Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư

Ngày 06/06/2022
Kích thước chữ

Trầm cảm có thể làm cho người bệnh không theo được liệu trình điều trị ung thư. Nó cũng có thể làm bệnh nhân khó đưa ra các quyết định liên quan tới điều trị và chăm sóc. Vì thế việc phát hiện và điều trị trầm cảm là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

Bệnh nhân ung thư có thể bị trầm cảm, đây là một rối loạn cảm xúc có thể điều trị được.

Triệu chứng của trầm cảm có thế xuất hiện không lâu sau khi bị chẩn đoán ung thư hoặc bất cứ lúc nào trong hoặc sau quá trình điều trị.

Những triệu chứng này dao động từ nhẹ đến nặng. Trầm cảm nặng gây trở ngại cho mối quan hệ của người bệnh với những người xung quanh, ảnh hưởng tới những hoạt động hằng ngày và cả khả năng chịu trách nhiệm của người bệnh. Bệnh lý này còn được gọi là rối loạn trầm cảm nặng.

Các triệu chứng của trầm cảm

Những triệu chứng liên quan đến khí sắc

  • Cảm thấy xuống tinh thần;
  • Cảm thấy buồn;
  • Cảm thấy tuyệt vọng;
  • Cảm thấy cáu kỉnh (dễ bị kích thích);
  • Cảm thấy vô cảm;
  • Cảm thấy vô dụng.
Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư1 Cảm thấy tuyệt vọng là dấu hiệu của trầm cảm

Những triệu chứng về hành vi

  • Mất đi sự quan tâm về những hoạt động mà bạn thích trước đây;
  • Thường xuyên khóc;
  • Muốn tránh mặt bạn bè hoặc gia đình.
  • Mất đi động lực để làm những hoạt động hằng ngày.

Những triệu chứng về nhận thức

  • Giảm khả năng tập trung;
  • Khó khăn khi ra quyết định;
  • Có vấn đề về trí nhớ;
  • Suy nghĩ tiêu cực. Trong những tính huống cực đoan, điều này có thể bao gồm suy nghĩ rằng cuộc đời này không đáng sống hoặc những ý tưởng làm tổn thương chính bản thân mình.

Những triệu chứng cơ thể

  • Mệt mỏi;
  • Ăn không ngon;
  • Mất ngủ, không thể ngủ hoặc ngủ sâu;
  • Ngủ nhiều (ngủ quá mức);
  • Các vấn đề tình dục, như giảm ham muốn tình dục.

Các triệu chứng về nhận thức và cơ thể được liệt kê ở trên có thể là những tác dụng phụ của bệnh ung thư hoặc do điều trị ung thư gây ra. Khi chẩn đoán trầm cảm ở bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường phải chú trọng nhiều hơn đến các triệu chứng cảm xúc và hành vi.

Những yếu tố nguy cơ của trầm cảm

Những người bị ung thư có nhiều khả năng bị trầm cảm nếu họ có những yếu tố nguy cơ sau:

  • Trước đây đã từng được chẩn đoán là trầm cảm hoặc lo âu.
  • Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm hoặc lo âu.
  • Thiếu sự hỗ trợ từ bạn bè hoặc gia đình.
  • Gánh nặng về tài chính.
Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư2 Những người bị ung thư có nhiều khả năng bị trầm cảm

Tầm soát trầm cảm liên quan tới ung thư

Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến khích việc tầm soát trầm cảm ở những bệnh nhân ung thư. Việc tầm soát nên được thực hiện ngay khi bệnh nhân nhận chẩn đoán và cũng phải tầm soát định kỳ trong và sau khi điều trị.

Yêu cầu điều trị sẽ phụ thuộc vào việc bệnh nhân có bao nhiêu triệu chứng trầm cảm và độ thường xuyên của chúng.

Mặc dù bạn có thể khó giải thích, hãy thử nói về trải nghiệm của bạn cho nhóm chăm sóc sức khỏe, bao gồm những điều sau đây:

  • Cảm nghĩ của bạn.
  • Căn nguyên/nguồn gốc cụ thể của những việc bạn quan tâm.
  • Những triệu chứng cơ thể.
  • Những ảnh hưởng đối với cuộc sống hằng ngày của bạn.

Điều này sẽ giúp nhóm chăm sóc nắm được vấn đề của bạn và lên kế hoạch điều trị.

Điều trị trầm cảm ở bệnh nhân ung thư

Những người bị trầm cảm cần được điều trị theo chuyên khoa tâm thần. Đối với những người bị trầm cảm vừa hoặc nặng, việc kết hợp điều trị tâm lý và thuốc thường là phương pháp hiệu quả nhất. Đối với một số người bị trầm cảm nhẹ, nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể đủ để làm giảm bớt các triệu chứng.

Xem thêm: Giải tỏa stress (căng thẳng) cho bệnh nhân ung thư

Trầm cảm ở bệnh nhân ung thư3 Những người bị trầm cảm cần được điều trị theo chuyên khoa tâm thần

Điều trị tâm lý

  • Các chuyên gia sức khỏe tâm thần bao gồm tư vấn viên, nhà tâm lý học, và bác sĩ khoa tâm thần. Họ giúp bệnh nhân tiếp cận các phương pháp để cải thiện kỹ năng đối phó, phát triển một hệ thống hỗ trợ, và định hình lại những suy nghĩ tiêu cực. Các lựa chọn bao gồm liệu pháp cá nhân, liệu pháp cặp vợ chồng hoặc liệu pháp gia đình, và liệu pháp nhóm. Ngoài ra, các bác sĩ khoa tâm thần là những người có thể kê toa thuốc và đánh giá các nguyên nhân khác (nguyên nhân nội khoa) của trầm cảm.

Thuốc

Hiện có nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau. Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc chống trầm cảm thích hợp nhất dựa trên các yếu tố:

  • Bệnh sử của bệnh nhân.
  • Nhu cầu của bệnh nhân.
  • Khả năng gặp tác dụng phụ.
  • Tương tác với những loại thuốc đang dùng.

Hãy báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc ung thư và thuốc/chất bổ trợ liên quan mà bạn đang uống. Một số thuốc có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm.

Một số bệnh nhân sẽ thấy cải thiện sau 2 tuần kể từ khi uống thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, thường mất đến 6 – 8 tuần để thuốc có hiệu lực đầy đủ.

Thuốc có thể không điều trị trầm cảm hữu hiệu nếu không kết hợp với liệu pháp tâm lý.

Theo dõi trầm cảm ở bệnh nhân ung thư

Sau khi giới thiệu bạn tới một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, bác sĩ ung thư của bạn sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của điều trị.

Nếu các triệu chứng trầm cảm không giảm sau 8 tuần điều trị thì:

  • Cân nhắc các phương pháp điều trị khác
  • Cân nhắc thêm tư vấn trong kế hoạch điều trị, nếu bạn chưa có

Bạn và bác sĩ của bạn có thể chọn những phương án này sớm hơn, nếu cần thiết.

Xem thêm: Vai trò giao tiếp của người chăm sóc bệnh nhân ung thư

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin