Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ

Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ là hiện tượng thường gặp khi bé bị mắc các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi, cảm cúm,... Tuy không gây nhiều nguy hiểm nhưng bố mẹ vẫn cần nắm rõ nguyên nhân cụ thể, phương hướng xử lý hiệu quả khi con bị chảy máu cam lúc ngủ.

Trẻ bị chảy máu cam là rất bình thường và hầu hết các bé đều gặp tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Nhưng trẻ bị chảy máu cam khi ngủ do đâu và nên làm gì để cầm máu? Bài viết sau từ Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về tình trạng trẻ chảy máu cam khi ngủ.

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị chảy máu cam khi ngủ?

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, tình trạng trẻ bị chảy máu cam khi ngủ do rất nhiều yếu tố tác động, trong đó phổ biến hàng đầu là những nguyên nhân sau.

Khô hốc mũi

Một trong những lý do thường gặp nhất khi trẻ bị chảy máu cam là do hốc mũi khô. Có nhiều yếu tố khiến hốc mũi của bé khô hơn, trong đó, vấn đề thiếu hụt chất dinh dưỡng, thiếu vitamin C và không khí khô chiếm tỷ lệ cao nhất. Cũng giống như da khô sẽ nứt nẻ và chảy máu, hốc mũi cũng vậy. Khi niêm mạc hốc mũi khô sẽ làm mao mạch nhạy cảm hơn, dễ bị chảy máu hơn.

Để hạn chế tình trạng này khiến trẻ bị chảy máu cam khi ngủ, bố mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, cân bằng các nhóm chất và hạn chế cài đặt nhiệt độ máy lạnh quá thấp khi ngủ.

Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa 1
Khô hốc mũi khiến trẻ bị chảy máu cam khi ngủ

Thói quen ngoáy mũi

Nhiều người cho rằng trẻ ngoáy mũi là thói quen rất bình thường nhưng thực tế, đây lại là yếu tố khiến con dễ bị chảy máu cam lúc ngủ hơn đấy. Khi ngoáy mũi trẻ có thể thực hiện hành động ngoáy mạnh một cách vô thức, kể cả trong lúc ngủ khiến các mao mạch trong mũi bị tổn thương và chảy máu, đặc biệt là khi trẻ để móng tay dài, nhọn.

Dị ứng

Một nguyên nhân nữa có thể làm trẻ bị chảy máu cam khi ngủ, đó là tình trạng dị ứng. Bé bị dị ứng sẽ có những triệu chứng như hắt hơi nhiều, chảy nước mũi, chảy nước mắt,… Lúc này, khi mũi bị ngứa và dị ứng, bé thường có thói quen gãi mũi hoặc xì mũi mạnh, liên tục làm vỡ mao mạch trong mũi, từ đó gây chảy máu cam.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc xịt mũi steroid hoặc thuốc dùng trong điều trị triệu chứng dị ứng cũng có thể khiến hốc mũi khô hơn, nhạy cảm và dễ tổn thương hơn.

Nhiễm trùng đường hô hấp

Tình trạng viêm xoang, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác hoàn toàn có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, hậu quả là trẻ bị chảy máu cam khi ngủ. Những dấu hiệu đi kèm khi con chảy máu cam liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp gồm nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau họng, sốt cao, cảm giác ớn lạnh,…

Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa 2
Nhiễm trùng đường hô hấp là một trong những nguyên nhân gây chảy máu cam

Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ có nguy hiểm không?

Thực tế, việc trẻ bị chảy máu cam khi ngủ rất bình thường và không có gì nghiêm trọng đến tính mạng. Tuy vậy bố mẹ cũng cần theo dõi tần suất bé chảy máu cam, lượng máu chảy và các dấu hiệu khác như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt,… vì rất có thể trẻ đã bị sốt xuất huyết, sốt chikungunya,… dẫn đến chảy máu cam.

Bên cạnh đó, nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện lạ khác như đái máu hoặc đi cầu ra máu,… phụ huynh cần đưa con đến trung tâm y tế, bệnh viện,… để tiến hành thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và xác định hướng điều trị phù hợp.

Làm thế nào khi trẻ bị chảy máu cam khi ngủ?

Khi nhận thấy trẻ bị chảy máu cam khi ngủ, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh và thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Cho trẻ ngồi dậy hoặc đứng, đầu hơi nghiêng về phía trước để xác định bên mũi nào bị chảy máu cam. Bố mẹ cần chú ý không đề đầu con ngửa ra sau vì rất dễ làm máu mũi chảy xuống cổ họng và dẫn đến sặc, buồn nôn, khó thở,…
  • Nên sử dụng khăn giấy hoặc khăn vải sạch ấn nhẹ lên lỗ mũi bị chảy máu cam trong 5 – 15 phút để cầm máu. Khi này có thể cho trẻ ngậm một viên đá lạnh hoặc đắp khăn lạnh lên sống mũi giúp mao mạch co lại tốt hơn, tăng tốc độ cầm máu.
  • Sau khoảng 15 phút từ khi thực hiện những thao tác trên, bạn hãy lấy khăn ra và tiến hành kiểm tra lại xem bé còn bị chảy máu cam nữa hay không. Nếu thấy vẫn còn bạn nên thực hiện lại các bước xử lý nêu trên.
  • Sau khi đã cầm máu thành công có thể cho trẻ ngủ lại. tuy nhiên cần gối đầu cao trong lúc ngủ và cố gắng không di chuyển nhiều vùng đầu, tốt nhất nên giữ tư thế ngủ khiến con thoải mái là được.
  • Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ nên nằm nghiêng sang một bên và duy trì tư thế này khoảng 1 ngày để kiểm tra xem tình trạng chảy máu cam có tiếp diễn hay không. Nếu thấy vẫn bị chảy máu cam thì việc ngủ nghiêng một bên sẽ hạn chế máu chảy làm nghẽn đường thở. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể dùng vaseline hoặc thuốc mỡ kháng sinh thoa vào trong mũi bằng tăm bông để làm ẩm, giúp mao mạch nhanh liền hơn.
Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa 3
Khi bé bị chảy máu cam nên giữ tư thế đầu hơi ngửa ra sau

Cách đề phòng trẻ chảy máu cam trong lúc ngủ

Tình trạng trẻ bị chảy máu cam khi ngủ không đáng lo ngại và để phòng tránh hiện tượng này, bố mẹ hãy lưu ý những điều sau:

  • Nên giữ nhiệt độ phòng ngủ vừa phải và tốt hơn hết nên dùng thêm máy phun sương tạo độ ẩm nhằm hạn chế khô hốc mũi, đặc biệt là khi trời chuyển lạnh hoặc đã sang đông.
  • Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh và làm ẩm bên trong hốc mũi trước khi đi ngủ.
  • Thoa vaseline hoặc thuốc mỡ vào hốc mũi bằng tăm bông giúp bạn chế tình trạng chảy máu cam do hốc mũi khô.
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm cải thiện tình trạng chảy máu cam từ bên trong.
  • Nên tập cho trẻ bỏ thói quen ngoáy mũi, tránh làm tổn thương mao mạch trong mũi dẫn đến chảy máu.
  • Mỗi khi cần chỉ nên xì mũi một cách nhẹ nhàng, tránh xì mạnh gây chảy máu cam.
  • Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp nên dùng nước muối xịt mũi hoặc xông mũi để cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Đồng thời nên uống thật nhiều nước hoặc tăng cường đồ ăn dạng lỏng.
Trẻ bị chảy máu cam khi ngủ: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa 4
Bổ sung thêm vitamin C giúp trẻ đề phòng hiện tượng chảy máu cam

Mong rằng những chia sẻ trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng trẻ bị chảy máu cam khi ngủ. Nếu bé thường xuyên bị chảy máu cam và không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám chữa hiệu quả, kịp thời.

Xem thêm: Bé bị chảy máu mũi 1 bên do đâu và xử lý như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin