Trầm cảm cười là một khái niệm tương đối mới mẻ và gây tò mò đối với nhiều người bởi sự khác lạ trong cách biểu lộ cảm xúc của người mắc. Tuy nhiên, đó chỉ là “lá chắn cảm xúc” mà người bệnh dựng nên để che đi những “cơn bão” buồn bã, sự giằng xé nội tâm sâu sắc bên trong. Vậy trầm cảm cười có nguy hiểm không?
Trầm cảm cười có nguy hiểm không?
Hội chứng trầm cảm cười với tên tiếng anh là Smiling depression là một hội chứng rối loạn cảm xúc rất đặc biệt và khó nhận biết. Trầm cảm cười thường mắc phải ở người đã bị rối loạn trầm cảm trong một thời gian dài (thường gọi là trầm cảm chức năng cao).
Trầm cảm thường được biểu hiện bởi sự chán nản, buồn bã và mất hứng thú với những thứ xung quanh. Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, người mắc thường nhìn mọi việc với một góc nhìn bi quan, buồn thảm.
Trong số đó, một số trường hợp người mắc trầm cảm sẽ không thể hiện rõ ràng những cảm xúc buồn chán mà cố tình che giấu bởi những nụ cười với trạng thái lạc quan, vui vẻ “giả” . Đây chính là lý do khiến việc phát hiện người mắc trầm cảm cười trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, trầm cảm cười sẽ gây nên những hệ lụy lâu dài, nặng nề hơn những loại trầm cảm thông thường. Do việc chẩn đoán rất khó khăn, người thân và bạn bè xung quanh người bệnh cũng khó nắm bắt được cảm xúc thật hay hành vi của người bệnh.
Trầm cảm cười có nguy hiểm không?
Bên cạnh đó, mặc dù hội chứng trầm cảm cười đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng lại chưa được công nhận là một dạng trầm cảm dựa trên chẩn đoán DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản). Từ đó, trầm cảm cười chưa nhận được nhiều sự chú ý và chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác, gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày hay thậm chí là reo rắc ý định tự sát đối với người mắc.
Nguyên nhân gây trầm cảm cười
Giống như bao bệnh rối loạn tâm thần, nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng trầm cảm cười vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã ghi nhận nguyên nhân trầm cảm cười là hệ lụy do sự tương tác giữa môi trường bên người và yếu tố nội sinh, bản thể bên trong mỗi người.
Nguyên nhân thông thường
Trầm cảm cười có thể gây ra bởi các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ tương tự như những loại rối loạn trầm cảm khác, bao gồm:
- Tổn thương chức năng ở não bộ như chấn động não, lạm dụng các loại chất gây nghiện…
- Tổn thương thực thể ở não bộ như u não, chấn thương não bộ.
- Sang chấn tâm lý.
- Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm gây tăng yếu tố nguy cơ.
- Tác dụng phụ của một số làm mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh hay gây rối loạn hormon.
Nguyên nhân tâm lý
Nguyên nhân tâm lý là khía cạnh vô cùng phức tạp vì điều này sẽ thay đổi tùy vào sự bộc lộ cảm xúc của mỗi người. Bệnh nhân trầm cảm cười sẽ sử dụng sự lạc quan, vui vẻ làm lá chắn để cố gắng che đậy sự trầm cảm. Chuyên gia cho rằng tâm lý che đậy cảm xúc này có thể tới từ những nguyên nhân sau:
- Chịu sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình.
- Lo sợ làm gánh nặng cho người thân, bạn bè.
- Sợ bị xa lánh, kỳ thị hay soi xét.
- Tâm lý không chấp nhận căn bệnh trầm cảm của bản thân.
- Có nhận thức méo mó, sai lệch về sự hạnh phúc.
Dấu hiệu hội chứng trầm cảm cười
Mặc dù khó nhận biết nhưng người mắc trầm cảm cười vẫn trải qua những cung bậc cảm xúc của căn bệnh trầm cảm như buồn bã, chán nản, bi quan và mặc cảm. Người mắc trầm cảm cười có thể có những triệu chứng sau:
- Chán nản, buồn bã: Đây là dấu hiệu trầm cảm cười thường gặp ở những người mắc trầm cảm nói chung. Sự buồn bã có thể bất ngờ ập tới và lớn dần theo thời gian nhưng không thể xác định rõ nguyên nhân.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Những người mắc hội chứng trầm cảm cười có thể thay đổi giấc ngủ. Người bệnh có thể bị mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều.
- Thay đổi khẩu vị: Trầm cảm cười có thể khiến người mắc thay đổi thói quen ăn uống. Thông thường, bệnh nhân sẽ chán ăn và giảm khẩu vị. Tuy nhiên, người bệnh có thể đột ngột ăn uống nhiều hơn và thay đổi sở thích ăn uống.
- Mất hứng thú với hoạt động xung quanh: Người mắc trầm cảm cười cũng sẽ mất hứng thú khi tham gia hoạt động xung quanh, kể cả sở thích của bản thân.
Người bệnh mắc trầm cảm cười có nhận thức rõ ràng về tình trạng của bản thân. Vì thế, họ sẽ gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân, tạo nên một vỏ bọc vui vẻ, hòa đồng để che đi những triệu chứng của sự trầm cảm. Từ Đó, người mắc vẫn có những biểu hiện hoàn toàn bình thường như:
- Vui tươi, cười nói với người xung quanh.
- Tham gia tích cực các hoạt động với tập thể và nhóm bạn.
- Hoàn thành công việc tốt.
Sự trầm cảm bị dấu kín đằng sau những nụ cười
Làm sao để giúp người mắc trầm cảm cười
Hội chứng trầm cảm cười không được chính thức công nhận là một loại trầm cảm trên lâm sàng nên không có tiêu chuẩn xác định để chẩn đoán cũng như không có phác đồ cụ thể để điều trị bệnh. Để điều trị hội chứng này, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng của mỗi bệnh nhân để đưa ra phán đoán và xây dựng kế hoạch điều trị, tư vấn riêng.
Mặc dù có những khác biệt nhất định đối với những loại trầm cảm khác, hội chứng trầm cảm cười cũng được điều trị dựa trên phác đồ điều trị bệnh trầm cảm nói chung. Quá trình điều trị sẽ bao gồm sử dụng thuốc điều trị, tham gia trị liệu tâm lý cùng chuyên gia và thay đổi lối sống tích cực. Ngoài ra, quá trình điều trị sẽ có những thay đổi phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân cũng như độ tuổi của họ.
Tham gia trị liệu tâm lý có hiệu quả đối với bệnh nhân
Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Trầm cảm cười có nguy hiểm không?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Trầm cảm cười là một dạng rối loạn tâm thần đặc biệt. Người mắc phải hội chứng này sẽ không bộc lộ những cảm xúc buồn bã, chán nản thường thấy ở bệnh trầm cảm. Thay vào đó, họ sẽ dựng nên bộ mặt lạc quan, vui vẻ để che dấu cảm xúc thật khiến trầm cảm cười rất khó để phát hiện và điều trị. Tuy có điểm khác biệt so với trầm cảm thông thường, quá trình điều trị hội chứng trầm cảm cười sẽ bao gồm ba yếu tố bao gồm trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc điều trị và thay đổi lối sống tích cực.
Xem thêm:
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp