Trật xương bánh chè là một trong những chấn thương phổ biến, hay gặp. Chúng thường kèm theo nhiều bất thường về cấu trúc xương và gân cơ vùng gối. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về trật xương bánh chè trong bài viết dưới đây nhé!
Vài nét về xương bánh chè
Xương bánh chè ở đâu
Xương bánh chè là một phần xương nhỏ ở đầu gối, cụ thể là trước khớp gối và trước đầu dưới của xương đùi.
Đây là một xương vừng lớn nhất trên cơ thể, nằm trong hệ thống duỗi của đầu gối, che chở mặt trước khớp gối.
Cấu tạo xương bánh chè
Xương bánh chè được cấu tạo bên ngoài là xương đặc, bên trong là xương xốp, tạo nên tổ chức có hình tam giác. Xươnxg gồm có 2 mặt, 2 bờ, 1 đỉnh và 1 đáy.
- Mặt xương: Mặt trước hơi lồi ra và có nhiều khía rãnh, nhằm cho gân cơ tứ đầu đùi bám vào. Mặt sau 4/5 là diện khớp. Chúng tiếp khớp với diện bánh chè của xương đùi.
- Bờ xương: có 2 bờ là trong và ngoài.
- Nền: đây là phần để gân cơ tứ đầu đùi bám vào.
- Đỉnh: ở bên dưới, có dây chằng bánh chè bám vào.
Chức năng xương bánh chè
Do nằm trong hệ thống duỗi đầu gối nên xương bánh chè có chức năng che chở mặt trước khớp gối. Chúng giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi gối do đó phần xương này rất dễ bị tổn thương do tai nạn giao thông, lao động hoặc là sinh hoạt.
Xương bánh chè là phần xương nhỏ ở đầu gối, trước khớp gối và trước đầu dưới của xương đùi
Trật xương bánh chè là gì?
Trật xương bánh chè có thể hiểu đơn giản chính là tình trạng xương bánh chè do chấn thương bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Biểu hiện của bệnh nhân không rõ ràng, nhưng có thể nhận ra nhờ tình trạng khó mở, hoặc không thể mở đầu gối.
Trong hầu hết các trường hợp, trật bánh chè có thể hồi phục nhờ vật lý trị liệu và nẹp gối, ngoại trừ những trường hợp gãy xương bánh chè hoặc là các đợt tái phát.
Trật xương bánh chè thường xảy ra do chấn thương, thường là những chấn thương xoắn không có tiếp xúc trực tiếp với đầu gối hoặc là do một cú đánh trực tiếp vào mặt giữa của đầu gối. Những bệnh nhân bị lỏng dây chằng toàn thân có nguy cơ trật xương bánh chè nhiều hơn. Ngoài ra cũng có xu hướng tái diễn nhiều lần.
Trật xương bánh chè là tình trạng xương bánh chè lệch khỏi vị trí ban đầu
Trật xương bánh chè biểu hiện như nào?
Biểu hiện thường gặp nhất của trật xương bánh chè chính là cơn đau đột ngột và tình trạng biến dạng đầu gối sau chấn thương. Người bệnh thường ghi nhận nghe thấy tiếng “bốp” trên gối và sau đó là sưng tấy trong giai đoạn cấp tính. Những triệu chứng dần tồi tệ hơn khi gập gối và quỳ.
Trật xương bánh chè có thể kèm theo tràn dịch khớp hoặc là tổn thương phần mô xung quanh. Ngoài ra còn có lệch xương đùi, lệch xương bánh chè, xoắn xương chày hoặc là lỏng lẻo dây chằng nói chung.
Biểu hiện của trật xương bánh chè là tình trạng sưng tấy ở đầu gối
Tái phạt trật xương bánh chè
Đây là tình trạng thường gặp của bất cứ ai từng bị trật xương bánh chè. Theo như những thống kê vào năm 2020, 50% số người được điều trị bằng biện pháp không phẫu thuật ở lần đầu bị tái phát.
Nguy cơ tái phát cũng cao hơn nếu cơ thể chưa có đủ thời gian hồi phục từ lần bị đầu tiên. Do đó, có thể nói sự lựa chọn tốt cho những người bị trật khớp lần đầu và có nguy cơ tái phát cao chính là phẫu thuật. Tuy nhiên, cần nhớ phẫu thuật cũng làm tăng nguy cơ diễn ra các bệnh khác tại đầu gối như là viêm khớp.
Luyện tập thể dục thể thao và vật lý trị liệu thường xuyên có thể giúp phòng ngừa và tái chấn thương trong một vài trường hợp.
Biến chứng nguy hiểm của trật xương bánh chè
Xương bánh chè là xương vừng lớn nhất trên cơ thể, nằm ở trong vùng gối. Nó thuộc hệ thống xương duỗi gối, là điểm tựa của cánh tay đòn của cơ tứ đầu cũng như phanh hãm của gối. Xương bánh chè góp phần rất quan trọng vào quá trình vận động của khớp gối, cũng là một thành phần bảo vệ không thể thiếu.
Trật xương bánh chè có thể gây ra hậu quả lâu dài nguy hiểm cho cơ thể. Có thể dẫn đến viêm khớp xương bánh chè - đùi, đứt dây chằng chêm - bánh chè, hoặc là làm bẹt lồi cầu ngoài xương đùi.
Trên lâm sàng, không khó để xác định và chẩn đoán trật khớp xương bánh chè. Tuy nhiên, việc xác định được chính xác nguyên nhân ở từng trường hợp sai khớp xương bánh chè lại tương đối khó khăn.
Các biến chứng cấp tính nguy hiểm bao gồm gãy xương sụn liên quan, tái phát nhiều lần và viêm khớp thoái hóa.
Những biến chứng gây ra do phẫu thuật trật bánh chè đầu gối nói chung bao gồm tổn thương mạch máu - thần kinh, nhiễm trùng gây viêm khớp phản ứng, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc là thuyên tắc phổi. Sau khi đã phẫu thuật cắt xương, bệnh nhân thường có cảm giác đau ở vị trí bắt vít, có thể gây ra tình trạng mất khả năng quỳ gối thoải mái.
Ngoài ra, người bệnh cũng bị tiềm ẩn nguy cơ gãy xương chày đoạn gần rất cao.
Trật xương bánh chè có thể gây biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Bị trật xương bánh chè phải giải quyết như thế nào?
Thông thường, khi đầu trật xương bánh chè hoặc là trật khớp nói chung, nhiều người thường sử dụng đá để chườm lên vùng bị thương và hạn chế đi lại. Tuy nhiên cần chú ý rằng, cách này chỉ giúp giảm sưng đau tạm thời, nếu như để lâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng không mong muốn.
Tốt nhất, bạn nên đến thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng, từ đó tìm ra hướng điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh cần lập tức đi khám nếu nhận thấy những biểu hiện sau:
- Sưng hoặc đau quá mức sau một chấn thương nghiêm trọng vùng đầu gối;
- Biến dạng đầu gối;
- Tê bì chân;
- Không cảm nhận được những nhịp đập ở chân.
Tình trạng biến dạng đầu gối
Trật xương bánh chè có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể. Đặc biệt là tắc nghẽn mạch máu, có thể dẫn đến bắt buộc cưa chân. Vì vậy, không nên xem thường tình trạng này, tránh tiến triển nặng và khó khăn hơn trong quá trình điều trị về sau.
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp