Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách chữa cảm lạnh cho người lớn​ hiệu quả

Thị Thúy

18/03/2025
Kích thước chữ

Cảm lạnh là một trong những bệnh lý phổ biến mà hầu như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Dù không quá nguy hiểm, nhưng những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay mệt mỏi có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc tìm hiểu những cách chữa cảm lạnh cho người lớn hiệu quả là rất quan trọng để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, giảm khó chịu và phòng ngừa các biến chứng không mong muốn.

Cảm lạnh ở người lớn tuy không nghiêm trọng nhưng có thể gây ra nhiều bất tiện và khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Thay vì phụ thuộc vào thuốc, nhiều người lựa chọn các cách chữa cảm lạnh cho người lớn​ tự nhiên và hiệu quả ngay tại nhà.

Các cách chữa cảm lạnh cho người lớn hiệu quả

Thông thường, khi bị cảm lạnh, người lớn có thể hồi phục nhanh chóng chỉ bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước và áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. 

Nghỉ ngơi

Khi bị cảm lạnh, bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ để giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng. Cảm lạnh do virus gây ra, dễ lây lan từ người sang người, vì vậy nghỉ ngơi không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Khi bị bệnh, cơ thể cần thời gian để tái tạo năng lượng và kích hoạt hệ miễn dịch chống lại virus. Nếu thấy bản thân buồn ngủ nhiều hơn bình thường, đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tích cực chiến đấu với nhiễm trùng, và đây là điều hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp triệu chứng nhẹ và sức khỏe tốt, bạn có thể vận động nhẹ nhàng tại nhà để giúp cải thiện tinh thần, nhưng cần tránh tập luyện quá sức để không gây thêm áp lực cho cơ thể.

cach-chua-cam-lanh-cho-nguoi-lon-hieu-qua (4).png
Khi bị cảm lạnh, bạn cần nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi

Bổ sung đủ nước

Khi mắc bệnh, cơ thể dễ mất nước do sốt và tiết nhiều mồ hôi, vì vậy bạn cần đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết. Các loại đồ uống như nước lọc, trà gừng, nước trái cây hoặc nước canh giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể, giảm nghẹt mũi và làm dịu cơn đau họng. Nước chanh pha mật ong là lựa chọn tuyệt vời vì không chỉ bổ sung nước mà còn giúp làm dịu cổ họng nhờ đặc tính kháng khuẩn nhẹ.

Trong thời gian này, bạn cần tránh đồ uống có cồn, cà phê và nước ngọt có ga vì chúng có thể làm tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn, khiến cơ thể mệt mỏi và kéo dài thời gian hồi phục.

Vệ sinh sạch mũi 

Vệ sinh và thông mũi đúng cách giúp giảm cảm giác khó chịu do nghẹt mũi gây ra. Xì mũi thường xuyên giúp loại bỏ dịch nhầy thay vì để chúng tích tụ trong khoang mũi. Khi xì mũi, cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây kích ứng hoặc làm tổn thương niêm mạc mũi. Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi hàng ngày sẽ giúp làm sạch đường hô hấp, làm ẩm niêm mạc và loại bỏ virus, vi khuẩn còn tồn tại trong khoang mũi.

Nếu nghẹt mũi kéo dài, có thể sử dụng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ mũi theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, các loại tinh dầu như tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp cũng có thể hỗ trợ làm thông mũi và giảm viêm hiệu quả.

Súc miệng bằng nước muối

Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm đau họng do cảm lạnh là súc miệng bằng nước muối. Nước muối có khả năng hút nước từ các mô trong cổ họng, giúp làm dịu tình trạng viêm và giảm sưng đau. Đồng thời, nó còn giúp loại bỏ vi khuẩn, virus và làm lỏng chất nhầy, giúp cổ họng sạch hơn.

cach-chua-cam-lanh-cho-nguoi-lon-hieu-qua (1).png
Súc miệng bằng nước muối giúp làm dịu tình trạng viêm và đau họng

Bạn có thể tự pha nước muối tại nhà bằng cách hòa tan 1/4 đến 1/2 muỗng cà phê muối trong 200ml nước ấm, khuấy đều và súc miệng trong khoảng 30 giây trước khi nhổ ra. Không nên nuốt nước muối vì có thể gây khó chịu cho dạ dày.

Ngoài ra, bạn có thể kết hợp sử dụng kẹo ngậm hoặc siro ho để giảm kích ứng họng. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Duy trì độ ẩm không khí giúp dễ thở hơn

Không khí khô có thể khiến niêm mạc mũi và cổ họng bị khô, làm trầm trọng hơn các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, đau họng và ho. Do đó, việc giữ độ ẩm trong không gian sống là rất quan trọng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm là một biện pháp hữu ích giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi, giúp bạn dễ thở hơn. Tuy nhiên, bạn cần thay nước hàng ngày và vệ sinh thiết bị định kỳ để tránh vi khuẩn và nấm mốc tích tụ, có thể gây hại cho hệ hô hấp.

Ngoài ra, tắm nước ấm cũng là một cách giúp làm ẩm niêm mạc mũi và giảm nghẹt mũi. Hơi nước từ vòi sen có thể giúp làm giãn nở mạch máu, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Bổ sung thực phẩm giúp tăng sức đề kháng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục khi bị cảm lạnh. Một số thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch và giảm triệu chứng cảm lạnh bao gồm:

  • Vitamin C: Có trong cam, quýt, táo, ổi, dâu tây, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông, cải kale...
  • Kẽm: Được tìm thấy trong thịt, hải sản, sữa, các loại hạt...
  • Sữa chua: Chứa lợi khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.
  • Mật ong: Có tác dụng kháng khuẩn, giúp làm dịu cổ họng.
  • Gừng, tỏi, ớt: Hỗ trợ làm ấm cơ thể và giúp thông mũi.
cach-chua-cam-lanh-cho-nguoi-lon-hieu-qua (2).png
Bổ sung thực phẩm, trái cây giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng

Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C và kẽm có thể giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên bổ sung các dưỡng chất này thông qua thực phẩm thay vì dùng viên uống bổ sung.

Việc kết hợp các phương pháp trên sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn và giảm cảm giác khó chịu do cảm lạnh gây ra.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Trong một số trường hợp, bệnh cảm lạnh có thể diễn biến phức tạp và cần đến sự can thiệp y tế. Vì vậy, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bạn không nên chủ quan mà hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu sau nhiều ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà tình trạng sức khỏe của bạn không cải thiện hoặc thậm chí xấu đi, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gặp bác sĩ để xác định liệu có biến chứng hay không.

  • Sốt cao kéo dài: Nếu nhiệt độ cơ thể liên tục vượt ngưỡng 38,5°C và kéo dài hơn 3 ngày mà không có dấu hiệu hạ sốt, bạn nên đi khám để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Đặc biệt, nếu cơn sốt đã giảm nhưng sau đó đột ngột quay trở lại, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang chống chọi với một vấn đề nhiễm trùng nặng hơn.
  • Khó thở, thở khò khè: Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy hụt hơi, khó thở, thở khò khè hoặc có triệu chứng đau tức ngực, hãy thận trọng vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm phổi hoặc viêm phế quản. Những vấn đề về đường hô hấp không nên bị xem nhẹ, nhất là khi bạn có tiền sử mắc các bệnh lý như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Đau họng kéo dài: Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám ngay nếu có tình trạng đau họng dữ dội kèm theo khó nuốt, nhức đầu nghiêm trọng hoặc đau xoang kéo dài. Những triệu chứng này có thể cho thấy bạn đang gặp phải một tình trạng nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như viêm họng do vi khuẩn hoặc viêm xoang nặng, cần được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
cach-chua-cam-lanh-cho-nguoi-lon-hieu-qua (3).png
Khi triệu chứng kéo dài bạn không nên chủ quan mà hãy đi khám ngay

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách chữa cảm lạnh cho người lớn. Dù cảm lạnh không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, nó có thể gây ra những biến chứng không mong muốn. Vì vậy, hãy chủ động chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi hợp lý và đừng quên lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Nếu tình trạng bệnh kéo dài hoặc có triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin