Gãy liên mấu chuyển xương đùi là một dạng chấn thương thường gặp, có liên quan chặt chẽ đến vấn đề loãng xương và tuổi tác. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, nữ giới có tỉ lệ mắc cao gấp đôi so với nam giới.
Với tình trạng này, bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm nhất có thể. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi trong bài viết dưới đây nhé!
Gãy liên mấu chuyển xương đùi là gì?
Gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể hiểu là tình trạng gãy xương ngoài bao khớp, thường xảy ra phổ biến ở đối tượng người cao tuổi do nguyên nhân té ngã.
Theo giải phẫu, vị trí đầu trên xương đùi có cấu tạo tiếp giáp với xương chậu bằng khớp háng. Vùng này còn được gọi là cổ xương đùi được tạo nên bởi hai hệ thống bè xương riêng biệt là xương hình vòm và xương hình quạt.
Trong đó, vị trí nằm giữa hai hệ thống chính là điểm yếu của cổ xương đùi, rất dễ xảy ra chấn thương. Dưới tác động của ngoại lực, tại đây có thể xảy ra tình trạng gãy liên mấu chuyển hoặc là gãy cổ xương đùi. Gãy liên mấu chuyển xảy ra ngoài bao khớp nên quá trình liền xương tiến triển nhanh hơn, tỷ lệ xuất hiện biến chứng cũng thấp hơn. Sở dĩ là do chúng chứa nhiều mạch máu nuôi dưỡng.
Theo tiêu chuẩn AO, gãy liên mấu chuyển xương đùi được chia thành 3 nhóm: A1 – A2 – A3. Cụ thể:
- A1 là loại đơn giản chỉ gồm 1 đường gãy kéo dài từ mẫu chuyển lớn đến phần vỏ xương bên trong.
- A2 là loại có hướng đường gãy tương tự như A1 nhưng phần vỏ thân xương bên trong lại gãy thành 3 mức với nhiều mảnh rời.
- A3 là loại có đường gãy kéo dài từ vỏ thân xương đùi ở vị trí ngay dưới mấu chuyển lớn cho đến phía trong mấu chuyển bé. A3 cũng bao gồm cả những trường hợp đường gãy bên ngoài, bắt đầu từ bên dưới mấu chuyển lớn và kết thúc bên trong mấu chuyển bé (đường gãy dạng chéo ngược).
Tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi
Nguyên nhân dẫn đến tính trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến gãy mấu chuyển bé là do ngã hoặc chấn thương. Trong đó, phần nhiều trường hợp xuất phát từ tai nạn giao thông hoặc là va chạm trong thể thao. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này như sau:
- Nữ giới.
- Người già trên 60 tuổi.
- Những người có tiền sử đã bị té ngã.
- Những người bị loãng xương, hoặc có tiền sử mắc các vấn đề liên quan đến xương khớp như: Thoái hóa khớp, vôi hóa sụn khớp.
- Những người có mật độ xương và khối lượng cơ thấp.
- Những người có vấn đề trong việc giữ thăng bằng, đi, đứng.
Gãy liên mấu chuyển xương đùi thường gặp ở người già
Triệu chứng của bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi
Những dấu hiệu của tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể kể đến như sau:
- Bệnh nhân cảm thấy đau nhức vùng khớp háng.
- Bầm tím tại khu vực hông hoặc bẹn.
- Bệnh nhân không đi lại được hoặc cảm thấy đau ở khớp háng khi đi lại.
- Trong tư thế nằm thấy bàn chân đổ sát xuống mặt giường.
- Bệnh nhân không thể nhấc chân lên khỏi mặt giường.
- Khi nằm nhận thấy 2 bên chân không bằng nhau (thường chân đau sẽ ngắn hơn so với chân lành).
Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện đầy đủ những triệu chứng kể trên, chính vì vậy ngay khi nhận thấy người thân bạn có bất cứ dấu hiệu nào, hãy lập tức đưa họ đến các cơ sở khám chữa chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đầy đủ.
Đau vùng háng là triệu chứng của tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi
Những phương pháp điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi phổ biến
Đối với tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi, tùy theo mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà người bệnh có thể được điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn
Đây là phương pháp được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm:
- Gãy xương di lệch ít, người bệnh vẫn ngồi dậy được.
- Người bệnh có thể trạng yếu, đang cùng lúc mắc nhiều bệnh mãn tính và không thể tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, quá trình điều trị bảo tồn thường không đem lại hiệu quả đúng như mong đợi. Chúng có tỷ lệ để lại biến chứng và gây tử vong cao do đó không được áp dụng phổ biến. Một số phương pháp cụ thể bao gồm:
- Kéo nắn bột.
- Xuyên đinh qua da.
- Đeo nẹp cố định.
- Kéo liên tục.
Điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả như mong đợi
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật không được chỉ định đối với người bệnh bị những rối loạn chảy máu hoặc rối loạn chuyển hóa nào đó không thể kiểm soát được, dễ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao. Đối với hầu hết những trường hợp còn lại, phẫu thuật được chỉ định thực hiện sớm. Một số phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng bao gồm:
- Phương pháp kết hợp xương bằng đinh nội tủy: Đây là phương pháp được chỉ định đối với những trường hợp gãy xương tương đối phức tạp, gãy không vững và có thêm các mảnh rời. Cụ thể, một số loại đinh nội tủy có thể được sử dụng phổ biến bao gồm: Gamma, Ender, TFN, PFN…
- Phương pháp kết hợp xương bằng nẹp vít: Đây là phương pháp thường được chỉ định đối với các trường hợp gãy đơn giản. Những loại nẹp được sử dụng phổ biến bao gồm: nẹp gấp góc DHS, nẹp khóa đầu trên xương đùi, …
- Phương pháp thay khớp háng: Thay khớp háng nhân tạo thường được chỉ định đối với những trường hợp gãy liên mấu chuyển không vững để phát hiện tình trạng loãng xương. Với những trường hợp không thể tiến hành điều trị bằng bảo tồn hay là kết hợp xương.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phẫu thuật gãy liên mấu chuyển ở xương đùi cũng có thể để lại một vài biến chứng không mong muốn, phổ biến nhất chính là: mất máu, nhiễm trùng,… Do đó, nên cân nhắc kỹ càng trước khi áp dụng.
Thay khớp háng nhân tạo trong gãy liên mấu chuyển xương đùi
Gãy liên mấu chuyển xương đùi là dạng chấn thương tương đối phổ biến, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi. Chúng rất nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng xấu. Do đó, mong rằng bài viết của chúng tôi sẽ giúp bạn kịp thời nhận biết cũng như có đủ kiến thức để phòng tránh tình trạng này.
Xem thêm:
Bị gãy xương có nên ăn thịt gà không?
Gãy xương để lâu có sao không?
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp