông hơi giải cảm thường rất dễ tìm và dễ mua. Đồng thời, mỗi loại lá xông sẽ cho những công dụng khác nhau. Dưới đây là một số loại lá dùng để xông cảm phổ biến như:

Lá bưởi

Loại lá này có mùi thanh và dịu nhẹ. Tinh dầu của lá bưởi không chỉ giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng mà còn giúp giải cảm, hạ sốt, giảm ho, trị nhức đầu.

Tổng hợp các loại lá dùng để xông cảm hiệu quả tại nhà 1
Tinh dầu của lá bưởi không chỉ giúp thư giãn và giải cảm hiệu quả

Cây kinh giới

Có tác dụng tích cực trong việc trị mụn, kháng khuẩn, chống co thắt, giảm đau và kích thích ra mồ hôi, làm tăng hiệu quả trong việc trị cảm cúm.

Lá tre

Chứa các chất kháng sinh thực vật, khi sử dụng để xông sẽ giúp tăng cường khả năng tiết mồ hôi của cơ thể, sát khuẩn, tiêu đờm, giảm sốt và giải nhiệt hiệu quả.

Gừng

Gừng được xem là loài cây đa dụng nhất trong số các cây thuốc nam. Hầu như mọi bộ phận của cây gừng đều có thể sử dụng được. Trong đó, tinh dầu gừng sẽ có tác dụng giảm đau, trị ho và chống nôn hiệu quả.

Cây bạc hà

Ngoài việc được sử dụng để chăm sóc răng miệng, trị chứng khó tiêu và hội chứng ruột kích thích thì cây bạc hà còn được dùng để xông giải cảm hiệu quả. Bởi trong loài cây này có chứa tinh dầu menthol, α - β pinen, menthol,... giúp kháng khuẩn, giảm đau và tiêu đờm.

Tổng hợp các loại lá dùng để xông cảm hiệu quả tại nhà 2
Cây bạc hà thường được dùng để xông giải cảm hiệu quả

Sả - loại lá dùng để xông cảm hiệu quả

Tinh dầu trong phần thân và lá của cây xả có mùi thơm dịu nhẹ cùng với một số hợp chất hữu cơ tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn như kháng khuẩn, kháng nấm, hạ nhiệt và trị ho.

Lá ngải cứu

Loại lá này có khả năng giúp hỗ trợ cầm máu và điều hòa khí huyết, thường được sử dụng để làm nguyên liệu xông giải cảm.

Cây hương nhu tím (hoặc trắng)

Chứa tinh dầu eugenol và methyl eugenol, có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, hạ nhiệt và hỗ trợ giảm đau hiệu quả.

Tổng hợp các loại lá dùng để xông cảm hiệu quả tại nhà 3
Cây hương nhu có khả năng kháng khuẩn và chống viêm

Bỏ túi cách xông hơi trị cảm cho hiệu quả tốt nhất

Để liệu pháp xông hơi giải cảm mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên thực hiện ở trong phòng kín và không có gió lùa để tránh nhiễm phong hàn khi lỗ chân lông mở to. Tiếp theo, cần chọn lá dùng để xông cảm phù hợp rồi đem đi rửa sạch , đổ xâm xấp nước và đun sôi trong nồi đậy kín nắp.

Sau khi chuẩn bị nước xông, người bệnh hãy trùm chăn kín và tiến hành xông hơi trong khoảng từ 15 - 20 phút. Có thể cho thêm vài giọt tinh dầu tràm, bạc hà hoặc dầu gió vào nước sôi để tăng hiệu quả giải cảm, giúp cơ thể mau khỏe bệnh.

Sau khi xông, có thể dùng một chiếc khăn khô để thấm mồ hôi và mặc quần áo sạch. Cần nhớ rằng, tuyệt đối không nên đi tắm ngay sau khi xông vì sẽ dễ bị nhiễm lạnh. Bởi điều này sẽ làm cho lỗ chân lông co lại, khiến nước không thoát được và ảnh hưởng đến sự lưu thông máu.

Tổng hợp các loại lá dùng để xông cảm hiệu quả tại nhà 4
Tuyệt đối không nên đi tắm ngay sau khi xông vì sẽ dễ bị nhiễm lạnh

Để cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể ăn một bát cháo nóng với nhiều tiêu, tía tô và hành lá sau khi xông để giúp làm tăng hiệu quả giải cảm.

Những điều cần lưu ý khi xông hơi giải cảm bằng lá tại nhà

Mặc dù việc sử dụng các loại lá dùng để xông cảm được coi là phương pháp khá an toàn và hiệu quả. Nhưng để tránh các vấn đề phát sinh có thể xảy ra, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Không nên xông hơi quá 20 phút/lần và chỉ nên thực hiện khoảng 1 - 2 lần mỗi ngày là đủ;
  • Ngay sau khi xông, cần lau khô mồ hôi ngay và nên tránh những nơi gió lùa vì rất dễ bị nhiễm lạnh;
  • Không nên xông hơi toàn thân đối với những trường hợp bị cảm nhưng tăng tiết mồ hôi nhiều. Thay vào đó, có thể áp dụng liệu pháp xông hơi cục bộ;
  • Phụ nữ đang mang thai, người bị suy nhược cơ thể sau khi bệnh nặng, người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp,... cần cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp xông hơi;
  • Người bị sốt siêu vi và sốt xuất huyết không nên áp dụng biện pháp xông hơi.

Phương pháp dùng lá để xông hơi trị cảm tuy có cách thực hiện đơn giản và nguyên liệu dễ tìm nhưng lại vô cùng hiệu quả, đặc biệt là đối với trường hợp cảm cúm ở giai đoạn đầu. Chỉ cần áp dụng đúng cách sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn biết được các loại lá dùng để xông cảm cũng như những lưu ý khi xông để mang lại hiệu quả tốt nhất nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin